6 tỉnh phía Nam cam kết chi 8.406 tỉ đồng làm 3 cao tốc

(PLO)- Tổng mức đầu tư cho 3 tuyến cao tốc phía Nam là 84.463 tỷ đồng, trong đó 6/7 tỉnh có đường đi qua đã cam kết chi 5.758 tỷ phục vụ việc giải phóng mặt bằng.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Theo báo cáo mới nhất của Bộ GTVT, 3 dự án đường bộ cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk), Biên Hòa (Đồng Nai) - Vũng Tàu, Châu Đốc (An Giang) - Cần Thơ - Sóc Trăng có tổng mức đầu tư tạm tính hơn 84.400 tỉ đồng.

Để triển khai thì giai đoạn 2022 – 2025 cần khoảng 67.500 tỉ đồng. Nếu được áp dụng cơ chế chỉ định thầu thì có tiết kiệm 5% tổng mức đầu tư, tức nhu cầu vốn giai đoạn này giảm xuống còn hơn 65.200 tỉ đồng. Phần còn lại của dự án triển khai giai đoạn 2026-2030, cần gần 16.900 tỉ đồng.

Các nguồn tiền dự kiến làm ba tuyến cao tốc. Ảnh: V.LONG

Các nguồn tiền dự kiến làm ba tuyến cao tốc. Ảnh: V.LONG

Căn cứ tiến độ dự án, Bộ GTVT dự kiến giai đoạn 2022 – 2025 sẽ sử dụng nguồn vốn đầu tư công trung hạn khoảng 33.447 tỉ đồng, nguồn vốn từ chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội khoảng 9.620 tỉ đồng.

Đáng chú ý, các dự án cao tốc quốc gia này còn sử dụng một phần ngân sách các địa phương có tuyến đường đi qua. Cụ thể, HĐND 6 tỉnh đã cam kết bố trí nguồn vốn tương ứng 50% chi phí giải phóng mặt bằng, tương đương 5.758 tỉ đồng, gồm Khánh Hòa 348 tỉ, Đắk Lắk 916,5 tỉ, An Giang 1.000 tỉ, Cần Thơ 1.000 tỉ, Hậu Giang 823 tỉ, Sóc Trăng 1.000 tỉ đồng.

Đồng Nai hoàn thành công việc này, nhưng UBND tỉnh đã có văn bản xin ý kiến Thường trực HĐND bố trí khoảng 1.200 tỉ đồng, chưa được phân nửa với mức tối thiểu 50% giá trị giải phóng mặt bằng trên địa bàn, 2.648 tỉ đồng.

Theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, Đồng Nai cần cam kết bố trí ngân sách địa phương theo mức tối thiểu đã quy định. Như thế, phần huy động ngân sách các địa phương hưởng lợi trực tiếp từ 3 tuyến đường cao tốc phía Nam sẽ ở mức khoảng 8.406 tỉ đồng.

Số còn thiếu khoảng 13.796 tỉ đồng, Phó Thủ tướng đã chỉ đạo Bộ Tài chính rà soát, cân đối đủ từ nguồn tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách trung ương năm 2021.

Về cơ chế, chính sách đặc thù cho 3 dự án cao tốc này, Bộ GTVT cho biết sẽ áp dụng theo Nghị quyết số 43/2022 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó có cơ chế về chỉ định thầu, giao cho các địa phương làm chủ đầu tư các dự án thành phần…

Bộ 3 dự án cao tốc phía Nam đang ở giai đoạn chuẩn bị trình Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư. Ở bước này, Chính phủ đã hoàn tất báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, dự kiến báo cáo Quốc hội tại ky họp tháng 5 này.

Kiến nghị Quốc hội cho địa phương bố trí ngân sách làm cao tốc

Theo Luật Ngân sách nhà nước và Luật Giao thông đường bộ, ngân sách trung ương có trách nhiệm đầu tư phát triển đường bộ cao tốc. Tuy nhiên, giai đoạn này trung ương đang phải cân đối cho nhiều dự án quan trọng quốc gia, trong khi, các địa phương là đối tượng được hưởng lợi trực tiếp từ việc đầu tư các dự án hạ tầng giao thông.

“Với vai trò quan trọng, tính cấp thiết cần đầu tư ngay và cơ bản hoàn thành trong năm 2025, đòi hỏi sự tập trung nguồn lực, chung sức, đồng lòng của cả trung ương và địa phương. Vì vậy, kiến nghị Quốc hội cho phép các địa phương được bố trí một phần ngân sách địa phương để tham gia đầu tư dự án…” - Bộ GTVT nêu quan điểm.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm