Năm 2024, kỳ thi đánh giá năng lực (ĐGNL) của ĐH Quốc gia TP.HCM có sức hút lớn nhất cả nước và cả của lịch sử kỳ thi này, khi chỉ mới ở đợt 1 (thi ngày 7-4) đã có hơn 93.000 thí sinh (TS) dự thi. Hơn 100 trường ĐH-CĐ sử dụng kết quả thi đánh giá năng lực này để xét tuyển, trong đó 97 trường ĐH.
Mặc dù vậy, để tăng cơ hội trúng tuyển, TS cần để ý kỹ điều kiện xét tuyển của từng trường, từng ngành.
ĐH Quốc gia TP.HCM xét tuyển tối đa 45% tổng chỉ tiêu
Về chỉ tiêu, theo Tiến sĩ Nguyễn Quốc Chính, Giám đốc Trung tâm khảo thí và đánh giá chất lượng đào tạo (ĐH Quốc gia TP.HCM), cho biết ĐH này dự kiến dành khoảng 45% tổng chỉ tiêu cho xét tuyển bằng điểm thi đánh giá năng lực.
Cụ thể như Trường ĐH Kinh tế Luật dành dành 40-60% trong 2.740 tổng chỉ tiêu; Trường ĐH KHXH&NV dành 35-50% chỉ tiêu; Trường ĐH Khoa học tự nhiên dự kiến 45-50% tổng chỉ tiêu.
Tương tự, Trường ĐH Công nghệ thông tin năm nay tuyển sinh theo bốn phương thức. Tuy nhiên, mức điểm sàn dành cho TS xét tuyển bằng điểm thi đánh giá năng lực phải từ 600 điểm trở lên.
Đặc biệt, đây là năm thứ ba Trường ĐH Bách khoa xét 60-90% trong hơn 5.100 chỉ tiêu cho phương thức kết hợp, dựa trên ba thành tố: Tiêu chí học lực (90%), thành tích cá nhân (5%) và hoạt động xã hội văn thể mỹ (5%).
Riêng trong tiêu chí học lực sẽ có điểm của ba thành phần: Điểm học tập 6 học kỳ bậc THPT theo tổ hợp đăng ký xét tuyển, điểm thi tốt nghiệp THPT và điểm thi ĐGNL của ĐH Quốc gia Hà Nội hoặc ĐH Quốc gia TP.HCM năm 2024.
Tuy nhiên, trường lưu ý, trong số điểm ĐGNL chiếm cao nhất với 75% và nhận hồ sơ xét tuyển từ 600 điểm trở lên (thang điểm 1.200) với bài thi ĐGNL của ĐH Quốc gia TP.HCM.
Có trường, ngành nhận hồ sơ từ 850 điểm
Với những trường ngoài hệ thống ĐH Quốc gia TP.HCM, nhiều trường cũng đưa ra những thông tin cụ thể về sử dụng điểm thi này, thậm chí có những ngành, trường lấy điểm sàn rất cao.
Như Trường ĐH Ngoại thương năm nay dự kiến tuyển hơn 4.000 chỉ tiêu. Trong đó, 950 chỉ tiêu cho cơ sở tại TP.HCM.
Trường xét tuyển theo sáu phương thức. Riêng với phương thức sử dụng điểm thi ĐGNL của ĐH Quốc gia TP.HCM, trường nhận hồ sơ từ 850 điểm.
Hay theo kế hoạch tuyển sinh của Trường ĐH Tây nguyên cho 35 ngành học. Trường dự kiến tuyển 2.500 chỉ tiêu theo 4 phương thức. Riêng với xét điểm thi ĐGNL, trường chỉ nhận hồ sơ xét tuyển với TS đạt điểm thi từ mức 850 trở lên cho ngành y khoa; từ 700 điểm cho ngành điều dưỡng, kỹ thuật xét nghiệm y học và các ngành đào tạo giáo viên (trừ ngành giáo dục thể chất). Các ngành khác từ mức 600 trở lên…
Học viện Hàng không năm nay dự kiến tuyển 2.530 chỉ tiêu cho 12 ngành học, theo năm phương thức xét tuyển sớm và phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT. Trong đó, trường nhận hồ sơ xét điểm ĐGNL của ĐH Quốc gia TP.HCM từ 600 điểm.
Một số trường khác năm nay cũng dự kiến chỉ tiêu cho điểm thi này khá cao như Trường ĐH Kiến trúc TP.HCM dành 25% tổng chỉ tiêu cho xét điểm thi ĐGNL của ĐH Quốc gia TP.HCM. Trường ĐH Sài Gòn dành 15%. Trường ĐH Nông lâm TP.HCM dành 10-15% trong 5.100 chỉ tiêu; ĐH Kinh tế TP.HCM dành 10% trong hơn 8.500 chỉ tiêu…
Theo kế hoạch của ĐH Quốc gia TP.HCM, kết quả kỳ thi ĐGNL của đợt 1 sẽ được công bố vào ngày 15-4.
TS sẽ đăng ký thi đợt 2 từ ngày 16-4 đến ngày 7-5. Đây cũng là khung thời gian duy nhất để tất cả TS dự thi đợt 1 và 2 đăng ký nguyện vọng xét tuyển trên hệ thống chung của ĐH Quốc gia TP.HCM.
Kỳ thi đợt 2 sẽ tổ chức vào ngày 2-6 tại 12 tỉnh/thành phố, gồm: Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Bình Định, Khánh Hòa, Đắk Lắk, Lâm Đồng, Thành phố Hồ Chí Minh, Bà Rịa- Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Dương, Tiền Giang, An Giang.
Bài thi gồm 120 câu hỏi trắc nghiệm khách quan, làm bài trong 150 phút. Cấu trúc của bài thi gồm 3 phần: Sử dụng ngôn ngữ; Toán học, tư duy logic và phân tích số liệu; và Giải quyết vấn đề.
ĐH Quốc gia TP.HCM lưu ý thí sinh có thể tham gia dự thi đợt 1, đợt 2, hay cả 2 đợt để tăng cơ hội trúng tuyển.