Như đã thông tin, Bộ LĐ-TB&XH đã hai lần gửi công văn tới UBND tỉnh Bắc Ninh về việc đề nghị cho ý kiến hiệp y để xem xét khen thưởng đối với ông Nguyễn Tiến Lãng (phố Tam Á, Gia Đông) và ông Nguyễn Công Uẩn (thôn Bùi Xá, Ngũ Thái, cùng ở huyện Thuận Thành, Bắc Ninh) vì có thành tích tố cáo giúp cơ quan chức năng khui ra gần 3.000 hồ sơ thương binh giả, tuy nhiên tỉnh này vẫn chưa có văn bản trả lời.
Tỉnh nói chưa nhận được văn bản?
Ngày 9-5, để tìm hiểu công văn của Bộ LĐ-TB&XH hiện đã được UBND tỉnh Bắc Ninh giao cho đơn vị nào xử lý, PV Pháp Luật TP.HCM đã liên hệ với nhiều cơ quan chức năng của tỉnh này. Thế nhưng sau một ngày, chưa đơn vị nào đưa ra được câu trả lời cụ thể.
Theo đó, liên hệ với ông Nguyễn Tiến Nhường, Phó Chủ tịch Thường trực UBND, Chủ tịch Hội đồng Thi đua-Khen thưởng tỉnh Bắc Ninh, vị này cho biết cá nhân chưa nhận được công văn nào của Bộ LĐ-TB&XH, đồng thời đề nghị PV muốn tìm hiểu sự việc thì liên hệ với Sở Nội vụ tỉnh Bắc Ninh.
Ông Trần Trung Chính, Phó Giám đốc Sở Nội vụ, Trưởng ban Thi đua-Khen thưởng tỉnh Bắc Ninh, tiếp tục khẳng định chưa nhận được công văn nào của Bộ LĐ-TB&XH do UBND tỉnh chuyển tới.
Theo vị này, nếu đúng nguyên tắc, khi nhận được công văn của Bộ LĐ-TB&XH, Văn phòng UBND tỉnh sẽ chuyển về Sở Nội vụ bởi đơn vị này phụ trách các công tác liên quan đến thi đua, khen thưởng. Thế nhưng hiện không có công văn nào về vụ việc của ông Uẩn và ông Lãng được chuyển đến.
Khi chúng tôi cung cấp số của hai công văn, ông Chính yêu cầu nhân viên lục tìm lại tài liệu lưu trữ nhưng không thấy. Tiếp đó, vị này liên lạc qua điện thoại với một cán bộ Văn phòng UBND tỉnh Bắc Ninh. Tuy nhiên, vị cán bộ kia cho biết do hệ thống lưu trữ công văn đến và đi của tỉnh thay đổi nhiều lần nên hiện chưa thể tra cứu.
Ông Nguyễn Tiến Lãng (trái) và ông Nguyễn Công Uẩn cùng công văn Bộ LĐ-TB&XH gửi tỉnh Bắc Ninh. Ảnh: Viết Long
Ông Chính cho biết: “Theo quy trình, nếu Sở Nội vụ nhận được công văn, chúng tôi sẽ xin ý kiến của ba bên gồm: Công an tỉnh Bắc Ninh để xác định thành tích của hai ông, UBND huyện Thuận Thành để xin ý kiến về việc chấp hành pháp luật và chính sách nhà nước của hai ông, Sở LĐ-TB&XH để phối hợp”.
Cũng theo tìm hiểu của PV, khi gửi công văn đề nghị cho ý kiến hiệp y, Bộ LĐ-TB&XH đồng gửi tới cả UBND tỉnh Bắc Ninh và Sở LĐ-TB&XH tỉnh Bắc Ninh (để biết). Hiện tại Sở LĐ-TB&XH tỉnh này đã nhận được công văn nói trên từ lâu, vậy không hiểu lý do vì sao mà ông Nguyễn Tiến Nhường khẳng định mình chưa nhận được công văn nào...?
Chính quyền địa phương nói gì về hai lão nông
Trở lại câu chuyện xin ý kiến hiệp y của Bộ LĐ-TB&XH, ông Nguyễn Công Uẩn và Nguyễn Tiến Lãng cho biết mình là đảng viên, suốt 80 năm qua luôn chấp hành chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước. “Đến bây giờ tôi tự hào rằng mình đã hoàn thành trách nhiệm của một công dân là đòi công bằng cho xã hội và làm trong sạch đội ngũ đảng viên...” - ông Lãng chia sẻ.
Với những đóng góp của ông Lãng, ông Nguyễn Văn Ba, Phó Chủ tịch UBND xã Gia Đông, khẳng định việc đấu tranh của ông Lãng được chính quyền địa phương ghi nhận và ủng hộ. Đặc biệt, địa phương rất mừng khi biết những khiếu kiện của ông đều chính xác và người có sai phạm đã phải chịu trách nhiệm trước pháp luật... Cũng theo ông Ba, thời gian sống ở địa phương, ông Lãng không hề gây khó khăn hay có những vi phạm gì. “Ông ấy đấu tranh để xóa cái sai, sao lại gây khó khăn được...” - ông Ba nhấn mạnh.
Tương tự, đối với lão nông Nguyễn Công Uẩn, ông Nguyễn Đình Thường, Chủ tịch UBND xã Ngũ Thái, cho biết suốt thời gian công tác tại xã (từ năm 1990), ông Uẩn không có vi phạm gì. “Ông ấy toàn đi đòi công lý cho dân và được dân ủng hộ. Chúng tôi cũng luôn động viên và giúp đỡ cho ông những lúc khó khăn...” - ông Thường nói.
Không chỉ chính quyền địa phương, ngày 9-5, khi chúng tôi trở lại xã Ngũ Thái, Gia Đông sau những trang báo kể về “chiến công” của hai lão nông, nhiều người dân bày tỏ: “Hai ông xứng đáng được tặng bằng khen lâu rồi nhưng muộn còn hơn không, chúng tôi rất mong hai ông ấy sớm được Nhà nước ghi nhận...”.
Khui ra 2.745 hồ sơ thương binh giả Năm 2010 ông Nguyễn Tiến Lãng và ông Nguyễn Công Uẩn đã tố cáo việc nhiều người không đi bộ đội hoặc chỉ bị tai nạn xe máy, cụt một ngón tay cũng được công nhận là thương binh. Từ tố cáo của hai ông, ngày 21-4-2015, Bộ LĐ-TB&XH thông báo Công an tỉnh Bắc Ninh và Bộ Tư lệnh Quân khu 1 đã tiến hành khởi tố, điều tra các vụ án liên quan. Theo kết quả điều tra, số đối tượng khai man, giả mạo hồ sơ phải kiến nghị đình chỉ trợ cấp là 2.745 người, kiến nghị thu hồi nộp ngân sách nhà nước hơn 150 tỉ đồng, giảm chi ngân sách nhà nước mỗi năm 20 tỉ đồng. Đặc biệt có 24 đối tượng bị xử lý hình sự. Hiện Thanh tra Bộ LĐ-TB&XH đang tiến hành xét tặng bằng khen của bộ trưởng cho hai ông vì có thành tích xuất sắc trong việc tố cáo hành vi tham nhũng. Tuy nhiên, Bộ LĐ-TB&XH đã hai lần có văn bản gửi UBND tỉnh Bắc Ninh xin ý kiến hiệp y về tình hình chấp hành chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước tại địa phương của hai ông nhưng đến nay vẫn chưa nhận được trả lời. “Lúc đầu tôi không tin vào công lý” Bà Nguyễn Thị Thắng (71 tuổi, vợ ông Lãng, là cán bộ về hưu) kể: Từ khi ông ấy đi tố cáo những sai phạm ở địa phương, nhiều người tìm đến đe dọa, có lúc sáng sớm mở cửa ra thấy một đống phân người trước cổng nhà, ra vườn thì cây cối bị chặt. “Lúc ấy tôi và các con rất chán nản vì cuộc sống gia đình bỗng nhiên đảo lộn, vì vậy ai cũng ra sức can ngăn ông. Tuy nhiên, ông ấy vẫn kiên quyết làm bằng được nên tôi và các con lúc đó rất bức xúc vì nghĩ rằng ông chỉ tốn thời gian chứ làm gì tố cáo hạ bệ được các ông quan. Nhưng khi ông làm được, tôi cũng thấy mừng cho chồng. Từ đó cuộc sống gia đình trở lại bình thường và tôi tôn trọng quyết định mà ông đã lựa chọn...” - bà Thắng khẳng định. |