Cái giá của TQ nếu bất chấp Tòa quốc tế

Về vấn đề kiện Trung Quốc ra các cơ quan giải quyết tranh chấp quốc tế, gần đây đã có rất nhiều luồng ý kiến ủng hộ mạnh mẽ. Nhiều học giả, chuyên gia trong và ngoài nước đã khẳng định, với những bằng chứng lịch sử không thể chối cãi, Việt Nam nhất định sẽ giành phần thắng nếu khởi kiện TQ.

Tuy nhiên, một tình huống cũng đã được đặt ra là dù Việt Nam thắng kiện nhưng TQ không thực thi nghiêm túc phán quyết của toà án hoặc trọng tài quốc tế. Một khi TQ đã ngang nhiên bất chấp dư luận và luật pháp quốc tế để xâm phạm chủ quyền biển đảo của các nước khác, chẳng có gì khó hiểu nếu nước này không tôn trọng các phán quyết đó.

Mối lo ngại này không phải không có cơ sở. Hiểu một cách đơn giản, việc thực thi một phán quyết ở phạm vi quốc tế khó khăn hơn nhiều so với ở phạm vi quốc gia. Trong giải quyết tranh chấp giữa các quốc gia, tòa án hay trọng tài quốc tế chỉ có thể ra phán quyết, chứ không được trang bị một đội ngũ thi hành án để hỗ trợ thực thi các phán quyết này.

Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy vẫn có những nền tảng giúp cho luật pháp quốc tế có thể vận hành. Điều này được Andrew T. Guzman, giáo sư luật của Đại học California, Berkeley lý giải trong tác phẩm kinh điển của ông - How International Law Works: A Rational Choice Theory. Coi các quốc gia như những chủ thể hành động duy lý, Guzman đã phân tích nguyên nhân khiến các quốc gia thường chấp nhận tuân thủ luật pháp quốc tế, đó là thuyết "tránh tổn thất" (loss avoidance theory) hay còn được biết đến với tên gọi "thuyết 3R" - Reciprocity (có đi có lại); Retaliation (trả đũa); và Reputation (uy tín).

Ý nghĩa cơ bản của thuyết này là: nếu một quốc gia không tuân thủ các nghĩa vụ quốc tế của mình, quốc gia đó có nguy cơ phải gánh chịu những tổn thất nhất định. Đó có thể là việc bị quốc gia khác vi phạm các cam kết đã có với quốc gia này; bị quốc gia khác trả đũa; hoặc không thể đạt được các cam kết đáng tin cậy, cũng như không thể dựa vào luật pháp quốc tế để bảo vệ mình trong tương lai. Những yếu tố này làm tăng "chi phí" của hành vi vi phạm, và vì thế sẽ thúc đẩy sự hợp tác và tuân thủ.

Tàu hải giám TQ bao vây và xịt vòi rồng vào tàu kiểm ngư VN. Ảnh: Hoàng Sang
Tàu hải giám TQ bao vây và xịt vòi rồng vào tàu kiểm ngư VN. Ảnh: Hoàng Sang
Trong trường hợp của TQ, nếu vận dụng lý thuyết trên, có thể thấy rằng: nếu TQ phản đối, không công nhận hoặc kiên quyết không thực thi các phán quyết của tòa án, trọng tài quốc tế thì TQ sẽ gặp phải những tổn thất không hề nhỏ.

Trước hết, chúng ta hãy phân tích chữ R đầu tiên - Reciprocity hay tính chất có đi có lại. Các quốc gia tuân thủ các cam kết quốc tế của mình vì hiểu rằng chỉ khi họ tuân thủ thì các nước khác mới tuân thủ; và việc các quốc gia cùng nhau vi phạm các cam kết quốc tế (reciprocal non-compliance) là điều không có lợi cho bất cứ bên nào. Chẳng hạn, nếu TQ từ chối chấp hành các phán quyết của tòa quốc tế, khi đó, TQ sẽ phải đối diện với việc Việt Nam, Philippines và thậm chí cả một số nước khác cũng sẽ rút lại và/hoặc phá vỡ các thỏa thuận song phương và đa phương với TQ.

Với chủ trương cố gắng giữ hòa khí, tránh đụng độ quân sự, Việt Nam từ trước tới nay luôn kiềm chế trước những hành vi khiêu khích của TQ. Nhưng hơn ai hết, TQ cũng cần duy trì trạng thái hòa bình. Vốn sẵn có các mâu thuẫn nội tại như vấn đề Tây Tạng, TQ hoàn toàn không muốn đồng thời phải đối diện với tình thế bất ổn ở phía Nam. Trong khi đó, khả năng bất ổn sẽ gia tăng khi đã hội đủ hai yếu tố: (i) phán quyết quốc tế ủng hộ Việt Nam và Philippines; và (ii) sự bất tuân thủ phán quyết từ phía TQ. Bởi lẽ, việc công nhiên vi phạm các cam kết quốc tế của TQ khi đó sẽ trở thành nguyên nhân làm cho những thỏa thuận hợp tác cùng phát triển giữa TQ với Việt Nam, Philippines và các nước khác, đặc biệt là ASEAN, có nguy cơ đổ vỡ do vi phạm đó và bên chịu thiệt hại chắc chắn có cả TQ.

Chữ R thứ 2 - Retaliation - nghĩa là sự trả đũa. Việc một quốc gia bị trả đũa vì không tuân thủ pháp luật quốc tế đã diễn ra trong thực tiễn. Cần hiểu rằng, trả đũa ở đây không nhất thiết chỉ là những hành động như đóng cửa biên giới, ngừng giao thương, cắt đứt quan hệ ngoại giao, v.v... từ các nước trực tiếp có tranh chấp. Khả năng dùng đến biện pháp trừng phạt quân sự có thể thấp, do TQ là thành viên của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.

Tuy nhiên, TQ có thể sẽ phải đối diện với sự tẩy chay hoặc trả đũa chéo từ các nước khác, mà nghiêm trọng nhất là Mỹ, Nhật và Liên minh châu Âu. Với vai trò là đồng minh của Philippines, sự trả đũa của Mỹ không phải không có khả năng xảy ra. Một số quốc gia có thể lấy việc không trả đũa TQ do vi phạm pháp luật quốc tế làm điều kiện để đòi hỏi TQ nhượng bộ ở vấn đề này hay vấn đề khác. Đó cũng là một "chi phí" gián tiếp đối với nước này.

Hơn nữa, trong xu hướng tinh vi hóa các biện pháp hạn chế nhập khẩu, khả năng có thể xảy ra là một số nước nhân danh phản đối hành vi vi phạm của TQ để khởi xướng những chiến dịch tẩy chay hàng TQ. Xét từ góc độ này, rõ ràng TQ sẽ phải đối diện với những thiệt hại không nhỏ cả về chính trị lẫn kinh tế.

Tuy nhiên, lo ngại lớn nhất của TQ có lẽ nằm ở chữ R cuối cùng - Reputation, nghĩa là uy tín của quốc gia. Từ trước tới nay, chính quyền TQ vẫn luôn khăng khăng họ chính nghĩa trong tranh chấp lãnh hải trước người dân trong nước và công luận quốc tế. Điều gì xảy ra nếu tòa án, trọng tài quốc tế phán quyết hành vi của TQ vi phạm luật pháp quốc tế, nhưng TQ vẫn kiên quyết không thừa nhận và thực thi?

Chính quyền TQ khi đó không chỉ mất uy tín trước mắt với người dân trong nước và dư luận thế giới, mà còn phải đối diện với những tổn thất trong tương lai. Thứ nhất, nếu chính TQ vi phạm UNCLOS 1982 nhưng từ chối tuân thủ phán quyết quốc tế về vấn đề này, thì về sau liệu TQ có thể kỳ vọng các thỏa thuận quốc tế khác mà họ ký kết cũng sẽ được các nước khác tuân thủ? Sự bất tín của TQ sẽ khiến nước này khó có được những thỏa thuận thực sự đáng tin cậy trong tương lai.

Thứ hai, hiện tại và về sau, rõ ràng TQ sẽ còn có tranh chấp lãnh thổ với các quốc gia láng giềng khác. Sẽ có lúc TQ cần viện dẫn tới pháp luật quốc tế vì lợi ích của mình, nhưng khi đó TQ sẽ ở vào tình thế "há miệng mắc quai". Đó là vấn đề rất lớn đối với một nước lớn và có lịch sử xung đột lãnh thổ nhiều như TQ.

Tóm lại, có thể nói rằng, Việt Nam có đủ bằng chứng lịch sử về chủ quyền quốc gia và việc khởi kiện TQ ra tòa quốc tế sẽ giúp chúng ta chiếm lợi thế. Bởi lẽ, ngay cả khi TQ không tuân thủ phán quyết, họ cũng sẽ gánh chịu những thiệt hại trước mắt và lâu dài. Ngược lại, một phán quyết quốc tế có lợi sẽ trở thành vũ khí sắc bén nhất trong hành trình đấu tranh lâu dài vì sự toàn vẹn lãnh thổ, lãnh hải của Việt Nam.

Theo Khương Duy
Vietnamnet

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm