Theo tờ New York Times, những thanh xà, cột gỗ trong đống đổ nát của những di tích văn hóa tại thung lũng Kathmandu đang được tận dụng làm vật liệu hỗ trợ cứu hộ. Ngay cả những thanh gỗ được chạm trổ các họa tiết cổ, có niên đại từ tận thế kỷ 17, đáng giá hàng ngàn đô tại các phiên đấu giá ở phương Tây, cũng bị các đội cứu hộ vứt chung vào những đống gạch đá trong quá trình tìm kiếm người sống sót, bỏ mặc dưới nắng mưa và không có người canh gác.
Các vụ trộm cắp cổ vật cũng đã bắt đầu xuất hiện tại Kathmandu. Ngày 28-4, cảnh sát cố ngăn cản các kẻ hôi của lấy đi một quả chuông đồng hàng trăm năm tuổi của một ngôi đền ngay trung tâm thủ đô. Cảnh sát Nepal ngày 29-4 cũng đã bắt giữ tám thiếu niên vì tội bày bán những mẩu điêu khắc gỗ của các đền đài ngoài chợ đen. Thế nhưng, theo Christian Manhart, trưởng văn phòng UNESCO tại Nepal, việc cử cảnh sát đến bảo vệ hàng ngàn địa điểm di sản văn hóa tại Kathmandu là một điều không tưởng. Lực lượng này còn quá nhiều công việc cần làm như tham gia cứu hộ, đảm bảo an ninh các khu tập trung người bị nạn và kiểm soát các khu phân phát hàng hóa. Cho đến nay, Bộ Khảo cổ của Nepal vẫn chưa có chính sách cụ thể cho việc thu gom và phân loại các mẫu cổ vật sau thảm họa, khiến cho việc phục dựng các công trình này trong tương lai sẽ càng thêm khó khăn.
Trong khi đó, các chuyên gia cũng đang lo sợ không thể vừa xây lại những công trình nghệ thuật tại Nepal, lại vừa giữ được những nét độc đáo về nghệ thuật của chúng. Tổ chức UNESCO và các chuyên gia lịch sử, khảo cổ đã đánh giá những hư tổn này là “không thể khôi phục được”. Bốn trong số bảy di sản thế giới được UNESCO công nhận tại thung lũng Kathmandu đã bị hủy hoại trầm trọng hoặc bị phá hủy hòan toàn. Tuy nhiên, việc phục dựng sẽ vẫn có hy vọng khả thi. Tháp cổ Dharahara, di sản văn hóa vừa bị phá hủy trong trận động đất ngày 25-4 vừa qua, cũng đã từng được xây dựng lại sau hai trận động đất năm 1833 và 1934 tại Nepal. Giáo sư Michael Hutt, giám đốc Học viện Nam Á tại Đại học Luân Đôn, nhận định: “Xây dựng lại những di sản này sẽ là một công việc khổng lồ. Một mình Nepal sẽ không thể nào đủ tiền để thực hiện công việc này.”