Các khả năng pháp lý vụ 2 ngư dân bị tra tấn trên biển

(PLO)- Chuyên gia cho rằng có dấu hiệu của tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác, tội hành hạ người khác nhưng trước mắt phải giám định thương tật.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Liên quan đến clip “ngư dân bị tra tấn trên biển”, chiều 17-11, tin từ Văn phòng Công an tỉnh Cà Mau cho hay lãnh đạo công an tỉnh đã chỉ đạo Công an huyện Trần Văn Thời vào cuộc, yêu cầu chủ tàu cá xảy ra vụ tra tấn ngư dân đưa ngay tàu vào bờ để làm rõ sự việc.

Cùng ngày, chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau đã có chỉ đạo cho công an tỉnh cập nhật, cung cấp thông tin vụ việc kịp thời cho báo chí, đồng thời chỉ đạo sớm làm rõ, báo cáo về chủ tịch tỉnh chậm nhất là ngày 21-11.

Clip thể hiện mặt ngư dân bị biến dạng. Ảnh cắt từ clip
Clip thể hiện mặt ngư dân bị biến dạng. Ảnh cắt từ clip

Đã có sự vi phạm về thời hạn giải quyết tin tố giác

Theo quy định, thời hạn giải quyết tin tố giác về tội phạm là không quá 20 ngày kể từ ngày cơ quan có thẩm quyền nhận được tin báo. Đối với tin tố giác có nhiều tình tiết phức tạp thì có thể kéo dài nhưng tối đa là không quá bốn tháng (Điều 11 Thông tư liên tịch 01/2017). Ngoài ra, theo quy định tại khoản 4 Điều 206 BLTTHS thì “tính chất thương tích, mức độ tổn hại sức khỏe hoặc khả năng lao động” thuộc trường hợp bắt buộc phải trưng cầu giám định.

Ở đây, sự việc xảy ra hồi tháng 5, hai ngư dân đã trình báo cho công an nhưng đến nay (hơn năm tháng) vẫn chưa đưa hai ngư dân này đi giám định là đã có sự vi phạm về thời hạn giải quyết tin tố giác.

TS PHAN ANH TUẤN,

Trường ĐH Luật TP.HCM

Hai ngư dân đã báo công an từ cuối tháng 5

Sáng cùng ngày, chủ tịch UBND huyện Trần Văn Thời đã có báo cáo nhanh về hai clip ngư dân tra tấn ngư dân xôn xao mạng xã hội mấy ngày qua. Báo cáo khẳng định sự việc như trong clip là có thật nhưng đã xảy ra hồi tháng 5-2022. Có hai ngư dân trình báo với Công an thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời, Cà Mau vào các ngày 28 và 30-5-2022.

Hai người trình báo là ông Trương Văn Trung (sinh năm 1975, ngụ xã An Minh Bắc, huyện U Minh Thượng, Kiên Giang) và anh Lê Văn Bình (sinh năm 1992, ngụ huyện An Biên, Kiên Giang).

Lúc trình báo, ông Trung khai ngày 23-5 bị ba người đánh gãy bốn cái răng, bị thương tích ở tay phải; dập môi, gối phải. Ông khai ba người đánh, hành hạ ông là Nguyễn Công Toàn, Nguyễn Văn Tỵ và Nguyễn Văn Hùng (cùng ngụ tỉnh Cà Mau). Còn anh Lê Văn Bình khai bị hai người là Nguyễn Công Toàn và Nguyễn Văn Hùng đánh gãy một cái răng và chấn thương ở bả vai phải vào ngày 24-5.

Nguyên nhân dẫn đến việc tra tấn, đánh đập không được nêu trong báo cáo của UBND huyện Trần Văn Thời. Còn trong hai đoạn clip đăng trên mạng xã hội thể hiện một số người đã có hành vi tra tấn, đánh đập, dùng kềm kẹp tay, kẹp tai và tra hỏi “ai đánh mày, mày nói”, “mày biết sai chưa”, “mày kêu tên tao là tao đánh”.

Cũng theo báo cáo của UBND huyện Trần Văn Thời, vụ đánh đập xảy ra trên tàu cá biển số BT 97993 TS do bà Phạm Thị Hà (tên thường gọi là Năm Bô) làm chủ. Ghe xuất bến từ cửa biển Sông Đốc từ ngày 4-1 với bảy thuyền viên. Tài công là Nguyễn Công Toàn, tên thường gọi là To (con trai của chủ ghe). Toàn cũng là người bị hai ngư dân Trung, Bình tố giác tra tấn, đánh đập nhiều nhất.

Chân dung của người tra tấn tích cực nhất clip. Ảnh cắt từ clip

Chân dung của người tra tấn tích cực nhất clip. Ảnh cắt từ clip

Khó xử lý hình sự nếu nạn nhân từ chối giám định

Nêu quan điểm pháp lý xoay quanh vụ việc trên, TS Phan Anh Tuấn (Trường ĐH Luật TP.HCM) cho biết: Về thương tích, theo thông tin ban đầu thì hai ngư dân bị thương tích ở tai phải, vùng bả vai, bị mất răng... Trong trường hợp cá nhân bị gây thương tích hoặc tổn hại về sức khỏe thì phải trưng cầu giám định. Do đó, cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải ra quyết định trưng cầu giám định theo quy định tại Điều 205 BLTTHS 2015.

Cũng theo TS Tuấn, kết quả giám định về tỉ lệ thương tật là cơ sở để xác định hành vi của nhóm người trên tàu có dấu hiệu của tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác (Điều 134 BLHS) hay chỉ có dấu hiệu của tội hành hạ người khác (Điều 140 BLHS). Đây cũng là cơ sở để xem xét về trách nhiệm bồi thường thiệt hại.

Tuy nhiên, nếu hai ngư dân từ chối đi giám định thì cũng khó xử lý hình sự đối với trường hợp này. Theo TS Tuấn, trong trường hợp này, các cơ quan tiến hành tố tụng có thể áp dụng biện pháp dẫn giải trong trường hợp “người bị hại từ chối việc giám định theo quyết định trưng cầu của cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng mà không vì lý do bất khả kháng hoặc không do trở ngại khách quan” theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 127 BLTTHS.

Đồng tình, luật sư (LS) Bùi Quốc Tuấn (Đoàn LS TP.HCM) phân tích thêm: Sự việc diễn ra hồi tháng 5, đến nay các thương tích có thể đã thay đổi. Tuy nhiên, thương tích có hai loại là thương tích tạm thời và thương tích vĩnh viễn (sau khi đã điều trị). Căn cứ vào hồ sơ bệnh án, dấu vết thương tích..., bằng kiến thức chuyên môn, phương tiện, phương pháp khoa học, kỹ thuật, cơ quan giám định hoàn toàn có thể xác định được tỉ lệ thương tật.

Về vấn đề hai ngư dân không yêu cầu xử lý hình sự (theo báo cáo của UBND huyện Trần Văn Thời - PV), LS Nguyễn Thế Thọ (Đoàn LS TP.HCM) cho biết theo quy định tại khoản 1 Điều 155 BLTTHS 2015 thì có chín trường hợp cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng chỉ được khởi tố vụ án hình sự khi có yêu cầu của bị hại. Tức, nếu hành vi phạm tội thuộc vào một trong chín trường hợp trên mà không có yêu cầu của bị hại thì không có căn cứ khởi tố vụ án.

Đáng chú ý, trong chín trường hợp này có trường hợp phạm tội theo khoản 1 Điều 134 BLHS (về tội cố ý gây thương tích và gây tổn hại cho sức khỏe của người khác).

Do đó, trong điều kiện hai ngư dân không yêu cầu xử lý hình sự thì cơ quan tiến hành tố tụng cần xác định hành vi của nhóm người trên tàu có thuộc khoản 1 Điều 134 hay không. Trường hợp không thuộc khoản 1 Điều 134 thì dù nạn nhân không yêu cầu xử lý hình sự, cơ quan công an vẫn có thể khởi tố vụ án.

LS Thọ cũng cho biết thêm trong trường hợp không xử lý hình sự thì hành vi của những người tham gia đánh hai ngư dân sẽ bị xử lý hành chính theo quy định tại điểm a khoản 5 Điều 7 Nghị định 144/2021, phạt tiền 5-8 triệu đồng. Ngoài ra, phải chi trả toàn bộ chi phí khám bệnh, chữa bệnh và có thể phải bồi thường thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm theo quy định tại Điều 590 BLDS 2015.

Hai nguyên nhân công an chưa xử lý xong vụ việc

Cũng theo báo cáo trên, có hai nguyên nhân khiến công an chưa xử lý xong vụ việc là do hai ngư dân chỉ yêu cầu bồi thường tiền điều trị bệnh, không yêu cầu xử lý hình sự. Đồng thời, Công an thị trấn Sông Đốc đã ba lần yêu cầu chủ tàu cá là bà Hà đưa tàu vào bờ để làm rõ sự việc nhưng đến nay bà Hà vẫn chưa cho tàu cá vào.

Sau khi hai clip đăng tải lên mạng xã hội, UBND huyện Trần Văn Thời đã đề nghị công an huyện này phối hợp với biên phòng cửa biển Sông Đốc xác minh làm rõ và xử lý theo quy định của pháp luật.

“... Nếu có dấu hiệu phạm tội thì tiếp nhận tin báo và khởi tố điều tra theo quy định của pháp luật” - báo cáo nêu rõ.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm