Các câu hỏi Thủ tướng yêu cầu ngành du lịch trả lời

(PLO)- Thủ tướng nêu rõ cần phải nỗ lực phát triển ngành du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 15-3, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc về du lịch năm 2023 với chủ đề “Đẩy nhanh phục hồi - Tăng tốc phát triển”.

“Đi trước về chậm”

Báo cáo của Bộ VH-TT&DL tại hội nghị thừa nhận chúng ta đã mở cửa du lịch trước, đi trước nhưng về chậm. Lượng khách quốc tế đến Việt Nam chưa đạt mức kỳ vọng. Dù có nhiều nguồn lực chuẩn bị cho việc mở cửa lại thị trường quốc tế nhưng kết quả chưa đạt được như mong muốn của Chính phủ và các cơ quan du lịch.

Theo Bộ VH-TT&DL, một số nguyên nhân dẫn đến du lịch chưa đạt kỳ vọng, trước hết do thương hiệu du lịch Việt Nam đang phụ thuộc rất nhiều vào khách truyền thống. Trong khi đó, thị trường này chưa mở cửa hoàn toàn do đại dịch COVID-19 và chính sách của từng quốc gia.

Khách du lịch đặt mua tour tại một công ty du lịch ở TP.HCM. Ảnh: HOÀNG GIANG

Khách du lịch đặt mua tour tại một công ty du lịch ở TP.HCM. Ảnh: HOÀNG GIANG

Phát biểu khai mạc hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá so với các nước trong khu vực, năm 2022, chúng ta chưa đạt mục tiêu thu hút khách du lịch.

Thủ tướng đặt ra hàng loạt câu hỏi: Bên cạnh những nguyên nhân khách quan như xung đột Nga - Ukraine, vậy đâu là nguyên nhân chủ quan khi du lịch Việt Nam mở cửa sớm nhưng lại “đi trước về chậm”. Tại sao tỉ lệ khách du lịch quốc tế trở lại Việt Nam còn thấp? Đúng và trúng chưa? Tại sao vẫn có tình trạng manh mún trong du lịch? Chúng ta đã làm tốt công tác quảng bá, xúc tiến du lịch chưa? Thông tin cho khách du lịch còn thiếu, yếu mặc dù đã thúc đẩy kinh tế số, chuyển đổi số? Chính sách gì để chúng ta có đột phá trong thời gian tới, vấn đề hạ tầng như thế nào, xúc tiến và quảng bá như thế nào? Rồi vấn đề vệ sinh môi trường, vấn đề huy động nguồn lực hợp tác công tư để phát triển du lịch, chính sách visa đã hợp lý chưa?…

Thủ tướng cho rằng không ai đổ lỗi cho ai mà phải tìm ra hướng đi bằng chính đặc thù của đất nước, linh hoạt, không máy móc. Thủ tướng gợi ý cân nhắc hình thành phong trào tất cả chung tay xây dựng đất nước xanh, sạch, đẹp để phát triển kinh tế - xã hội và du lịch bền vững được không?

Cần cải cách về chính sách visa du lịch

Đưa ra ý kiến tại hội nghị, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Sun Group Đặng Minh Trường nhấn mạnh thêm vai trò của thị trường khách quốc tế đối với du lịch Việt Nam. Theo ông Trường, vừa qua các chính sách visa du lịch đã có những điểm tiến bộ. Tuy nhiên, để có những đột phá hơn, có tính cạnh tranh trong tương lai và bền vững thì phải có những cải cách mạnh hơn nữa.

“Tổng giám đốc Vietnam Airlines Lê Hồng Hà cũng kiến nghị “chào đón khách du lịch bằng chính sách xuất nhập cảnh thông thoáng.”

Ông Trường đề xuất hai giải pháp cho vấn đề này. Thứ nhất, các bộ, ngành sớm xem xét phân tích, đánh giá, trình Thủ tướng Chính phủ, báo cáo Quốc hội để sửa đổi, bổ sung các quy định của Luật Xuất nhập cảnh. Cụ thể, các nội dung tăng thời hạn thị thực đối với khách du lịch quốc tế 90-180 ngày, thời gian tạm trú 30-45 ngày và cho phép nhập cảnh nhiều lần; đối với các quốc gia đơn phương miễn thị thực nhập cảnh, tăng từ 15 ngày lên 30-45 ngày và cũng cho nhập cảnh nhiều lần.

Thứ hai, nghiên cứu đề xuất gia hạn hoặc mở rộng các đối tượng, các quốc gia có thể được miễn visa đơn phương, trong đó có những thị trường trọng điểm. Ví dụ như hiện nay, thị trường Úc chi tiêu 4 tỉ USD/năm để đi du lịch, hay như Canada trên 33 tỉ USD hoặc các nước Bắc Âu như Hà Lan, Thụy Sĩ, Bỉ đều chi 21-26 tỉ USD, xếp trên cả Thụy Điển, Na Uy, Đan Mạch, những nước hiện nay thuộc chính sách được miễn visa.

“Ngày 4-11-2022, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 143 giao Bộ VH-TT&DL chủ trì đề xuất giải pháp nghiên cứu mở rộng đối tượng miễn visa nhập cảnh đơn phương. Tôi rất mong muốn trong thời gian tới sớm ban hành nghị quyết về vấn đề này, có thể trước mùa du lịch mùa hè để chúng ta đón du khách, thực hiện mong muốn đón 8 triệu lượt khách, thậm chí còn hơn trong năm 2023” - ông Trường nói.

Tổng giám đốc Vietnam Airlines Lê Hồng Hà cũng kiến nghị “chào đón khách du lịch bằng chính sách xuất nhập cảnh thông thoáng”. Cùng với đó, cần thiết có chương trình quốc gia về du lịch, có tổ công tác của Thủ tướng về du lịch quốc gia để đẩy mạnh sự phục hồi, tăng tốc phát triển.

Cũng liên quan đến chính sách, thủ tục về xuất nhập cảnh, Phó Tổng giám đốc Saigontourist Võ Anh Tài cũng đề xuất cần duy trì và tăng cường công tác truyền thông chính sách, liên tục cập nhật tin tức, sự kiện quan trọng, chính sách mới nhất liên quan đến du lịch Việt Nam.•

Mở rộng visa điện tử

Sau khi lắng nghe ý kiến của các đại biểu, Thủ tướng cho rằng phát triển du lịch trong giai đoạn mới phải chú trọng tính chuyên nghiệp, hiện đại, theo chuẩn mực quốc tế nhưng cũng đa dạng, độc đáo, riêng có; kiên định mục tiêu nhưng phải hết sức linh hoạt, thích ứng, đổi mới, sáng tạo, gắn kết chặt chẽ với quá trình chuyển đổi số.

Tập trung rà soát, kịp thời cập nhật, sửa đổi, bổ sung các cơ chế, chính sách, quy định về du lịch theo hướng đồng bộ, hiện đại và hội nhập, tạo thuận lợi cho khách du lịch cả nội địa và quốc tế. Đồng thời nghiên cứu, đề xuất các cơ chế, giải pháp đột phá để phát triển ngành du lịch, nhất là khai thác các yếu tố riêng có của Việt Nam.

Sửa đổi, hoàn thiện chính sách về thủ tục xuất nhập cảnh cho khách quốc tế theo hướng tăng số lượng nước được miễn thị thực và kéo dài thời hạn lưu trú phù hợp với lệ phí hợp lý, mở rộng visa điện tử. Tạo điều kiện cho các hãng hàng không trong nước, quốc tế mở các đường bay và trực tiếp kết nối Việt Nam với các thị trường du lịch trọng điểm, tiềm năng.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm