'Các tỉnh đầu tư rất tốt cho BV tâm thần, riêng TP.HCM vẫn thiệt thòi'

(PLO)- PGS.TS Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM cho biết hiện nay còn rất nhiều bệnh viện và bệnh nhân thiệt thòi, cần được quan tâm và có phương hướng giải quyết kịp thời.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 24-4, HĐND TP.HCM tổ chức giám sát việc thực hiện công tác đầu tư công giai đoạn 2021-2025 đối với Sở Y tế, Sở GD&ĐT, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội.

Chủ trì buổi giám sát có Phó chủ tịch HĐND TP.HCM Nguyễn Văn Dũng, ông Lê Trương Hải Hiếu, Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách HĐND TP.HCM làm Phó Trưởng ban giám sát.

Toàn cảnh buổi làm việc. Ảnh: VT

Toàn cảnh buổi làm việc. Ảnh: VT

Xem xét chuyển chủ đầu tư các dự án chậm tiến độ

Báo cáo tại buổi giám sát, đại diện Sở Y tế TP.HCM cho biết kết quả giải ngân các dự án đầu tư công lĩnh vực y tế từ năm 2021 đến nay đạt kết quả tương đối cao. Các dự án này do một số bệnh viện (BV) và Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp (gọi tắt là BQL) làm chủ đầu tư.

Tuy nhiên, các chủ đầu tư trong khi tổ chức lựa chọn nhà thầu còn gặp nhiều khó khăn. Cụ thể, thời gian bị kéo dài vì phải làm rõ hồ sơ, nhiều gói thầu thiết bị y tế có giá trị lớn, hàng hóa phức tạp, một số gói thầu không có nhà thầu tham dự hoặc không đạt yêu cầu dẫn đến hủy thầu...

Trong giai đoạn 2021-2025, Sở Y tế TP được TP.HCM giao là 45 dự án, trong đó 17 dự án được chuyển tiếp từ giai đoạn 2016-2020 và đang trong quá trình thi công.

"Trong 17 dự án thì có 3 dự án chậm tiến độ là dự án cải tạo, nâng cấp BV Răng hàm mặt; dự án xây dựng mới khối nhà A BV Trưng Vương và dự án xây dựng, thay thế khối điều trị nội trú BV Nhân dân Gia Định. Các BV đề nghị chuyển nhiệm vụ chủ đầu tư cho BQL với lý do BV không đảm bảo chuyên môn, năng lực quản lý.

Theo đó, Sở Y tế đề nghị BQL xem xét, tiếp nhận nhiệm vụ chủ đầu tư các dự án trên để sớm hoàn thiện, đưa các công trình vào sử dụng, phục vụ khám chữa bệnh cho người dân.

Ngoài ra, Sở Y tế đề xuất cần đầu tư đồng bộ trang thiết bị cho ba dự án BV cửa ngõ TP đang trong giai đoạn hoàn thiện là BV Đa khoa Khu vực Củ Chi, BV Đa khoa Khu vực Hóc Môn, BV Đa khoa Khu vực Thủ Đức, mỗi dự án 1,5 tỷ đồng.

Sở Y tế cũng kiến nghị UBND huyện Bình Chánh, Sở TN&MT xem xét mở rộng BV Tâm thần cơ sở Lê Minh Xuân từ 2,6 ha lên 18 ha, đồng thời UBND quận 1 cần sớm có phương án giải tỏa một phần mặt bằng vị trí dự án xây dựng Trung tâm điều trị kỹ thuật cao của BV Nhi Đồng 2.

Nhiều bệnh viện còn rất thiệt thòi

Theo PGS.TS Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM,hiện nay còn rất nhiều BV và bệnh nhân thiệt thòi, cần được quan tâm và có phương hướng giải quyết kịp thời, đặc biệt là BV Tâm thần TP.

“Các tỉnh hiện nay chú trọng đầu tư BV tâm thần rất tốt, riêng BV Tâm thần TP vẫn còn rất thiệt thòi, nhiều năm vẫn chưa có giải pháp quyết liệt để tháo gỡ mặc dù người bệnh tâm thần ngày càng nhiều”-PGS.TS Tăng Chí Thượng

PGS.TS Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM nêu ý kiến tại buổi làm việc. Ảnh: VT

PGS.TS Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM nêu ý kiến tại buổi làm việc. Ảnh: VT

Bên cạnh đó, BV Chấn thương chỉnh hình cũng đang trong tình trạng chật chội, bệnh nhân phải chờ đợi lâu, ngoài ra còn có tình trạng cò lộng hành. Hiện BV đang đề nghị để được cải tạo, nâng cấp tại chỗ.

Trong đợt COVID-19 vừa qua, BV Trưng Vương là đơn vị tiên phong chuyển đổi công năng thành nơi tiếp nhận, điều trị cho bệnh nhân COVID-19. Tuy nhiên, hiện nay BV đang gặp khó về chủ đầu tư xây dựng, số lượng người dân đến khám, chữa bệnh cũng giảm so với trước đây.

“Khu điều trị phong Bến Sắn thậm chí còn không được gọi là BV trong khi đây là nơi có nhiều người bệnh khó khăn đến điều trị, đặc biệt là bệnh nhân giai đoạn cuối. Cơ sở vật chất cũng xuống cấp cộng với tỉnh Bình Dương đang muốn lấy lại đất khiến nơi đây càng thêm khó khăn” – ông Thượng nói, đồng thời cho biết tthời gian tới Sở sẽ trình kế hoạch đổi tên khu điều trị thành BV.

Tại buổi giám sát, Phó Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Văn Dũng cho biết trong năm 2021-2021, ngành y tế TP có tỉ lệ giải ngân tương đối cao (khoảng 85%), nhưng vẫn chưa đạt kế hoạch là 95%.

Ông Dũng thông tin thêm, việc bố trí vốn để đầu tư trang thiết bị y tế cho 3 BV cửa ngõ TP đã được UBND TP.HCM kiến nghị các bên liên quan với tổng kinh phí là 4,5 tỷ đồng.

Còn Khu điều trị phong Bến Sắn, trước việc tỉnh Bình Dương thu hồi đất và để lại cho khu điều trị 20 ha, ông Dũng đề nghị các đơn vị phối hợp, trao đổi lại với tỉnh Bình Dương, xem xét nâng cấp khu điều trị thành BV để điều trị cho đối tượng đặc thù.

Với những kiến nghị về chuyển chủ đầu tư của Sở Y tế, ông Dũng đề nghị Sở Y tế phối hợp với các bên liên quan rà soát kỹ lưỡng, điều chỉnh chủ trương cho phù hợp để đẩy nhanh tiến độ dự án.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm