Trong lúc tình hình Biển Đông đang diễn biến căng thẳng do Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương-981 vào sâu trong thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, Trung Quốc lại tiếp tục có hành động có thể khiến căng thẳng leo thang với việc điều thêm giàn khoan xuống hoạt động ở khu vực Biển Đông.
Giàn khoan thứ hai này có tên “Nam Hải số 9” nặng hơn 21.000 tấn, chiều dài 600m, tốc độ di chuyển khoảng 4 hải lý/giờ. Hiện giàn kkhoan “Nam Hải số 9” đang di chuyển tới vị trí có tọa độ 17°14.1 vĩ độ Bắc, 109°31 vĩ độ Đông trên Biển Đông.
Phóng viên Báo điện tử VOV đã có cuộc phỏng vấn ông Trần Công Trục - Nguyên Trưởng Ban biên giới Chính phủ, về những động thái mới này.
PV: Trong khi dư luận quốc tế và Việt Nam mạnh mẽ lên án việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 thì Trung Quốc lại tiếp tục điều thêm giàn khoan thứ hai. Ông có nhận định gì về ý đồ của Trung Quốc qua động thái này?
TS Trần Công Trục: Tôi không bất ngờ về những động thái mà Trung Quốc tiến hành trong thời gian vừa rồi. Trung Quốc đã tính toán mọi điều kiện quốc tế, khu vực và sự phản ứng của các nước để họ thực hiện ý đồ của mình. Sự việc này nhằm nhiều mục đích khác nhau, nhưng một trong những mục đích quan trọng lần này là nhằm vào vấn đề kinh tế, khai thác tài nguyên ở khu vực trong phạm vi mà họ yêu sách. Trước hết họ làm trong khu vực quần đảo Hoàng Sa và vùng biển gần đó.
Rõ ràng chúng ta biết giàn khoan Hải Dương 981 mà họ đang làm, đang tồn tại với rất nhiều di chuyển, nhiều động thái và đặc biệt là với một lực lượng rất lớn để hộ tống với một quyết tâm rất lớn, tiêu tốn một ngày hàng trăm triệu đô la Mỹ. Trong tình hình Việt Nam và quốc tế có những phản ứng mạnh mẽ mà họ vẫn không dừng lại, tiếp tục đặt một giàn khoan tương tự ở phía Tây Bắc quần đảo Hoàng Sa. Theo thông tin ban đầu tôi cũng đối chiếu và so sánh thì khu vực này nằm ở phạm vi cửa Vịnh Bắc Bộ mà hai bên còn đang đàm phán để phân định ranh giới.
Họ đang tính toán để thực hiện việc thăm dò nghiên cứu định ra việc khai thác nguồn tài nguyên trong phạm vi này. Đây là nơi ẩn chứa nhiều nguồn tài nguyên mà người ta cho rằng ai có thể khai thác, đánh giá được nguồn tài nguyên này thì có thể làm chủ được nguồn tài nguyên của tương lai nhân loại. Vì đây là nơi ẩn chứa nhiều băng cháy (loại năng lượng tương lai mạnh hơn và có thể thay thế dầu mỏ - PV) mà giàn khoan khổng lồ này khoan sâu đến 3000 mét đang nhằm vào nguồn tài nguyên mà loài người đang hướng đến.
PV: Ông nhận định mức độ nghiêm trọng của sự việc này thế nào?
TS Trần Công Trục: Đây là bước nữa khiến chúng ta khẳng định được rằng một trong những mục tiêu quan trọng mà Trung Quốc nhằm vào chính là nguồn tài nguyên chứa đựng trong thềm lục địa này.
Họ sẽ tính toán rất tinh vi để thực hiện bằng được và tính các vị trí để đặt giàn khoan về mặt chuyên môn có thể khai thác được và về mặt pháp lý có thể né tránh những phản ứng của dư luận và thậm chí cài những bẫy pháp lý mà nếu chúng ta không nghiên cứu cẩn thận thì chúng ta sẽ sa vào để mà gián tiếp hoặc trực tiếp thừa nhận yêu sách vô lý của họ đối với vị trí vai trò của quần đảo Hoàng Sa của chúng ta trong việc mở rộng phạm vi của vụ việc. Đấy là điều tôi xin lưu ý.
Rõ ràng đây là một bước đi cực kỳ nghiêm trọng. Tức là họ có nhiều hoạt động gây quan ngại từ phía Nam rồi chuyển lên phía Bắc. Đây là điều mà chúng ta cần phải có những suy nghĩ và có các phương án cụ thể. Chúng ta cần mạnh mẽ hơn nữa trong cuộc đấu tranh này.
PV: Trong bối cảnh như vậy, chúng ta nên có những bước đi như thế nào? Việc kiện Trung Quốc ra toà án quốc tế sẽ đóng vai trò ra sao, thưa ông?
TS Trần Công Trục: Về đấu tranh dư luận, vừa rồi chúng tôi có đánh giá qua sự việc họ đặt giàn khoan Hải Dương 981 thì phản ứng của dư luận về mặt ngoại giao, chúng ta làm khá kịp thời, đúng mức độ cần thiết và rất rõ ràng. Chúng ta đã có những lập trường rõ ràng, thế giới cũng nhận ra điều đó và ủng hộ chúng ta nhiều hơn. Tuy nhiên, phải đẩy mạnh hơn nữa, kịp thời hơn nữa, chủ động hơn nữa. Chứ nếu chúng ta cứ chạy theo sự kiện thì khó có thể phản ứng nhanh.Về đấu tranh dư luận thì phải rộng rãi và chuẩn xác hơn nữa về mặt truyền thông.
Về mặt pháp lý đã đến lúc chúng ta phải nhanh chóng xúc tiến việc kiện Trung Quốc, không nên chần chừ nữa. Bởi vì chúng ta biết rằng không còn là việc Trung Quốc có tính chất thăm dò hay phản ứng gì nữa mà họ làm thực sự rồi. Trung Quốc đã vi phạm nghiêm trọng vùng đặc quyền kinh tế, vi phạm đến chủ quyền lãnh thổ như Gạc Ma là sự vi phạm rất nghiêm trọng. Vì thế chúng ta phải dùng biện pháp đấu tranh pháp lý.
Trên thực địa thì chúng ta tiếp tục đầu tư hơn nữa, động viên các lực lượng thực thi pháp luật trên biển tiếp tục công việc kiên trì vận động và đảm bảo an toàn cho ngư dân.
Chúng ta cũng phải tính đến những phương án cụ thể về mặt pháp lý như đơn phương kiện Trung Quốc ra toà án quốc tế. Có rất nhiều nội dung ta có thể kiện được. Theo tôi kiện để các cơ quan tài phán thụ lý cho mình, có trách nhiệm để xem xét thì chỉ có 2 nội dung ta có thể kiện được. Nội dung thứ nhất là kiện giải thích áp dụng sai Công ước Liên Hợp Quốc năm 1982 trong việc xác định đường cơ sở của quần đảo Hoàng Sa mà họ lấy làm cơ sở yêu sách cho đường lưỡi bò. Đó cũng là kinh nghiệm mà Philippin đã làm. Khả năng kiện thứ hai, chúng ta kiện Trung Quốc đã sử dụng vũ lực để đánh chiếm quần đảo Hoàng Sa – Trường Sa vì hiện nay họ đang làm mọi chuyện để biến đảo chìm thành đảo nổi với các công trình như sân bay và các hệ thống như căn cứ quân sự gây quan ngại đến an ninh khu vực. Hai cái đó tôi nghĩ chúng ta đơn phương kiện và các cơ quan tài phán và các tổ chức quốc tế có trách nhiệm trong việc thụ lý này.
PV: Xin cảm ơn ông!