Thay van động mạch phổi qua da sau phẫu thuật tim tứ chứng Fallot

(PLO)- Thay van động mạch phổi qua da là kỹ thuật mới, ít xâm lấn, cải thiện quá trình giãn buồng tim phải, hạn chế nguy cơ rối loạn nhịp và đột tử.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nam miền Nam

Sáng 25-5, Bệnh viện (BV) Đại học Y Dược TP.HCM họp báo công bố trường hợp thay van động mạch phổi qua da cho bệnh nhi TNNT (14 tuổi, ở Bình Dương) sau khi đã được phẫu thuật tim bẩm sinh tứ chứng Fallot.

Năm 2 tuổi, bệnh nhi T được phẫu thuật sửa chữa triệt để tứ chứng Fallot tại BV Đại học Y Dược TP.HCM. Sau phẫu thuật bệnh nhi hồi phục sức khỏe, phát triển bình thường.

Bác sĩ BV Đại học Y Dược TP.HCM đang phẫu thuật ca bệnh tim bẩm sinh. Ảnh: BVCC

Bác sĩ BV Đại học Y Dược TP.HCM đang phẫu thuật ca bệnh tim bẩm sinh. Ảnh: BVCC

Tuy nhiên, gần đây bệnh nhân thường khó thở khi gắng sức và hạn chế hoạt động thể lực. Kết quả siêu âm và chụp MRI cho thấy tình trạng hở nặng van động mạch phổi khiến máu trào ngược từ động mạch phổi về tâm thất phải. Đây là diễn tiến tự nhiên thường gặp sau phẫu thuật điều trị tứ chứng Fallot. Bệnh nhân sau đó được chỉ định can thiệp thay van động mạch phổi qua da.

Sau gần 2 giờ can thiệp, sức khỏe bệnh nhân ổn định, có thể đi lại bình thường. Hiện bệnh nhi đã hồi phục sức khỏe, hết khó thở, hết mệt mỏi khi gắng sức và có thể học tập, sinh hoạt bình thường.

GS-TS-BS Trương Quang Bình, chuyên gia BV Đại học Y Dược TP.HCM, cho biết tứ chứng Fallot là bệnh lý tim bẩm sinh đặc trưng bởi 4 tổn thương về mặt cấu trúc trong tim. Bệnh lý này chiếm khoảng 5-10% tổng số bệnh tim bẩm sinh nói chung.

“Điều quan trọng khi mắc tứ chứng Fallot, bệnh nhi cần được phẫu thuật kịp thời để tránh các biến chứng tim mạch hoặc tử vong do cơn tim thiếu ôxy cung cấp” – ông Bình cho biết thêm.

Tuy nhiên, theo ông Bình, ngay khi đã được phẫu thuật sửa chữa tứ chứng Fallot, bệnh nhi vẫn có thể đối mặt với những diễn tiến sau phẫu thuật như hở van động mạch phổi, suy chức năng thất phải, rối loạn nhịp tim, hẹp van động mạch phồi tồn lưu hoặc lỗ thông liên thất còn tồn lưu.

“Các biến chứng này hoàn toàn có thể được kiểm soát nếu bệnh nhi được theo dõi đều đặn và can thiệp kịp thời. Việc theo dõi lâu dài và tái khám đều đặn sẽ giúp bệnh nhi được phát hiện sớm các biến chứng dài hạn sau phẫu thuật và được can thiệp kịp thời nếu có chỉ định” – ông Bình nói.

Cũng theo ông Bình, hở van động mạch phổi nặng sau phẫu thuật tứ chứng Fallot gây giãn buồng tim phải. Điều này dẫn đến hở van 3 lá, suy tim phải, rối loạn nhịp tim, tăng nguy cơ đột tử. Do vậy, bệnh nhi cần được điều trị hở van động mạch phổi bằng phương pháp thay van động mạch phổi qua da để cải thiện quá trình suy tim phải, hạn chế nguy cơ rối loạn nhịp và đột tử.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm