Cách sang tên đất khi người mất không lập di chúc

Theo thỏa thuận giữa các thành viên trong gia đình, em gái tôi sẽ lấy phần đất và tôi sẽ giữ căn nhà là di sản do cha tôi để lại. Cha tôi đứng tên trên các giấy tờ nhà, đất. Xin hỏi cha tôi không để lại di chúc phân chia tài sản thì anh em tôi sẽ thực hiện thủ tục thừa hưởng và sang tên các tài sản trên như thế nào?

Bạn đọc Nguyễn Văn Tú (TP.HCM)

Luật sư Phạm Minh Tâm, Đoàn Luật sư TP.HCM, trả lời: Khi người mất không để lại di chúc thì phần di sản sẽ được phân chia theo pháp luật.

Theo các thông tin anh Tú cung cấp thì anh và em gái là những người thừa kế hàng thứ nhất của cha anh.

Để được thừa hưởng và thực hiện thủ tục sang tên phần di sản thì anh Tú và em gái anh phải thực hiện thủ tục khai nhận và phân chia di sản thừa kế. Thủ tục này được thực hiện tại phòng hoặc văn phòng công chứng.

Theo Điều 57 Luật Công chứng 2014, khi công chứng văn bản khai nhận và phân chia tài sản là bất động sản, người đề nghị công chứng phải xuất trình các giấy tờ sau:

- Giấy tờ chứng minh quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản của người để lại di sản đó (giấy chứng nhận quyền sử dụng đất…).

- Giấy tờ chứng minh quan hệ giữa người để lại di sản và người được hưởng di sản (sổ hộ khẩu, giấy khai sinh…).

- Giấy chứng tử của người để lại di sản.

Trường hợp hồ sơ đầy đủ và hợp pháp, cơ quan công chứng tiến hành niêm yết công khai tại trụ sở UBND cấp xã, nơi thường trú hoặc tạm trú trước đây của người để lại di sản.

Sau thời gian 15 ngày niêm yết công khai, nếu không có khiếu nại, tố cáo thì cơ quan công chứng chứng nhận văn bản thỏa thuận phân chia di sản thừa kế.

Khi đó, anh Tú và em gái có thể mang văn bản thỏa thuận trên cùng giấy tờ chứng minh quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản của cha anh đến nộp tại văn phòng đăng ký đất đai để thực hiện thủ tục đăng ký biến động đất đai (thủ tục sang tên).

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới