“Trung Quốc (TQ) không thể giữ vai trò cường quốc kinh tế số một nếu cứ tiếp tục quấy rối ở biển Đông”. Trợ lý giáo sư khoa học chính trị Kai He tại Đại học Utah (Mỹ) đã nhận định như trên báo Business Spectator (Úc) ngày 16-6.
Chuyên gia Kai He ghi nhận TQ hiểu rằng dù GDP bình quân đầu người hay GDP về sức mua tương đương của TQ có lớn đến mức nào thì một quốc gia với dân số 1,4 tỉ dân như TQ vẫn giảm sức mạnh.
Ví dụ, theo Ngân hàng Thế giới, GDP bình quân đầu người năm 2012 của TQ xếp vị trí thứ 91, đứng sau cả Iraq vốn là một quốc gia đang gánh chịu hậu quả từ cuộc chiến do Mỹ lãnh đạo.
Nếu điều chỉnh số liệu theo GDP về sức mua tương đương thì vị trí của TQ được nâng lên đến thứ 81, tức vẫn đứng sau Cộng hòa Dominica.
Hơn nữa, dù TQ đã tăng ngân sách quốc phòng lên hai con số trong những năm gần đây, con số này vẫn chưa bằng 1/3 so với Mỹ. Về quyền lực mềm, sức mạnh của TQ chưa thể sánh với Mỹ.
Tàu cảnh sát biển Việt Nam. Ảnh: COURTESY IMAGES
Trong cuốn sách mới nhất của học giả David Shambaugh với tựa đề “TQ tiến tới toàn cầu - Cường quốc một nửa”, tác giả kết luận TQ chỉ mới được coi là cường quốc một nửa.
Thật ra TQ cũng không muốn danh hiệu nền kinh tế số một thế giới vì nhiều lý do. Đầu tiên Bắc Kinh lo ngại rơi vào bẫy khoa trương.
Cách đây chín năm, Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Robert Zoellick từng khen ngợi TQ sẽ đóng vai trò là bên liên quan có trách nhiệm trong việc hình thành chương trình nghị sự quốc tế.
TQ nhận định lời khen này chẳng khác nào bẫy khoa trương nhằm chi phối và kiềm chế chính sách ngoại giao của Bắc Kinh.
Một nỗi sợ khác của TQ là chủ nghĩa dân tộc gia tăng do bị kích động bởi vị thế kinh tế số một thế giới.
TQ không giấu mục tiêu trở thành siêu cường thế giới, cái gọi là tái sinh dân tộc TQ theo “giấc mơ TQ” của Chủ tịch Tập Cận Bình.
Chủ nghĩa dân tộc đã trở thành một công cụ chính trị hữu ích đối với TQ nhằm củng cố thái độ ủng hộ từ quần chúng nhân dân. Tuy nhiên, chủ nghĩa dân tộc lại là con dao hai lưỡi.
Ví dụ, trong tranh chấp với Việt Nam và Philippines, phần lớn người dùng Internet tại TQ nghi ngờ khả năng bảo vệ lợi ích quốc gia của chính quyền Bắc Kinh.
Có nhiều ý kiến cho rằng Bắc Kinh từ chối vị trí kinh tế số một thế giới là một cách trốn tránh trách nhiệm. Ví dụ, trong đàm phán về giảm khí thải nhà kính, lúc nào TQ cũng tự coi mình là nước đang phát triển.
Duy trì hòa bình với các nước láng giềng thông qua luật pháp quốc tế vẫn là yếu tố quan trọng đối với vai trò nước lớn về kinh tế. Do đó, như chuyên gia Kai He nhận định, ký kết Bộ Quy tắc ứng xử trên biển Đông có thể là bước đi đầu tiên TQ nên làm nhằm xây dựng các quy tắc giảm thiểu tranh chấp.
DUY KHANG
Nói một đằng, làm một nẻo Ngày 19-6, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc tuyên bố nước này sẵn sàng làm việc với ASEAN để xúc tiến Bộ Quy tắc ứng xử của các bên ở biển Đông. Tuyên bố được đưa ra trước cuộc họp lần thứ 11 của nhóm công tác chung TQ-ASEAN liên quan đến việc thực hiện Tuyên bố về ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC) trong hai ngày 24 và 25-6 tại Bali (Indonesia). Theo người phát ngôn, hợp tác về an ninh hàng hải và phối hợp tìm kiếm-cứu nạn là các chủ đề trong chương trình nghị sự. Miệng nói như thế nhưng Trung Quốc đã tiếp tục làm trái DOC khi thay đổi nguyên trạng ở biển Đông. H.DUY |