Đổ mồ hôi tìm con chữ giữa những ngày bỏng cháy

(PLO)- Thời tiết nắng nóng khiến học sinh ở Nam và Đông Nam Á phải tạm dừng đến trường hoặc đi học với cảm giác nóng bức.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Khi nhiệt độ ở Campuchia lên tới mức 38 độ C vào tháng 4, Sek Seila – một học sinh 11 tuổi đang học ở thủ đô Phnom Penh – được cho nghỉ học về nhà.

Seila cho biết thời tiết nắng nóng khiến việc học năm nay rất khó khăn. Ngoài ra, nhiệt độ và độ ẩm cao trong các lớp học kém thông thoáng khiến em khó chịu.

Lớp của Seila có 43 học sinh. Các em phải truyền nhau những chiếc quạt cầm tay trong giờ học để làm mát.

“Lớp học của em không có điều hòa. Không khí rất khó chịu và không thoải mái. Vào một số ngày, trời thậm chí có thể nóng đến mức chúng em có cảm giác như da mình đang bị bỏng” – Seila nói.

Những 'nạn nhân bị bỏ quên' dưới nắng nóng
Học sinh tại một trường học ở Phnom Penh (Campuchia) hồi đầu tháng 5. Ảnh: REUTERS

Theo đài CNN, giống như hàng trăm triệu trẻ em ở nhiều nơi tại Nam và Đông Nam Á, Sek Seila phải đối mặt những khó khăn chưa từng có do nắng nóng kỷ lục. Những khó khăn này bao gồm trường học đóng cửa đột ngột, các tiết học và hoạt động bị hủy bỏ hoặc tạm hoãn.

Các nước đang phát triển phải chịu đựng nhiều nhất

Thời tiết nắng nóng diễn ra rất tàn khốc ở nhiều quốc gia Nam và Đông Nam Á. Theo các nhà khoa học, biến đổi khí hậu đã gây ra các hiện tượng thời tiết cực đoan mạnh hơn và thường xuyên hơn, như các đợt nắng nóng, khiến gần nửa tỉ trẻ em bị ảnh hưởng và dễ bị tổn thương.

Một đợt nắng nóng nguy hiểm đã tràn xuống Bangladesh vào tháng 4, khiến các trường học tại nước này phải đóng cửa. Nhiều trường trong số này không có nhiều trang thiết bị và thiếu các nguồn lực làm mát thiết yếu như quạt, điều hòa không khí để hỗ trợ và bảo vệ học sinh khỏi các nguy cơ sức khỏe như mất nước, đau nửa đầu và say nắng.

Theo các tổ chức trẻ em thế giới như Save the Children và Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF), hơn 33 triệu trẻ em đã bị đợt nắng nóng lần này ảnh hưởng. UNICEF cho biết đối tượng bị ảnh hưởng nặng nhất là trẻ em nghèo ở các vùng nông thôn, nhất là gia đình những em không đủ tiền mua các thiết bị như máy tính xách tay và máy tính bảng để hỗ trợ việc học từ xa.

Ông Sheldon Yett – đại diện UNICEF tại Bangladesh cho biết: “Đối với nhiều trẻ em Bangladesh, việc các em phải đối mặt nắng nóng hầu như hàng ngày là điều thật không dễ dàng”.

“Năm nay nóng hơn năm ngoái và chúng tôi biết rằng hiện tượng nóng lên toàn cầu sẽ ngày càng tồi tệ hơn. Bên cạnh những rủi ro nghiêm trọng về sức khỏe, chúng ta không thể bỏ qua nhu cầu học tập của trẻ em, vốn đã bị ảnh hưởng nặng nề sau đại dịch COVID-19” – ông Yett nói.

Liên Hợp Quốc và các cơ quan của tổ chức này cho biết các nước đang phát triển đang ở tuyến đầu của cuộc khủng hoảng khí hậu và phải gánh chịu thời tiết cực đoan kéo dài như sóng nhiệt, lốc xoáy, bão và lũ lụt nghiêm trọng.

“Mọi trẻ em đều có quyền có một môi trường an toàn và lành mạnh. Chúng tôi muốn thấy trường mở cửa cho trẻ em học tập, nhưng mọi thứ cần phải được thực hiện một cách an toàn” – ông Yett nói.

Trả lời CNN, các chuyên gia và nhà giáo dục ở Campuchia và Philippines cho biết tháng 3 và tháng 4 là thời điểm vô cùng khó khăn đối với các trường học.

Ông Bong Samreth – giáo viên tại một trường công ở Phnom Penh (Campuchia) cho biết: “Chúng tôi không cho phép trẻ em ra ngoài khi nhiệt độ quá nóng. Tuy nhiên, chúng tôi cảm thấy nóng bức và khó chịu khi ở trong lớp học không có quạt hoặc điều hòa. Chúng tôi cố gắng hết sức để chăm sóc các em”.

Biến đổi khí hậu tiếp tục tác động đến tỉ lệ nghèo đói và việc mở cửa trường học ở Philippines. Philippines thường được xếp hạng là một trong những nước dễ bị tổn thương nhất trên thế giới trước tác động của biến đổi khí hậu.

Tổ chức Save the Children Philippines cho biết khoảng cách giáo dục giữa trẻ em nghèo khó ở Philippines và trẻ em ở khu vực thành thị ngày càng gia tăng. Tổ chức này cũng nhấn mạnh việc trường học đóng cửa đang khiến nhiều trẻ em gặp bất lợi đặc biệt.

Tổ chức này cũng cho biết việc 70 học sinh chen chúc trong một lớp học có 1 hoặc 2 quạt điện là điều không hiếm ở Philippines. Các tình nguyện viên cũng cho biết nhiều học sinh không đủ nước uống ở trường và thiếu các khu vực giải trí ngoài trời có bóng râm.

Ông Benjo Basas – một giáo viên khoa học xã hội ở Manila (Philippines) cho biết học sinh không thể tập trung trong giờ học, trong khi kỳ thi cuối kỳ quan trọng sắp đến gần.

Bà Mirasol Mamaat – giáo viên trung học ở tỉnh Pangasinan (bắc Philippines) cho biết hàng chục học sinh đã bị ốm sau khi chỉ số nhiệt gần đây đạt mức cao đáng báo động hơn 51 độ C.

“Đối với một số học sinh có hoàn cảnh khó khăn, chúng tôi sẽ đến thăm nhà và cung cấp tài liệu học tập, như chúng tôi đã làm trong thời kỳ đại dịch” – cô Mamaat nói.

Hoc-sinh-duoi-nang-nong.webp
Học sinh uống nước tại một trường học ở Banda Aceh (Indonesia) đầu tháng 5. Ảnh: AFP

Các nước hành động

Các chính phủ ở Nam và Đông Nam Á đã đưa ra lời khuyên về cách tránh say nắng và kiệt sức do nắng nóng.

Trong chỉ thị gửi tới tất cả trường công lập vào cuối tháng 4, Bộ trưởng Giáo dục Campuchia Hang Chuon Naron cho biết các trường học sẽ được giảm 2 giờ học/ngày trong những ngày nhiệt độ tăng cao.

Ông Naron khuyên các học sinh “uống nhiều nước” và tránh ở ngoài nắng quá lâu mà “không có tấm che nắng hoặc biện pháp bảo vệ”. Học sinh nên mặc quần áo rộng, nhẹ và sáng màu để bảo vệ khỏi bị cháy nắng.

Hôm 6-5, Tổng thống Philippines – ông Ferdinand Marcos Jr. cho biết chính quyền của ông đang tìm cách lùi thời gian năm học sắp tới, cho rằng điều này “sẽ tốt hơn cho trẻ em”.

Phần lớn Nam và Đông Nam Á trải qua nhiệt độ nóng nhất vào tháng 4, tháng 5 và tháng 6, trước khi đón những cơn mưa gió mùa. Tuy nhiên, các chuyên gia cho biết trong bối cảnh nắng nóng lan rộng như hiện nay, việc đáp ứng nhu cầu của trẻ em ở các nước nghèo và dễ bị tổn thương quan trọng hơn bao giờ hết.

“Chúng ta luôn nói rằng trẻ em sẽ thừa hưởng thế giới, nhưng các em sẽ thừa hưởng loại thế giới nào nếu nó tan thành tro bụi?” – bà Joy Reyes, một nhà hoạt động khí hậu ở Philippines, cho biết.

Bà Glory Dolphin Hammes – giám đốc điều hành của IQ Air, một công ty nghiên cứu môi trường cho biết: “Các chính phủ có trách nhiệm cung cấp năng lượng sạch và cơ sở hạ tầng. Không nên giao việc đó cho các công ty hoặc cá nhân. Không khí sạch hơn, hạn chế biến đổi khí hậu. Đây chính là tương lai”.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm