Ngày 12-4, tại số 62 Tràng Tiền, Hà Nội, Tổng cục Quản lý thị trường, Bộ Công Thương mở Phòng trưng bày với chủ đề “Nhận diện đúng Sâm Ngọc Linh trên thị trường”. Hoạt động này kéo dài đến 18-4.
Từ lâu sâm Ngọc Linh được coi là vị thuốc quý đứng đầu trong các loại thuốc quý đông y, là cây dược liệu mang lại hiệu quả kinh tế cao, thu hút nhiều cá nhân, doanh nghiệp đầu tư.
Tuy vậy, không phải ai cũng biết được chính xác loại cây này được trồng ở các địa phương nào, nguồn gốc xuất xứ ra sao, đâu mới là sản phẩm chất lượng?
Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường Trần Hữu Linh hướng dẫn cách nhận diện sâm Ngọc Linh và các loại sâm khác. |
Ông Võ Trung Mạnh, Chủ tịch UBND huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum cho biết, thời gian qua, nhờ nhận ra giá trị to lớn và nguồn lợi mang lại trực tiếp từ cây sâm Ngọc Linh mà bà con trên các triền núi cao đã không còn khai thác rừng bừa bãi. Diện tích sâm không ngừng được mở rộng và tăng lên. Chính phủ công nhận sâm Ngọc Linh là sản phẩm quốc gia. Rất nhiều doanh nghiệp tại Kon Tum đã đầu tư mạnh vào ngành sâm, tạo ra một bức tranh sôi động về lĩnh vực dược liệu.
Tuy vậy, thị trường sâm cũng đối diện với không ít áp lực từ nạn sâm giả xuất xứ, tình trạng trà trộn các giống sâm ngoại lai từ nơi khác vào gắn mác thương hiệu sâm Ngọc Linh.
Cách nhận diện sâm Ngọc Linh và một số loại sâm khác. |
Với thực trạng như trên, ông Trần Hữu Linh, Tổng cục trưởng Tổng cục QLTT cho biết, qua hoạt động của Phòng trưng bày, Tổng cục Quản lý thị trường muốn giúp người tiêu dùng trang bị những kiến thức trong việc nhận diện đúng sản phẩm sâm Ngọc Linh trồng tại Kon Tum và sâm trồng tại một số địa phương khác. Qua đó giúp nâng cao nhận thức của người tiêu dùng trong việc chọn mua sâm Ngọc Linh và các sản phẩm từ sâm Ngọc Linh có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng.
Những hoạt động chuyên môn như vậy cũng thúc đẩy trách nhiệm lực lượng QLTT ở tất cả các địa phương tăng cường triển các biện pháp nghiệp vụ kịp thời phát hiện các địa điểm kinh doanh có các biểu hiện gian lận thương mại, vận chuyển, buôn bán các sản phẩm sâm Ngọc Linh kém chất lượng, hàng nhái, hàng giả, không có logo, tem chỉ dẫn địa lý “Ngọc Linh” để xử lý theo quy định, góp phần bảo vệ thương hiệu sâm Ngọc Linh.
Hướng dẫn người dân cách nhận diện sâm Ngọc Linh. |
Đồng thời, thường xuyên theo dõi, nắm tình hình trên các trang mạng xã hội để kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các đối tượng, đường dây kinh doanh sản phẩm không đảm bảo chất lượng, không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không có tem chỉ dẫn địa lý “Ngọc Linh”, không có giấy chứng nhận về an toàn thực phẩm, hàng nhái, hàng giả.
Theo số liệu của tỉnh Kon Tum, riêng trên địa bàn huyện Tu Mơ Rông hiện nay có hơn 1.710 ha sâm Ngọc Linh. Trong đó, có gần 1700 ha là của các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ gia đình và gần 70 ha là của người dân. Tổng diện tích rừng tự nhiên có trồng sâm Ngọc Linh trên toàn tỉnh là hơn 1.200 hecta với tổng số hơn 24,8 triệu cây, tổng sản lượng ước khoảng 213,6 tấn sâm.
Đầu tháng 3-2021, Đội QLTT số 2 - Cục QLTT Kon Tum đã phối hợp với Công an huyện Đăk Tô mật phục, vây bắt vụ vận chuyển các loại củ giống với sâm Ngọc Linh Kon Tum được ngụy trang trong các thùng hoa phong lan.
Kiểm tra thực tế, lực lượng chức năng phát hiện ba thùng xốp, trong đó có 2 kg củ và 12 kg lá rất giống sâm Ngọc Linh Kon Tum. Trong số hàng trên, có 2 củ lớn (kèm lá) nặng gần 3 lạng/củ, còn lại là các củ nhỏ.
Khai nhận với lực lượng chức năng, chủ xe cho biết, số hàng hóa trên đều là củ tam thất, vận chuyển từ các tỉnh phía Bắc đưa vào huyện Đăk Tô.
Trước đó, Đội QLTT số 2 cũng phát hiện bảy thùng với 112 chai rượu “lá sâm Ngọc Linh”, tại thị trấn Đắk Tô, huyện Đắk Tô. Tất cả số rượu trên được sản xuất tại Quảng Nam, không có hóa đơn chứng từ hợp lệ và vi phạm bản quyền sở hữu trí tuệ đối với rượu sâm Ngọc Linh Kon Tum K5.