Bỏ đi khoảng 100 m, T. và H. quay lại cướp nốt chiếc điện thoại của cô gái. Sau đó, VKS một quận ở TP Đà Nẵng truy tố T. và H. về tội cướp tài sản, đồng thời xác định T. và H. có tình tiết tăng nặng là phạm tội nhiều lần. Mới đây, TAND quận này xử sơ thẩm đã xác định T. và H. chỉ phạm tội liên tục chứ không phạm tội nhiều lần và phạt T. bảy năm tù, H. hai năm sáu tháng tù.
Phạm tội nhiều lần là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự quy định tại điểm g khoản 1 Điều 48 BLHS nếu nó không phải là tình tiết định khung tăng nặng của điều luật. BLHS không quy định thế nào là phạm tội nhiều lần. Nhưng về lý luận cũng như thực tiễn xét xử thì phạm tội nhiều lần là người phạm tội đã thực hiện từ hai hành vi phạm tội trở lên, tác động đến cùng một đối tượng hoặc nhiều đối tượng khác nhau, xâm phạm đến cùng một khách thể trực tiếp, mà mỗi hành vi ấy đã có đủ các yếu tố cấu thành một tội phạm độc lập và được quy định tại cùng một điều luật trong phần riêng BLHS. Nếu tách ra từng hành vi phạm tội riêng lẻ thì mỗi hành vi ấy đã đủ các yếu tố cấu thành một tội phạm độc lập.
Phạm tội nhiều lần khác phạm tội liên tục. Phạm tội liên tục là do một loạt hành vi phạm tội cùng loại, xảy ra kế tiếp nhau về mặt thời gian tạo thành nhằm đạt tới mục đích phạm tội. Trong một loạt hành vi ấy có cái đã là tội phạm, có cái chưa phải là tội phạm. Phạm tội nhiều lần và phạm tội liên tục giống nhau ở chỗ đều diễn ra một cách liên tục cả về thời gian và không gian, chỉ khác nhau ở chỗ phạm tội nhiều lần thì mỗi lần hành vi phạm tội cấu thành một tội phạm độc lập, còn phạm tội liên tục thì các lần thực hiện hành vi có lần cấu thành tội phạm, có lần không.
Trở lại vụ án trên, lần thứ nhất T. và H. đã dùng nón bảo hiểm đánh liên tiếp vào đầu chàng trai bắt đưa tài sản. Quá sợ hãi, chàng trai này đã đưa hai chiếc điện thoại di động cho H. Hành vi phạm tội của T. và H. đã cấu thành tội cướp tài sản. Lần thứ hai, sau khi đã cướp được hai điện thoại di động của chàng trai, đi được khoảng hơn 100 m, H. lại rủ T. quay lại lấy tiếp điện thoại của cô gái. Lần này, T. đã dùng mũ bảo hiểm đe dọa nạn nhân, có tính chất đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc để chiếm đoạt tài sản nên hành vi này cũng bị coi là cướp tài sản.
Như vậy, T. và H. đã phạm tội nhiều lần (hai lần phạm tội mà mỗi lần đều cấu thành tội cướp tài sản) chứ không phải phạm tội liên tục như tòa sơ thẩm nhận định.
Luật sư ĐINH VĂN QUẾ, nguyên Chánh Tòa Hình sự TAND Tối cao