Quốc bảo sâm Ngọc Linh, từ non cao vươn ra thế giới - Bài cuối:

Viễn cảnh thu về hàng tỉ USD từ sâm Ngọc Linh

(PLO)- Tỉnh Kon Tum định hướng lâu dài sẽ mở rộng vùng sâm Ngọc Linh, tăng cường chế biến sâu và đưa sản phẩm xuất ngoại thu về hàng tỉ đô.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Năm 1980, trước nguy cơ tuyệt chủng của sâm Ngọc Linh, Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) đã khoanh vùng, thành lập “vùng cấm quốc gia” tại hai tỉnh Kon Tum và Quảng Nam, đưa loại dược liệu này vào danh sách cấm khai thác, mua bán.

Đến năm 1997, lần đầu tiên tỉnh Kon Tum tổ chức hội thảo khoa học và liên tiếp thực hiện nhiều đề tài, dự án khoa học để bảo tồn, chăm sóc và chế biến. Từng bước xây dựng hướng đi, đưa loại dược liệu quý vào sản xuất hàng hóa quy mô lớn.

Biến quốc bảo thành quốc kế dân sinh

Tại các hội thảo lớn về sâm Ngọc Linh, nguyên Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhiều lần nhấn mạnh: Sâm Ngọc Linh là quốc bảo và yêu cầu các địa phương, các ngành phải tập trung, nỗ lực “biến quốc bảo thành quốc kế dân sinh”. Giúp người dân không chỉ thoát nghèo mà còn phải hướng đến phát triển bền vững.

Nhiều năm qua tỉnh Kon Tum không ngừng triển khai và định hướng sâm Ngọc Linh thành ngành kinh tế mũi nhọn. Từng bước hỗ trợ người dân trong vùng chỉ dẫn địa lý hai huyện Tu Mơ Rông và Đăk Glei tiếp cận nguồn giống, kỹ thuật trồng sâm. Đến nay tại các xã Măng Ri, Tê Xăng, Ngọk Lây… dần xuất hiện hơn 70 tỉ phú sâm, có thu nhập từ 500 triệu đến vài tỉ đồng/năm.

Cây sâm Ngọc Linh ngủ đông, rụng lá vào mùa lạnh.
Cây sâm Ngọc Linh ngủ đông, rụng lá vào mùa lạnh.

Theo Sở NN&PTNT tỉnh Kon Tum: “1 ha sâm Ngọc Linh sau 10 năm có thể thu lợi nhuận trên 5 tỉ đồng. Đây là tiềm năng, cơ hội để người dân vùng sâm thoát nghèo, vươn lên làm giàu bền vững”.

Đến nay tỉnh Kon Tum đã thống kê có hơn 1.200 hộ gia đình, 30 nhóm hộ, tổ liên kết sản xuất và nhiều doanh nghiệp tham gia ngành sản xuất, chế biến sâm Ngọc Linh.

Ông Võ Trung Mạnh, Chủ tịch UBND huyện Tu Mơ Rông, cho rằng sâm Ngọc Linh đã góp phần rất lớn thay đổi nhận thức, tư duy phát triển kinh tế của người dân. Trong ba năm qua trên địa bàn có gần 2.000 hộ thoát nghèo, trong đó phần lớn nhờ vào trồng, mua bán dược liệu sâm Ngọc Linh.

Đồng hành với chính quyền địa phương, hàng chục năm qua Công ty CP Sâm Ngọc Linh Kon Tum trở thành địa chỉ tin cậy, hằng năm chi ra nhiều tỉ đồng hỗ trợ giống cho người dân. Mỗi cây giống trị giá khoảng 300.000 đồng.

Anh A Dũng (người Xơ Đăng, làng Đắk Viên, xã Tê Xăng, huyện Tu Mơ Rông) kể: “Trước đây chưa trồng sâm Ngọc Linh, bà con phá rừng làm rẫy, nay không còn nữa. Bây giờ cuộc sống người dân đã khá hơn, những hộ làm thuê cho công ty cũng có lương ổn định, vừa được hỗ trợ 100 cây sâm giống/năm để trồng”.

Tiềm năng xuất ngoại, thu về tỉ USD

Từ nhiều năm nay tỉnh Kon Tum đã từng bước xây dựng nền tảng vững chắc về nguồn giống, quy trình chuẩn về sản xuất cũng như chế biến sâu, tăng cường xúc tiến thương mại, thu hút đầu tư.

Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Đăk Tô đã từng bước cho ra nhiều sản phẩm thô và qua sơ chế từ sâm Ngọc Linh ra thị trường.

Công ty CP Sâm Ngọc Linh Kon Tum cũng đã có bước đột phá trong khâu xây dựng vùng nguyên liệu và từng bước đi vào chế biến sâu, cho ra nhiều sản phẩm chất lượng. Trong đó, đơn vị đã có 15-16 dòng sản phẩm qua chế biến từ củ, thân, lá sâm Ngọc Linh và mở hơn 30 hệ thống đại lý phân phối trên toàn quốc, dần hướng tới đáp ứng đầy đủ nhu cầu của người tiêu dùng và xuất khẩu.

Công ty đang liên kết, nhận hơn 400 người dân làm việc, trả lương 3-5 triệu đồng/tháng. Đồng thời cam kết trong năm năm đầu sẽ hỗ trợ mỗi người 100 cây giống/năm, hướng dẫn kỹ thuật. Đến nay đã có nhiều nhóm hộ liên kết có thu tiền tỉ. Ban đầu nhiều hộ còn nghi ngờ, nay thấy công việc hiệu quả, người dân rất nhiệt tình làm việc.

Các sản phẩm chế biến từ sâm Ngọc Linh được giới thiệu trong các lễ hội sâm ở Kon Tum. Ảnh: LÊ KIẾN
Các sản phẩm chế biến từ sâm Ngọc Linh được giới thiệu trong các lễ hội sâm ở Kon Tum. Ảnh: LÊ KIẾN

Ông Trần Hoàn, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Sâm Ngọc Linh Kon Tum, bày tỏ: “Mục tiêu của công ty là đưa sản phẩm vươn ra thế giới, để thế giới biết được nước ta cũng có loại sâm tốt nhất thế giới”.

Định hướng cho cây “thần dược” tỉ đô này, ông Lê Ngọc Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum, khẳng định: “Mục tiêu là phát triển gắn với đẩy mạnh quảng bá và khẳng định thương hiệu sản phẩm Sâm Ngọc Linh Kon Tum tại thị trường trong nước và quốc tế. Sớm đưa Sâm Ngọc Linh Kon Tum trở thành sản phẩm hàng hóa chủ lực quốc gia, có vị thế hàng đầu trong nước và hướng tới khẳng định vị thế trên thị trường thế giới”.

Phát triển thành thương hiệu quốc gia

Năm 2017, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định 787/QĐ-TTg phê duyệt bổ sung sâm Ngọc Linh là sản phẩm quốc gia. Nhờ vậy, công cuộc bảo tồn, phát triển sâm Ngọc Linh có thêm những chuyển biến tích cực, có sự liên kết chặt chẽ giữa năm nhà: Nhà nước, nhà khoa học, nhà đầu tư, ngân hàng và nhà nông. Mục tiêu trong tương lai sẽ phát triển thành thương hiệu quốc gia.

Mới đây, Tổng cục Lâm nghiệp cũng đã có dự thảo Chương trình phát triển sâm Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045, đề ra mục tiêu xây dựng và phát triển sâm Việt Nam thành ngành hàng có giá trị kinh tế cao, mang thương hiệu sản phẩm quốc gia. Dự kiến cần hơn 70.000 tỉ đồng để phát triển chương trình, chủ yếu từ nguồn xã hội hóa.

Trong đó, diện tích sâm Ngọc Linh tại Quảng Nam và Kon Tum khoảng 25.900 ha, cung cấp được tối thiểu 80% giống đạt chuẩn và ít nhất 50% cây giống được nhân từ cấy mô nhằm tạo ra đột phá mới về năng suất, chất lượng.

Để biến quốc bảo thành quốc kế dân sinh, trong thời gian qua tỉnh đã chỉ đạo triển khai đồng bộ nhiều giải pháp như: Xây dựng vùng trồng; ban hành các chính sách hỗ trợ người dân từ giống, vật tư, phân bón, kỹ thuật và tiếp cận các nguồn tín dụng; thu hút các nhà đầu tư… đã đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Ông LÊ NGỌC TUẤN,Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm