Đại sứ Arif Havas Oegroseno: Bài học từ Indonesia và Philippines

Tạp chí The Diplomat (Nhật) ngày 14-6 đã đăng bài viết của ông Arif Havas Oegroseno, Đại sứ Indonesia tại Bỉ, Luxembourg và Liên minh châu Âu (ảnh). Ông nhận định trong tình hình căng thẳng ở biển Đông, hiệp định phân định ranh giới biển Indonesia-Philippines mới ký kết có thể đem lại nhiều bài học.

Năm 1994, hai nước bắt đầu đàm phán về phân định ranh giới biển ở khu vực chồng lấn của vùng đặc quyền kinh tế hai nước tại biển Mindanao và biển Celebes. Chín năm sau, tiến trình đàm phán vẫn giậm chân tại chỗ.

Tháng 12-2003, từ vị trí ở Vụ Pháp lý và các điều ước quốc tế thuộc Bộ Ngoại giao Indonesia, ông Arif Havas Oegroseno được cử làm trưởng đoàn Indonesia trong đàm phán với Philippines.

Năm 2010, ông chuyển sang Brussels (Bỉ) công tác. Người kế nhiệm ông tiếp tục đàm phán với Philippines đến khi hai nước ký kết hiệp định phân định ranh giới biển tại Manila (Philippines) hôm 23-5 vừa qua.

Hiệp định mang ý nghĩa rất quan trọng bởi đây là hai quốc gia quần đảo lớn nhất nhì thế giới và đều là thành viên của Công ước LHQ về Luật Biển 1982 (UNCLOS).

Trong đàm phán, trở ngại lớn nhất là Philippines xác định chủ quyền lãnh thổ dựa theo Hiệp định Paris năm 1898 về chấm dứt chiến tranh Tây Ban Nha-Mỹ.

Hiệp định quy định đế quốc Tây Ban Nha trao trả quyền kiểm soát Cuba, Puerto Rico, một phần Tây Ấn, Guam và Philippines cho Mỹ.

Theo hiệp định, giới hạn lãnh thổ Philippines được xác định bằng đường hình hộp bao quanh các quần đảo Philippines. Như vậy vùng đặc quyền kinh tế của Philippines chồng lấn sâu vào vùng đặc quyền kinh tế của Indonesia tại biển Mindanao và biển Celebes.

Hai tổng thống Indonesia và Philippines chứng kiến hai bộ trưởng Ngoại giao trao đổi hiệp định phân định biên giới biển đã ký kết hôm 23-5 tại Manila. Ảnh: VĂN PHòNG TỔNG THỐNG PHILIPPINES

Indonesia bác bỏ đường hình hộp với lý do bản đồ này không tuân thủ UNCLOS. Do sức ép dư luận trong nước, Philippines vẫn khăng khăng giữ quan điểm và cuối cùng mới chấp nhận thay đổi lập trường phù hợp với UNCLOS.

Đại sứ Arif Havas Oegroseno ghi nhận đàm phán phân định ranh giới biển đòi hỏi phải nhẫn nại và quyết tâm. Ông nhận định có hai bài học rút ra:

Văn bản luật phổ biến hiện nay để giải quyết biên giới biển là UNCLOS. Philippines dựa vào cứ liệu lịch sử cách đây 115 năm (Hiệp định Paris năm 1898) nhưng cuối cùng phải điều chỉnh bản đồ hình hộp chữ nhật của hiệp định này phù hợp với UNCLOS.

Như vậy bản đồ đường chín đoạn của Trung Quốc (TQ) ở biển Đông vẽ từ thập niên 1940 cũng phải được điều chỉnh để phù hợp với UNCLOS.

Bản đồ hình hộp của Hiệp định Paris năm 1898 và bản đồ đường chín đoạn của TQ có điểm chung là cả hai đều  tuyên bố đơn phương không dựa trên luật pháp quốc tế.

Do đó hiệp định phân định biên giới biển Indonesia-Philippines cho thấy một tuyên bố bản đồ đơn phương cuối cùng phải được điều chỉnh phù hợp với luật pháp quốc tế.

Các bên tranh chấp cần nhận thấy nên hợp tác vì lợi ích lớn hơn. Đó là bảo vệ môi trường biển và bảo đảm an ninh biển trong vùng biển rộng lớn.

Hiệp định phân định biên giới biển Indonesia-Philippines là cách thực hành nhà nước cụ thể tuyệt vời ở Đông Nam Á và là ví dụ rõ ràng cho thấy Đông Nam Á thực sự có văn hóa luật pháp quốc tế.

Đại sứ Arif Havas Oegroseno kết luận các tuyên bố leo thang gần đây về chủ quyền chồng lấn ở biển Đông không phải là chuẩn mực của khu vực và là điều bất thường đối với thực hành nhà nước ở Đông Nam Á nên cần phải được sửa chữa.

LÊ LINH

TQ bị chỉ trích trong hội thảo ở Nhật

Hành động của TQ trong tranh chấp biển Đông đã bị chỉ trích tại cuộc hội thảo thường niên lần thứ năm của Hội Luật quốc tế Nhật tại ĐH Chuo ở Tokyo (Nhật) hôm 15-6 vừa qua. Theo hãng tin GMA News (Philippines) ngày 17-6, trong tham luận tại hội thảo, GS Harry Roque Jr., Giám đốc Viện Nghiên cứu pháp lý quốc tế thuộc Trung tâm Luật của ĐH Philippines, khẳng định TQ đã vi phạm UNCLOS khi từ chối tham gia vụ kiện của Philippines ở tòa án trọng tài quốc tế và với hành động cải tạo các đảo, bãi đá ở quần đảo Trường Sa thành đảo nhân tạo.

Ông nhận định là thành viên UNCLOS, TQ rõ ràng có nghĩa vụ phải tham gia vụ kiện. Khi từ chối tham gia, TQ đã chọn cách từ bỏ các thủ tục giải quyết tranh chấp theo UNCLOS. Tuy nhiên, GS Harry Roque Jr. ghi nhận thực ra TQ chỉ từ chối tham gia thủ tục giải quyết tranh chấp của UNCLOS trong các vụ không có lợi cho TQ. Tại hội thảo, GS Trương Tín Quân thuộc ĐH Thanh Hoa (TQ) đã cố chấp chỉ trích vụ kiện TQ của Philippines là “một vụ kiện hỗn tạp” vì dựa vào hai căn cứ lãnh thổ đất liền và lãnh thổ hàng hải để khẳng định tuyên bố chủ quyền. Ông cho rằng đó là lý do vì sao TQ xem tòa án trọng tài quốc tế không đủ thẩm quyền dựa vào UNCLOS để phán quyết.

Tuy nhiên, GS Harry Roque Jr. đã phản bác mạnh mẽ điều này. Ông xác định tranh chấp có liên quan đến lãnh thổ đất liền nhưng vụ kiện của Philippines chỉ dựa vào các điều khoản của UNCLOS liên quan đến vùng nội thủy, vùng lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế, các quần đảo và độ cao thủy triều.

ĐĂNG KHOA

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm