Áp đủ loại thuế sản xuất rượu bia
Ngoài cách tính theo quy luật “càng nhiều lít, càng thuế cao” thì thuế môi trường và các chi phí liên quan cũng được cộng gộp khi sản xuất hoặc mua rượu bia.
Điển hình tại Ontario, một trong những bang lớn nhất Canada, các nhà sản xuất có quy mô càng lớn, sản xuất các chai/thùng bia có thể tích càng nhiều thì bị đánh thuế càng cao. Bên cạnh đó, bang Ontario còn hạn chế việc tiêu thụ rượu bằng việc đánh thuế rượu nhập rất cao. Các mặt hàng rượu được sản xuất ngoài Ontario phải chịu mức thuế cao gấp khoảng ba lần so với rượu nội địa (100% nguyên liệu và sản xuất tại Ontario). Trong quá trình sản xuất rượu bia, vấn đề môi trường được giải quyết bằng cách đánh thuế chất liệu thùng chứa (có thể tái sử dụng hay không), còn gọi là thuế môi trường.
Thuế rượu bia tại bang Ontario chính thức có hiệu lực từ tháng 7-2010. Từ đó đến nay mức thuế này liên tục tăng hằng năm. Cùng với xu hướng của Canada, nhiều quốc gia khác cũng đang tăng thuế đối với các mặt hàng có cồn. Như mới đây, chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ đã tăng thuế lên 15% đối với mặt hàng bia. Trong khi đó, bang Alaska (Mỹ) đánh thuế 1,07 USD/gallon (3,78 lít) đối với mặt hàng bia; còn bang Washington nâng mức thuế lên 26,45 USD/gallon với mặt hàng rượu mạnh.
Tại Thái Lan, hồi cuối năm 2013, quy định về mức thuế trần cho các sản phẩm có cồn do Bộ Tài chính đề xuất trước đó đã được nội các nước này “gật đầu”. Thuế sẽ được tính dựa trên số lít cồn trong các loại thức uống. Theo đó, cứ 1 lít thức uống 100% độ cồn sẽ bị đánh thuế 100 baht (khoảng 70.000 VNĐ) hoặc đánh thuế 60% giá trị sản phẩm. Thậm chí các dạng rượu chưng cất sẽ bị đánh thuế 400 baht mỗi lít 100% nồng độ cồn hoặc 50% giá trị sản phẩm.
Cùng xu hướng với Thái Lan, tờ Philstar của Philippines đưa tin hồi đầu năm 2013, thuế rượu bia tại nước này được tăng lên đáng kể. Đối với sản phẩm bia có giá từ 50 peso/lít (khoảng gần 24.000 VNĐ) trở xuống thì đánh thuế 15 peso (khoảng hơn 7.000 VNĐ) tức khoảng 29%. Các loại bia có giá cao hơn thì mức thuế là 20 peso (khoảng 9.400 VNĐ) cho 1 lít. Với sản phẩm rượu, chai rượu 750 ml nếu có giá bán lẻ từ 500 peso (hơn 234.000 VNĐ) trở xuống thì đánh thuế 200 peso (gần 94.000 VNĐ), chiếm 40%. Nếu chai rượu ấy có giá cao hơn thì phải chịu thuế 500 peso. Trong năm 2014, tỉ lệ này còn được chính phủ Philippines đẩy cao hơn. Tổng thống Philippines Aquino nhấn mạnh: “Sau 15 năm cố gắng và nỗ lực, chúng ta làm nên lịch sử khi thành công trong việc xây dựng quy định về thuế đặc biệt đối với rượu bia”.
Tăng thuế đối với người mua
Không chỉ đánh thuế người sản xuất, người bán mà nhiều nước còn áp dụng mức thuế mua cao đối với người mua và tiêu thụ. Tại nhiều bang ở Mỹ, việc sử dụng bia rượu đồng nghĩa với việc phải đóng thêm một khoản thuế thu nhập đặc biệt.
Trang web của chính quyền bang Colorado (Mỹ) chỉ ra rằng: Người mua bia rượu phải trả thêm các khoản thuế cho chính quyền bang, cho quốc gia, các loại thuế địa phương khác. Ví dụ, nếu mua một chai rượu 750 ml với giá niêm yết 15 USD thì 15 USD đó đã bao gồm 0,21 USD thuế tiêu thụ đặc biệt của liên bang và 0,055 USD thuế tiêu thụ đặc biệt nhà nước… Chi phí cuối cùng của chai rượu là 15,44 USD, chưa kể các loại thuế bán hàng địa phương khác.
Nhiều quy định mua-bán khắt khe
Tại Úc, trang web taxreview.treasury.gov.au của chính phủ nước này chỉ ra rằng dù thuế là một giải pháp hiệu quả nhằm hạn chế sản xuất và tiêu thụ bia rượu nhưng nhất thiết phải sử dụng thêm các chính sách hỗ trợ. Nhiều chuyên gia nước này đề xuất điều chỉnh hệ thống buôn bán bia rượu (ví dụ hạn chế cấp phép, quy định vị trí cửa tiệm), hạn chế quảng cáo, siết chặt luật uống rượu bia.
Tuy mỗi bang ở Mỹ đều có những quy định khác nhau về việc sử dụng rượu bia nhưng nhìn chung các bang đều có quy định cụ thể về độ tuổi được mua bán và sử dụng rượu bia và những nơi được bán các chất có cồn. Ví dụ, nhiều bang quy định phải đủ 21 tuổi mới được mua và sử dụng rượu bia. Việc thúc ép, xúi giục người dưới độ tuổi quy định, trẻ em mua rượu bia có thể sẽ phải hầu tòa. Bên cạnh đó, có tới 20 bang tại Mỹ cấm bán rượu trong các cửa hàng tạp hóa.
Vị trí sắp xếp mặt hàng bia rượu trong các siêu thị hay quầy tạp hóa ở Mỹ cũng được quy định cụ thể: tại các góc khó tiếp cận, hạn chế sự tiếp xúc của khách hàng. Nhiều bang còn quy định các ngày không được phép/được phép bán sản phẩm rượu bia. Ví dụ bang Minnesota hiện cấm bán rượu vào Chủ nhật vì đây là ngày nghỉ và khả năng dùng bia rượu rất cao.
ĐỖ VĂN - NA THY