Cô cá voi cái Granny già nhất thế giới, nữ chúa của bầy cá voi sát thủ - loài động vật có vú ăn thịt, được cho là đã 105 tuổi.
Theo Trung tâm nghiên cứu cá voi ở Tây Bắc Thái Bình Dương (Bắc Mỹ), các nhà nghiên cứu đã không nhìn thấy Granny kể từ giữa tháng 10-2016.
"Thật sự rất tiếc chúng tôi cho rằng Granny đã chết" - nhà nghiên cứu Ken Balcomb, người đã nghiên cứu quần thể cá voi trong bốn thập niên qua, cho biết vào ngày 31-12. Lần cuối cùng ông nhìn thấy Granny là khi nó đang dẫn đầu đàn cá hướng về phía bắc tìm thức ăn ngang qua eo biển Haro.
Granny được chụp vào ngày 3-7-2016. Ảnh: SCMP
Trong những năm gần đây, các nhà nghiên cứu quan sát thấy Granny lãnh đạo bầy cá voi sát thủ J-Pod. Bầy cá này là một trong ba nhóm thuộc quần thể cá voi sát thủ ở phía nam. Quần thể đặc biệt này có khoảng 80 con, có nguy cơ bị tuyệt chủng ở cả Canada và Mỹ.
Granny rất dễ nhận dạng với một đốm trắng đặc trưng trên vây lưng. Lần đầu tiên các nhà nghiên cứu biết đến Granny là vào những năm 1970. Tuy nhiên nó được cho là đã chào đời vào năm 1911, một năm trước khi tàu Titanic chìm.
Sự biến mất của Granny đã kết thúc một năm đầy thách thức với loài cá voi sát thủ ở biển Salish. Trong năm này các nhà nghiên cứu cho biết đã có sáu chú cá voi trong quần thể hoặc mất tích hoặc đã chết. Trong khi một năm trước đó - năm 2015 có tới tám chú cá voi sát thủ được sinh ra.
Khả năng Granny qua đời khiến nhà nghiên cứu Balcomb rất lo ngại về sức khỏe của đàn cá trong thời gian tới. "Granny sống như một chú thỏ tiếp năng lượng. Trong tương lai ai sẽ dẫn dắt đàn cá? Liệu đàn cá có tương lai không nếu chúng không có thức ăn?” - ông viết trên trang web.
Granny bơi tại biển Salish gần đảo San Juan, Washington năm 2015. Ảnh: AP
Quần thể cá voi sát thủ này vốn có một mối quan hệ đáng lo ngại với những người hàng xóm ở bờ biển phía tây. Trong những năm cuối thập niên 1960 và đầu thập niên 1970, hàng chục cá voi sát thủ đã bị bắt và bán cho các bể cá cảnh và công viên giải trí trên thế giới.
Những chú cá voi còn lại phải tiếp xúc với hóa chất thải ra từ các ngành công nghiệp địa phương. Điều này đã khiến chúng trở thành loài động vật biển chịu nhiều ô nhiễm nhất thế giới.
Trong những năm gần đây, cuộc chiến sinh tồn của cá voi sát thủ càng trở nên khó khăn khi nguồn cá hồi đang ngày càng giảm và lượng tàu thuyền qua vùng biển tăng cao.
Các nhà nghiên cứu tại Canada cũng cảnh báo rằng một dự án đường ống dẫn gần đây đã được chính phủ Canada phê duyệt. Dự án này cho phép lượng tàu chở dầu và tàu lớn đi qua vùng cá voi sinh sống tăng lên gấp bảy lần. Điều này càng thêm đe dọa sự sống của quần thể cá voi này.