Các nước xử lý sai phạm giao dịch chứng khoán ra sao?

Ở một số quốc gia trên thế giới, giao dịch nội gián được quy định rất chặt chẽ với mức chế tài rất nặng, cả về án tù lẫn tiền phạt.

Các hoạt động giao dịch tại sàn chứng khoán TP New York, Mỹ
hồi tháng 3-2020. Ảnh: AP

Các loại hình giao dịch nội gián

Theo trang tin Business Insider, giao dịch nội gián theo định nghĩa của Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Mỹ - SEC (và cũng gần với định nghĩa của rất nhiều nước khác) là các giao dịch chứng khoán mà người giao dịch có lợi thế là nắm được thông tin nội bộ của công ty phát hành cổ phiếu mà các nhà đầu tư khác không biết và được hưởng lợi từ giao dịch này.

Thông thường, người có hành vi giao dịch nội gián là người nắm được thông tin không công khai của công ty hoặc sở hữu hơn 10% cổ phần của công ty và thường giữ các chức vụ quan trọng như giám đốc hoặc thành viên ban quản trị trong doanh nghiệp đó.

Loại hình giao dịch nội gián thường thấy nhất là tận dụng các thông tin không công khai để thu lợi. Ví dụ, giám đốc của một công ty tiết lộ thông tin quan trọng về việc mua lại của công ty mình cho một người bạn đang sở hữu cổ phần đáng kể trong công ty. Người bạn đó đã bán tất cả cổ phần trước khi thông tin được công khai ra thị trường. Trường hợp khác là một nhân viên chính phủ có thể dựa trên hiểu biết của mình về một quy định chứng khoán mới để mua hoặc bán cổ phiếu trước khi quy định này được ban ra.

SEC thường tiến hành truy quét các giao dịch nội gián như vậy thông qua theo dõi khối lượng giao dịch của một cổ phiếu. Dấu hiệu điển hình khi xuất hiện giao dịch nội gián là lượng giao dịch cổ phiếu tăng bất thường ngay khi có tin tức quan trọng về công ty phát hành lượng cổ phiếu đó. Sau khi phát hiện dấu hiệu nghi ngờ, SEC sẽ tiến hành điều tra để xác định chính xác ai là người thực hiện giao dịch bất thường đó.

Dĩ nhiên, không phải ai làm trong một công ty cũng không được giao dịch cổ phiếu của công ty đó. SEC cho phép người trong nội bộ một công ty được mua bán cổ phiếu của doanh nghiệp mình hay bất kỳ công ty con trực thuộc nào nhưng phải đăng ký hợp lệ với SEC và công bố thông tin trước khi diễn ra giao dịch. Đây được gọi là giao dịch nội gián hợp pháp và kiểu giao dịch này vẫn diễn ra thường xuyên ở Mỹ.

Tỉ phú Elon Musk, đồng sáng lập Tập đoàn Công nghệ Tesla (Mỹ), hồi năm 2018 từng bị kiện là có hành vi thao túng cổ phiếu tập đoàn này, gây thiệt hại hơn 1 tỉ USD cho cổ đông. Hậu quả là ông Musk bị phạt 20 triệu USD và mất ghế chủ tịch Tesla, theo đài CNN

Các nước xử lý giao dịch nội gián như thế nào?

Theo quy định của SEC, nếu ai đó bị phát hiện thực hiện hành vi giao dịch nội gián bất hợp pháp có thể bị đi tù, bị phạt tiền hoặc cả hai. Một người bị kết tội là giao dịch nội gián có thể bị phạt tối đa 5 triệu USD và ngồi tù tới 20 năm.

Trong khi đó, Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Ấn Độ (SEBI) quy định giao dịch nội gián bất hợp pháp có thể bị phạt tiền tối đa 76 tỉ USD hoặc gấp ba lần số lợi nhuận thu được khi thực hiện giao dịch nội gián, tùy xem mức phạt nào đủ răn đe và hợp lý hơn.

Ở đặc khu Hong Kong, giao dịch nội gián được xem là tội hình sự và cũng có thể được cấu thành tội dân sự vì làm rối loạn thị trường, theo hãng luật Hauzen. Người bị kết tội giao dịch nội gián có thể đối mặt mức phạt tối đa 1,2 triệu USD hoặc ngồi tù tới 10 năm.

Hồi năm ngoái, Ủy ban Chứng khoán và Hợp đồng tương lai Hong Kong (SFC) cho biết một thư ký của công ty China Automation niêm yết sàn chứng khoán đặc khu là ông Chow Chiu Chi đã bị kết án 45 ngày tù giam và phải nộp phạt 5.700 USD cùng hơn 4.000 USD phí điều tra vì đã giao dịch nội gián cổ phiếu China Automation bất hợp pháp, theo trang tin FX News Group.

Tại Singapore, ngân hàng trung ương nước này (MAS) cũng xử lý rất mạnh tay hành vi giao dịch nội gián. Hãng luật Clifford Chance (Singapore) cho biết Luật Chứng khoán và các hoạt động phái sinh (SFA) ở Singapore quy định người vi phạm có thể bị phạt số tiền gấp ba lần lợi nhuận thu được từ giao dịch nội gián. Nếu người vi phạm không thu được lợi nhuận hoặc bị lỗ thì chịu mức phạt từ 37.000 USD tới tối đa 1,5 triệu USD. Ngoài đóng phạt thì người thực hiện hành vi còn phải ngồi tù tối thiểu bảy năm.

Tờ The Straits Times cho hay Phó Chủ tịch Tập đoàn Auhua Clean Energy PLC Raphel Tham Wai Mun vào năm 2019 từng bị MAS phạt 336.000 USD vì giao dịch nội gián cổ phiếu công ty thông qua “thông tin không công khai và nhạy cảm với giá cổ phiếu công ty”.

Tại Trung Quốc, tờ South China Morning Post cho biết hồi tháng 7 năm ngoái, một doanh nhân ở Thượng Hải là Wang Yaoyuan và con gái ông đã sử dụng thông tin nội bộ để giao dịch cổ phiếu của Tập đoàn Dược phẩm Joincare niêm yết tại sàn chứng khoán Thượng Hải. Ủy ban Điều tiết chứng khoán Trung Quốc (CSRC) đã phạt hai người này số tiền kỷ lục gần 424 triệu USD, đồng thời tịch thu hơn 142 triệu USD tiền lãi từ giao dịch nội gián. Đây được xem là mức xử lý lớn nhất mà CSRC từng đưa ra.•

 

Mỹ: Nhiều ý kiến muốn cấm chính trị gia và gia đình
giao dịch cổ phiếu

Theo Business Insider, hiện nay có nhiều ý kiến ở Mỹ muốn cấm các chính trị gia Mỹ và gia đình của họ giao dịch cổ phiếu vì lo ngại giao dịch nội gián. Trang này cũng tiết lộ tới nay đã có 52 nghị sĩ vi phạm Đạo luật chống giao dịch nội gián trong thời gian tại chức.

Hiện tại có một số sáng kiến nhằm ngăn chặn các chính trị gia tham gia quá nhiều vào thị trường chứng khoán. Một dự luật do hạ nghị sĩ Dân chủ Abigail Spanberger của bang Virginia vừa giới thiệu sẽ ngăn cản các thành viên Quốc hội giao dịch cổ phiếu khi họ đang đương nhiệm.

Họ sẽ được phép nắm giữ các khoản đầu tư mà họ đã có trước khi được bầu, hoặc họ có thể bị buộc phải đặt những cổ phiếu đó vào một quỹ tín thác mù (blind trust - nơi nhà đầu tư không được biết tiền của họ sẽ được sử dụng thế nào). Dự luật hiện đang được 10 nghị sĩ đảng Dân chủ khác lên tiếng ủng hộ.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm