Nhà đầu tư bức xúc vì bị sàn chứng khoán 'bịt mắt'

Chỉ vì hệ thống giao dịch nghẽn lệnh và chưa có giải pháp thay thế căn cơ nên Sở giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE) phải lấy cái sai này để sửa cái sai khác. Điều này đã dẫn đến thị trường chứng khoán rơi vào hỗn loạn, nhà đầu tư thiệt hại nặng nề.

Đau tim với sàn chứng khoán

“Chưa bao giờ chơi chứng khoán lại bất định đến như vậy. Vì nhà đầu tư không chỉ phải tính toán, dự đoán xu hướng thị trường mà còn phải căng óc đoán định xem hành động của HOSE” - anh Đức, một nhà đầu tư trên sàn HOSE, bức xúc.

Thực vậy, ngày 1-6, vào phiên sáng dòng tiền đổ vào ồ ạt, nhà đầu tư đang tận hưởng sự thăng hoa của thị trường thì bỗng nhiên đến phiên chiều HOSE ra thông báo… dừng giao dịch. Nói chính xác hơn là sàn chứng khoán lại bị đứng hình, nghẽn lệnh, tê liệt.

Sau đó, lãnh đạo HOSE lên tiếng trấn an nhà đầu tư rằng đây là quyết định chủ động chứ không phải là sự cố, đồng thời thông báo rằng tiến trình hợp tác với FPT để giải quyết việc nghẽn mạng giao dịch đang đi đúng lộ trình.

Thế nhưng đến ngày 3-6, HOSE lại bất ngờ mời các công ty chứng khoán lớn trên thị trường đến họp rồi yêu cầu áp dụng việc không cho hủy, sửa lệnh. “Đây là giải pháp tình thế, tạo sự bất tiện cho nhà đầu tư nhưng vì mục tiêu chung là an toàn cho toàn hệ thống nên vẫn phải áp dụng” - lãnh đạo HOSE giải thích.

Ngay lập tức những ngày sau đó (nhất là hai ngày 7 và 8-6), thị trường chứng khoán rơi vào tình trạng hỗn loạn với bảng giá điện tử nhảy loạn xạ về khối lượng, giá cổ phiếu và thậm chí bị đơ hàng giờ liền. Các nhà đầu tư không thể phân tích diễn biến thị trường để có chiến lược đầu tư chính xác nên đã quyết định đẩy duy nhất một lệnh thị trường. Hệ quả là chỉ số VN Index giảm điểm rất mạnh.

Trên các diễn đàn, giới đầu tư chỉ trích và phê phán lãnh đạo HOSE đã không giải quyết được các lỗi nghiêm trọng trên sàn chứng khoán từ nhiều tháng qua. “Tình trạng nghẽn mạng kinh hoàng của sàn HOSE khiến nhà đầu tư thiệt đơn, thiệt kép mà không biết kêu than với ai. Đáng lẽ HOSE phải cám ơn nhà đầu tư đã đổ tiền vào chứng khoán, tạo động lực cho thị trường thăng hoa trong bối cảnh dịch bệnh thì lại đối xử ngược lại. Họ bắt nhà đầu tư mua bán kiểu bịt mắt bắt dê trong khi vẫn thu phí không thiếu một đồng” - anh Hoàng, một nhà đầu tư, bức xúc.

Số lượng tài khoản mở mới của nhà đầu tư cá nhân trong nước trên sàn chứng khoán liên tục tăng cao.Tuy nhiên, nhà đầu tư bức xúc vì tình trạng nghẽn lệnh liên tục xảy ra. Ảnh: PM

Nhà đầu tư lãnh đủ

Điều đáng nói, mỗi lần lãnh đạo HOSE hứa thì thị trường chạy mượt mà trong vài ngày, sau đó tình trạng rối loạn giao dịch lại tiếp diễn. Trong bối cảnh đó, HOSE lại nghĩ ra cách phi thị trường, đẩy rủi ro cho nhà đầu tư để ổn định lại hệ thống.

TS Đoàn Bảo Huy, ĐH RMIT Việt Nam, đánh giá vấn đề nghẽn lệnh trên thị trường chứng khoán đã xảy ra từ cuối năm 2020 và căn bệnh này ngày càng nặng lên. Hệ quả tất yếu là nhà đầu tư không thể nhìn thấy dữ liệu thời gian thật để giao dịch, thiệt hại rất lớn.

“Để tham gia giao dịch, các nhà đầu tư bất đắc dĩ đặt lệnh thị trường (market order) để tránh tình trạng lệnh giới hạn (limit order) khác xa với giá thị trường tại thời điểm giao dịch và lỡ mất cơ hội, đặc biệt là với các nhà đầu tư cá nhân hiện nay. Một số trường hợp nhà đầu tư không thể sửa đổi lệnh trong ngày như vài ngày vừa qua. Nếu các nhà đầu tư đón nhận tin xấu như rủi ro lạm phát hay tin xấu của một vài công ty, rất khó để họ bảo vệ thành quả của mình với tình trạng nghẽn lệnh như hiện nay” - ông Huy nhận định.

Chuyên gia tài chính Trần Đình Phương cũng nhận xét rằng việc không cho phép hủy hay sửa lệnh là phi thị trường và gây thiệt hại rất lớn cho nhà đầu tư. Bởi không đơn thuần chỉ là cổ phiếu tăng hay giảm giá mà quan trọng là nhà đầu tư không theo sát được diễn biến thị trường để ra quyết định. “Vì nhà đầu tư hiện nay còn bị cuộc đua cạnh tranh với thuật toán, robot đến từ các công ty chứng khoán tự doanh” - ông Phương phân tích.

Vị chuyên gia này còn nhận định những người sử dụng margin (một dạng đòn bẩy tài chính) để chơi chứng khoán trong tình trạng bị “bịt mắt” thì khi thị trường giảm điểm mạnh, họ không kịp thoát hàng. Hệ quả là tài khoản của họ bị “cháy”, mất tiền, thiệt hại vô cùng lớn.

Cần sòng phẳng

Thực tế cho thấy thời gian qua HOSE đã rất mạnh tay với các công ty chứng khoán không thực thi đúng quy định, trừng phạt nặng các giao dịch nội gián... Nhưng với lỗi thuộc về chính mình, HOSE chỉ đơn giản lên tiếng bào chữa, đổ lỗi chứ không xin lỗi nhà đầu tư.

“HOSE dường như xem hành động của mình là vô can, trong khi không thấy rằng tình trạng nghẽn lệnh không được giải quyết từ lâu là nhân tố khiến nhà đầu tư nước ngoài liên tục bán ròng. Chưa kể làm mất đi các cơ hội cho nhiều doanh nghiệp lên sàn huy động vốn để củng cố nội lực sau thời gian cầm cự trước dịch bệnh. Ngoài ra còn ảnh hưởng mạnh đến quá trình nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam, bỏ lỡ cơ hội đón dòng vốn lớn từ nhà đầu tư nước ngoài” - một chuyên gia bình luận.

Ông Lê Hải Trà, Tổng giám đốc HOSE, mới đây một lần nữa lên tiếng cam kết sẽ đưa vào vận hành hệ thống do FPT xây dựng vào cuối tháng 6 hoặc đầu tháng 7 tới đây và khi đó HOSE sẽ hết nghẽn lệnh. Đồng thời thông báo cho các công ty chứng khoán thành viên về lộ trình kết nối thử nghiệm hệ thống do Sở giao dịch chứng khoán Hàn Quốc (KRX) thiết kế.

“HOSE sẽ sớm gửi thông số kỹ thuật để các công ty chứng khoán theo dõi. Việc kết nối bắt đầu từ giữa tháng 6 đến cuối tháng 7 và tiến hành thử nghiệm đến đầu tháng 8” - ông Trà cho hay.

Nhà đầu tư mong lời hứa của HOSE lần này sẽ thành hiện thực. “Việc ngưng sửa, hủy lệnh giao dịch… chỉ là giải pháp chữa cháy. Chúng tôi mong HOSE sớm có giải pháp căn cơ nâng cấp hệ thống thay vì những giải pháp mang tính tình thế. Bởi nếu không giải quyết triệt để vấn đề hệ thống sẽ gây mất niềm tin với nhà đầu tư” - anh Hoàng, một nhà đầu tư nhấn mạnh.

Nhà đầu tư mới tăng kỷ lục

Trong năm tháng đầu năm nay, số lượng tài khoản mở mới của nhà đầu tư cá nhân trong nước đã lên tới hơn 479.857 tài khoản. Con số này đã phá vỡ mức kỷ lục 393.000 tài khoản của năm 2020.

Tính chung từ đầu năm đến nay, giá trị giao dịch bình quân trên thị trường chứng khoán đạt 21.214 tỉ đồng/phiên, tăng gần 186% so với bình quân năm trước. Nhờ đà tăng trưởng mạnh này, thị trường chứng khoán Việt tiếp tục nằm trong tốp thị trường có mức tăng trưởng tốt nhất khu vực và thế giới trong những tháng đầu năm. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm