Các nước tranh luận chức tổng giám đốc IMF mới

Kênh truyền hình Mỹ NBC cho biết sau khi bác sĩ tâm lý trò chuyện với ông, nhà tù đã giám sát ông theo chế độ chống tự sát. Theo chế độ này, 15-30 phút giám thị sẽ kiểm tra một lần, can phạm phải mặc đồng phục nhà tù và mang giày không giây. Phòng giam của ông Dominique Strauss-Kahn nằm trong dãy 14 phòng. 13 phòng còn lại để trống. Ông được tự do ra vào phòng giam, được ra ngoài trời mỗi ngày 1 giờ.

Hiện nay, Phó Tổng Giám đốc thứ nhất John Lipsky đang tạm kiêm nhiệm chức vụ tổng giám đốc IMF. Bộ trưởng Tài chính Mỹ Timothy Geithner tuyên bố IMF cần chính thức bổ nhiệm tổng giám đốc tạm quyền. Người phát ngôn chính phủ Nhật Yukio Edano lại đánh giá còn quá sớm để thảo luận vấn đề này. Nhật là nước cấp vốn cho IMF đứng thứ hai chỉ sau Mỹ.

Bộ Ngoại giao Brazil cho rằng chức vụ tổng giám đốc IMF nên thuộc về một nền kinh tế lớn mới nổi. Bộ trưởng Tài chính Nam Phi Pravin Gordhan cho biết Nam Phi mong muốn tổng giám đốc IMF mới nên thuộc về nước đang phát triển.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc tuyên bố đã đến lúc chấm dứt thỏa thuận danh dự có từ thời chiến tranh thế giới thứ hai là chức tổng giám đốc IMF phải thuộc về châu Âu và quá trình chọn lựa tổng giám đốc IMF mới phải dựa trên phẩm chất chứ không phải yếu tố địa lý.

Ở châu Âu, nhiều bộ trưởng Tài chính nhận định chưa phải lúc để thay đổi thỏa thuận châu Âu có quyền chỉ định tổng giám đốc IMF cũng như Mỹ có quyền kiểm soát Ngân hàng Thế giới. Thủ tướng Đức Angela Merkel tuyên bố châu Âu đủ người tài giỏi để thay ông Dominique Strauss-Kahn. Bộ trưởng Tài chính Thổ Nhĩ Kỳ Mehmet Simsek đã khẳng định ông đủ khả năng giữ chức tổng giám đốc IMF.

THIÊN ÂN - TNL (Theo AFP, Reuters, AP, VOA)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm