Trung Quốc lại đóng vai nạn nhân và yêu cầu Việt Nam “bốn không được“

Mở đầu bài báo đăng trong mục Quân sự của Tân Hoa Xã, cơ quan truyền thông nhà nước Trung Quốc là sự vu khống trắng trợn Việt Nam:

Cây muốn lặng nhưng gió chẳng đừng, hơn một tháng qua, Việt Nam không từ thủ đoạn nào quấy nhiễu hoạt động của giàn khoan Hải Dương 981 ở Tây Sa (Hoàng Sa của Việt Nam). Đối mặt với sự khiêu khích của Việt Nam, Trung Quốc buộc phải điều tàu công vụ đến bảo vệ giàn khoan.

Bình luận về chuyến thăm Việt Nam của Ủy viên Quốc vụ viện Trung Quốc Dương Khiết Trì, bài báo trên Tân Hoa Xã thể hiện tư tưởng ngạo mạn của nước lớn: Ngày 18/6, ông Dương Khiết Trì sẽ tới thăm và hội đàm với Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh. 

Trong chuyến thăm này, Trung Quốc sẽ tích cực đàm phán với Việt Nam, thể hiện thành ý và tấm lòng của nước lớn, thông qua đối thoại để giải quyết vấn đề.

 Tàu Trung Quốc hung hăng đâm vào tàu Việt Nam

VTC News lược dịch cái mà Tân Hoa Xã huênh hoang về “bốn không được” như sau:

Thứ nhất, không được đánh giá thấp quyết tâm và năng lực bảo vệ chủ quyền của Trung Quốc với các đảo trên Nam Hải (Biển Đông); Thứ hai, không được sử dụng các tư liệu mà Việt Nam tự nhận là “tư liệu lịch sử” để gây hiểu lầm cho cộng đồng quốc tế và dư luận Việt Nam về chủ quyền ở Tây Sa, Nam Sa (Hoàng Sa, Trường Sa); Thứ ba, không được lôi kéo các nước khác can thiệp vào Nam Hải; Cuối cùng là không được phá bỏ mối quan hệ Việt Trung sau 20 năm bình thường hóa quan hệ. 

Bất chấp thực tế Trung Quốc bị nhiều nước lên án vì sự hung hăng, vô nhân đạo ở Biển Đông trong hơn 40 ngày qua, Tân Hoa Xã dọa dẫm Việt Nam rằng nếu làm hỏng mối quan hệ với Bắc Kinh thì Hà Nội sẽ gánh chịu tổn thất nặng nề về kinh tế, hình tượng trong mắt bạn bè thế giới.

Đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép từ năm 1974  

Hôm 16/6 vừa qua, ông Trần Duy Hải, Phó Chủ nhiệm Ủy ban biên giới Quốc gia đã phản bác các luận điểm của Trung Quốc.

Ông Hải cho biết, Trung Quốc những ngày qua liên tục đưa ra các luận điệu vu khống, đổ lỗi cho Việt Nam. Thậm chí, trong vụ tàu cá Việt Nam bị đâm chìm, nước này vẫn lớn tiếng cho rằng tàu Việt Nam tự đâm vào tàu Trung Quốc rồi chìm.

Về chủ quyền Hoàng Sa, ông Hải khẳng định, các tài liệu của Trung Quốc đều cho thấy nước này không quản lý quần đảo này. 

Về phía Việt Nam, ít nhất từ thế kỷ 17, các vị vua nhà Nguyễn đã thực thi chủ quyền một cách ôn hòa và không gặp phải sự phản đối nào ở Hoàng Sa và Trường Sa.

Đây là lần thứ 5 Bộ Ngoại giao tổ chức họp báo quốc tế kể từ khi Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương-981 (Haiyang Shiyou-981) trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam.

Tại các cuộc họp báo trước đó, quan điểm nhất quán của Bộ Ngoại giao Việt Nam luôn nhấn mạnh: Khu vực Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương-981 (Haiyang Shiyou-981) nằm hoàn toàn trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam. Hoạt động của giàn khoan Hải Dương-981 (Haiyang Shiyou-981) và các tàu bảo vệ của Trung Quốc đã vi phạm nghiêm trọng quyền, chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, vi phạm luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, vi phạm Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông năm 2002 (DOC) và các thỏa thuận có liên quan khác giữa Lãnh đạo cấp cao hai nước.

Việt Nam yêu cầu Trung Quốc rút ngay giàn khoan Hải Dương-981 (Haiyang Shiyou-981) và các tàu bảo vệ ra khỏi vùng biển của Việt Nam.

Trong các cuộc họp báo, đại diện các Cục Kiểm ngư và Cảnh sát biển Việt Nam cũng đã đưa ra những hình ảnh, video… chứng minh cho hành động hung hăng và ngang ngược của các tàu bảo vệ Trung Quốc trên vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam.

Theo Phương Mai (VTC News)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm