Tàu Trung Quốc sẵn sàng đâm va, ngăn cản tàu của các lực lượng thực thi pháp luật của Việt Nam. (Ảnh: Công Định-Hữu Trung/TTXVN)
Chiều 19-6, cập nhật thông tin tại khu vực Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương-981 (Haiyang Shiyou 981) trái phép trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, đại diện Cục Kiểm ngư Việt Nam cho biết: “Cho đến cuối giờ chiều ngày 19-6, vị trí giàn khoan Hải Dương 981 mà Trung Quốc hạ đặt xâm phạm vào vùng biển chủ quyền của Việt Nam vẫn không có gì thay đổi. Phía Trung Quốc tiếp tục duy trì hơn 100 tàu các loại để bảo vệ giàn khoan trái phép, trong đó có 37-39 tàu hải cảnh, 12-14 tàu vận tải, 17-19 tàu kéo, 35-38 tàu cá và 5 tàu quân sự”.
Theo Cục Kiểm ngư, phía Trung Quốc tiếp tục sử dụng các loại tàu để ngăn cản, chèn ép các tàu thực thi công vụ cũng như tàu cá của ngư dân Việt Nam.
Cụ thể, trong ngày khi các tàu Cảnh sát biển và kiểm ngư của Việt Nam cơ động vào cách giàn khoan 9-10 hải lý để đấu tranh, tuyên truyền và thực thi pháp luật trên biển thì hàng loạt tàu (hải cảnh, hải giám, hải tuần, tàu kéo) của Trung Quốc thường xuyên bám sát, chủ động ngăn cản, ép hướng, ngăn chặn quyết liệt, áp sát các tàu Việt nam với khoảng cách từ 50-200 m.
Bên cánh đó, 35-38 tàu cá của Trung Quốc với sự hỗ trợ của tàu 9soos hiệu 46102 và 44608) đã dàn thành hàng ngang, ngăn cản, chặn hướng và ép các tàu cá của ngư dân Việt Nam ra cách giàn khoan khoảng 37-41 hải lý.
Trước sự uy hiếp, hành xử cường đạo của các tàu Trung Quốc, các tàu thực thi công vụ và ngư dân của Việt Nam vẫn kiên cường bám trụ vùng biển thuộc chủ quyền của mình để đấu tranh, phản đối Trung Quốc dừng mọi hoạt động, rút mọi phương tiện khỏi vùng biển của Việt Nam, đồng thời tiếp tục đánh bắt hải sản trên ngư trường truyền thống của mình.
Trong một diễn biến khác, tối ngày 18-6, dẫn thông tin từ trang web Cục Hải sự Trung Quốc ngày 17-6 cho biết Trung Quốc tiếp tục đưa giàn khoan thứ hai ra biển Đông từ ngày 18 đến ngày 20-6.
Thông báo trên website này nói giàn "Nan Hai Jiu Hao" (Nam Hải số 9) từ ngày 18 tới ngày 20-6 sẽ được tàu lai dắt kéo từ toạ độ 17 độ 38 vĩ Bắc, 110 độ 12 phút 3 kinh Đông tới vị trí có tọa độ 17 độ 14 phút 6 vĩ Bắc, 109 độ 31 phút kinh Đông trên Biển Đông.
Giàn khoan Nam Hải số 9 của Trung Quốc. Ảnh: TL
Toạ độ xuất phát của giàn “Nam Hải số 9” này chính là từ đảo Hải Nam trong khi điểm đến của nó là khu vực cửa Vịnh Bắc Bộ. Đây là khu vực mà VN và Trung Quốc vẫn đang tiến hành các bước để đàm phán phân định lãnh hải giữa hai bên.
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM chiều ngày 19-6 liên quan đến thông tin này, Trung tá Đặng Hồng Quân, Phòng Tuyên huấn, Cảnh sát biển Việt Nam cho biết: Mọi phương tiện hoạt động trên vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam đều được lực lượng cảnh sát biển phát hiện, theo dõi và sẵn sàng ứng phó nếu vi phạm pháp luật Việt Nam. Cho đến thời điểm này, phía Cảnh sát biển Việt Nam chưa ghi nhận phương tiện nào như là giàn khoan mang tên “Nam Hải số 9” tại khu vực biển Việt Nam và Trung Quốc đang tiến hành phân định lãnh hải giữa hai bên.
Khả năng rất thấp Hoàn Cầu thời báo dẫn lời ông Ngô Sĩ Tồn, Viện trưởng Viện nghiên cứu Nam Hải (Biển Đông) nói khả năng Trung Quốc đưa giàn khoan thứ hai ra Hoàng Sa là rất thấp. “Thời điểm này không nên tiếp tục đưa thêm giàn khoan ra Hoàng Sa. Nguyên nhân thứ nhất là hiện ở Hoàng Sa chưa có những khu vực thăm dò mà chúng ta quen thuộc. Giàn khoan Hải Dương 981 đã mất 10 năm tìm tòi mới được đưa ra đó”, ông Ngô nói với Hoàn Cầu thời báo. Ngô Sĩ Tồn cũng nói ông đã liên hệ với Cục Hải sự Trung Quốc và được biết, giàn khoan ‘Nam Hải số 9’ đang hoạt động quanh đảo Hải Nam của nước này. Việc giàn khoan dịch chuyển hoàn toàn theo quy trình tác nghiệp thông thường, không liên quan gì tới Hoàng Sa hay các khu vực khác. “Giàn khoan Nam Hải số 9 sẽ chỉ hoạt động quanh khu vực đảo Hải Nam, không đi đâu khác”, ông Ngô nói. Theo VTC |
Trọng Phú