Các hành vi cấm trong hoạt động báo chí cần quy định ngay trong luật

Theo trình bày của Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Bắc Son, qua 17 lần chỉnh sửa (tính từ năm 1999), đến nay dự thảo luật gồm sáu chương, 60 điều, trong đó có 31 điều xây dựng mới và 29 điều sửa đổi, bổ sung các quy định của Luật Báo chí hiện hành.

Trình bày báo cáo thẩm tra sơ bộ dự án Luật Báo chí (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên, Nhi đồng  Đào Trọng Thi cho biết dự thảo luật còn 12 nội dung bất cập cần được tiếp tục nghiên cứu, bổ sung hoàn chỉnh. Trong đó nổi lên một số nội dung: Dự thảo luật quy định đến chín nội dung cấp giấy phép và bốn nội dung phải thông báo với sự chấp thuận bằng văn bản của cơ quan quản lý nhà nước về báo chí. Điều này làm tăng thủ tục hành chính, giảm tính chủ động của cơ quan báo chí, hạn chế quyền tự do báo chí.

Về Điều 10, dự thảo luật đã kế thừa quy định về những nội dung không được thông tin trên báo chí của luật hiện hành, đồng thời bổ sung những hành vi bị cấm trong hoạt động báo chí. Cơ quan thẩm tra dự án luật cho rằng quy định về những nội dung và hành vi bị cấm là hạn chế quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí nên cần phải quy định cụ thể, minh bạch ngay trong luật (theo quy định tại khoản 2 Điều 14 Hiến pháp năm 2013). Tuy nhiên, dự thảo luật lại ủy quyền cho Chính phủ quy định thêm các hành vi cấm khác và quy định chi tiết hướng dẫn thi hành ở các văn bản dưới luật là không phù hợp vì những điều này liên quan đến quyền con người, quyền công dân vì thế phải được quy định trong luật.

Bên cạnh đó, khoản 7 Điều 25 dự thảo luật quy định văn phòng đại diện, PV thường trú chỉ được hoạt động tại địa phương khi được chấp thuận bằng văn bản của UBND địa phương đó. Báo cáo thẩm tra cho rằng quy định như vậy là hạn chế quyền tự do báo chí. Thực tế cho thấy trong một số trường hợp, UBND địa phương gây khó dễ hoặc không đồng ý cho PV thường trú hoạt động do đưa tin, bài viết về các vụ việc tiêu cực của địa phương. Dự thảo luật đã quy định cụ thể điều kiện đặt văn phòng đại diện và tiêu chuẩn của PV thường trú, bởi vậy chỉ cần yêu cầu cơ quan báo chí phải gửi thông báo đến UBND tỉnh trước khi đặt văn phòng đại diện và cử PV thường trú hoạt động tại địa phương là đủ.

TRỌNG PHÚ

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm