Kỳ vọng 3 dự án cao tốc mới ở phía Nam - Bài 2

Các địa phương phía Nam mong chờ 3 tuyến cao tốc

(PLO)- Các địa phương có dự án cao tốc đi qua đều mong muốn dự án đường bộ cao tốc sớm triển khai, đồng thời kiến nghị được làm chủ đầu tư các dự án thành phần và cam kết sớm bàn giao mặt bằng, cung cấp vật liệu cho dự án.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, các địa phương khẳng định rất ủng hộ đề xuất của Bộ GTVT về việc đầu tư công ba dự án đường bộ cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột, Biên Hòa - Vũng Tàu và Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng. Các tỉnh, thành cũng mong muốn những dự án này được áp dụng Nghị quyết 43/2022 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH). Trong đó có cơ chế về chỉ định thầu, giao cho các địa phương làm chủ đầu tư các dự án thành phần…

Sơ đồ dự kiến các dự án thành phần ba cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột, Biên Hòa - Vũng Tàu và Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng. Đồ họa: THY LAN - HỒ TRANG

Sơ đồ dự kiến các dự án thành phần ba cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột, Biên Hòa - Vũng Tàu và Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng. Đồ họa: THY LAN - HỒ TRANG

Đầu tư cao tốc là cần thiết và cấp thiết

Ông Nguyễn Văn Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, cho biết tuyến quốc lộ (QL) 51 dù được đầu tư mở rộng nhưng thường xuyên bị ùn tắc, đặc biệt trong thời gian cao điểm, cản trở sự phát triển kinh tế vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Vì vậy, cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu cần sớm được hoàn thành nhằm khai thác đồng bộ sân bay Long Thành, phát huy tối đa tiềm năng cảng Cái Mép - Thị Vải. Đặc biệt tạo tiền đề và động lực thúc đẩy phát triển KT-XH của các tỉnh Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu nói riêng và vùng Đông Nam bộ nói chung.

Đối với việc đầu tư tuyến cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, ông Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang, cho rằng cao tốc đi theo hướng trục ngang của vùng ĐBSCL, sau khi hoàn thành sẽ rút ngắn được thời gian di chuyển từ An Giang đến TP.HCM, đồng thời giúp ĐBSCL không còn bị lệ thuộc nhiều vào TP.HCM cho việc xuất khẩu hàng hóa đi các nơi. “Chúng ta sẽ có sự lựa chọn thứ hai là thông qua cảng Trần Đề để phục vụ cho nhu cầu xuất khẩu hàng hóa của khu vực do tuyến đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng nối trực tiếp với cảng này…” - ông Bình cho hay.

Cạnh đó, theo ông Bình, tuyến cao tốc này đi vào hoạt động sẽ phá thế “độc đạo” của QL91. Đây là tuyến đường huyết mạch phục vụ quốc phòng - an ninh và giao thương giữa Việt Nam và Campuchia. Tuy nhiên, qua hơn 20 năm sử dụng, đến nay QL91 (đoạn qua An Giang) đã xuống cấp rất nặng nề, thường xuyên xảy ra tai nạn giao thông; nghiêm trọng hơn là thường xuyên xảy ra tình trạng sạt lở bờ sông, gây ùn tắc giao thông cục bộ.

“Ngoài ra, tuyến đường bộ cao tốc này hoàn thành sẽ giúp An Giang thuận lợi hơn trong việc phát triển kinh tế biên giới, giải quyết được những vấn đề khó khăn của tỉnh mà nhiều năm nay với nguồn lực còn hạn chế chưa thể thực hiện được…” - ông Bình khẳng định.

Cùng quan điểm, ông Mai Văn Tân, Giám đốc Sở GTVT tỉnh Hậu Giang, nhận định cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng sẽ tạo điều kiện thuận lợi trong vận chuyển, lưu thông hàng hóa vùng ĐBSCL. Do vậy, sở sẽ tham mưu UBND tỉnh kế hoạch đầu tư các dự án giao thông, trong đó tập trung các dự án trọng điểm có tính kết nối, liên kết các trục đường cao tốc, QL qua địa bàn để tạo điều kiện, động lực phát triển KT-XH của tỉnh.

Đối với tuyến cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk Võ Văn Cảnh cho rằng tuyến kết nối Tây Nguyên với đồng bằng duyên hải miền Trung, kết nối hành lang vận tải Đông Tây là cầu nối quan trọng, là cung đường ngắn nhất, nhanh nhất, chi phí logistics thấp nhất trong việc cung ứng các sản phẩm nông nghiệp đặc trưng vùng Tây Nguyên xuất khẩu đến các nước trên thế giới thông qua cảng biển Vân Phong. “Do đó, việc đầu tư tuyến cao tốc này là hết sức cần thiết và cấp bách nhằm tháo gỡ nút thắt, điểm nghẽn then chốt hết sức quan trọng. Từ đó tạo đột phá về hạ tầng giao thông đường bộ, tạo động lực phát triển kinh tế cho cả vùng…” - vị này cho hay.

Địa phương muốn làm chủ đầu tư dự án thành phần

Theo đề xuất của Bộ GTVT, mỗi dự án đường bộ cao tốc đều có ít nhất ba dự án thành phần. Trong đó, Bộ GTVT dự kiến đề nghị Chính phủ giao cho mỗi địa phương một dự án thành phần. Trao đổi với chúng tôi, hầu hết địa phương đều ủng hộ phương án này, đồng thời khẳng định khi được giao dự án sẽ chỉ đạo các cơ quan chuyên môn hoàn thiện bộ máy có đầy đủ năng lực, kinh nghiệm quản lý để phối hợp với Bộ GTVT tổ chức thực hiện.

Cụ thể, ông Nguyễn Ngọc Hè, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, cho rằng thời gian qua Sở GTVT Cần Thơ đã triển khai nhiều dự án giao thông trọng điểm có quy mô và giải pháp kỹ thuật phức tạp. Chẳng hạn như dự án đầu tư xây dựng QL61C, nâng cấp và mở rộng QL nam sông Hậu, xây dựng trục chính đô thị Võ Văn Kiệt… Các dự án đưa vào khai thác đúng tiến độ, sử dụng từ năm 2013 đến nay đảm bảo chất lượng. “Vì vậy về năng lực và kinh nghiệm, TP hoàn toàn có thể đáp ứng khi được giao thực hiện dự án thành phần cao tốc trên địa bàn…” - ông Hè khẳng định.

Để chứng minh năng lực của địa phương, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang Đồng Văn Thanh dẫn chứng địa phương đã thực hiện quản lý nhiều dự án quan trọng có kỹ thuật phức tạp, ứng dụng công nghệ mới. Chẳng hạn như dự án đường nối tỉnh Hậu Giang với TP Cần Thơ, đường Võ Nguyên Giáp, nâng cấp mở rộng các tuyến QL, dự án đường tỉnh 927. Các dự án này đều đảm bảo tiến độ, đặc biệt sau khi vận hành đảm bảo chất lượng nên mong muốn được nhận một dự án thành phần để đầu tư.

Dự án cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu dự kiến giải tỏa khoảng 2.843 hộ, cần xây dựng bốn khu tái định cư. Trong đó đoạn qua TP Biên Hòa có khối lượng bồi thường, tái định cư lớn nên Đồng Nai sẽ cố gắng triển khai thực hiện công tác GPMB theo tiến độ dự án, hoàn thành trong năm 2025.

Bà NGUYỄN THỊ HÒA, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai

Tạo mọi điều kiện để cung cấp nguồn nguyên vật liệu

Về công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) và vật liệu phục vụ dự án, chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cho biết để dự án cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu được triển khai thuận tiện, tỉnh đã giao thị xã Phú Mỹ và TP Bà Rịa cùng với các ban, sở, ngành rà soát quy hoạch sử dụng đất giai đoạn 2021-2030 và kế hoạch sử dụng đất hằng năm tại địa phương, tổ chức đo đạc bản đồ địa chính, kiểm đếm ghi nhận hiện trạng, cắm mốc ranh dự án. Song song đó, phối hợp xây dựng dự thảo khung chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cho người dân; sẵn sàng triển khai các thủ tục thực hiện thu hồi đất, GPMB sau khi dự án được duyệt.

Còn ông Nguyễn Ngọc Hè, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, cũng khẳng định sẽ hỗ trợ, tạo mọi điều kiện để cung cấp nguồn nguyên vật liệu phục vụ thi công dự án Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, đặc biệt là vật liệu đắp nền đường, đồng thời đánh giá khả năng cung cấp vật liệu trên địa bàn làm cơ sở đề xuất các giải pháp thực hiện. Song song đó, địa phương cam kết thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư dự án đảm bảo tiến độ theo đề xuất của Bộ GTVT.

Xác định công tác GPMB là khâu then chốt, giám đốc Sở GTVT tỉnh Hậu Giang cho biết tỉnh đã phê duyệt quy hoạch sử dụng đất dự án để tạo điều kiện triển khai các thủ tục tiếp theo. Trong thời gian tới, địa phương sẽ phối hợp tốt với Bộ GTVT, các bộ, ngành liên quan để triển khai nhanh nhằm sớm đưa dự án cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng vào khai thác. Cụ thể, tỉnh có năm điểm sét gạch ngói, với tổng diện tích khoảng 1.870 ha, tổng trữ lượng dự báo khoảng 22 triệu m3. Ngoài ra còn có thể tận dụng đất đào hữu cơ trong các dự án khác, các mỏ cát trên địa bàn…•

Địa phương cùng bỏ vốn ra làm cao tốc

Trong văn bản vừa gửi Thủ tướng về khả năng cân đối vốn cho ba tuyến cao tốc, Bộ GTVT cho biết ngoài sử dụng vốn đầu tư công, nguồn tăng thu và tiết kiệm chi của ngành, còn có thêm ngân sách địa phương tham gia các dự án này. Cụ thể, HĐND các tỉnh có dự án đi qua cam kết bố trí khoảng 5.758 tỉ đồng (khoảng 50% GPMB). Riêng tỉnh Đồng Nai chưa có văn bản cam kết, mới có văn bản xin ý kiến Thường trực HĐND bố trí khoảng 1.200 tỉ đồng (thấp hơn so với mức tối thiểu 50% GPMB là 2.648 tỉ đồng).

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đã có kết luận yêu cầu tỉnh Đồng Nai cam kết bố trí ngân sách địa phương đủ mức vốn nêu trên và yêu cầu UBND các tỉnh trình HĐND ban hành nghị quyết để bảo đảm tính khả thi theo quy định pháp luật. “Như vậy, ngân sách địa phương tham gia dự án theo cam kết nêu trên tổng cộng khoảng 8.406 tỉ đồng…” - Bộ GTVT cho hay.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm