Ngày 8-10, Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội đã tổ chức hội thảo “Cai nghiện ma túy tại cộng đồng và ngoài công lập” để ghi nhận các ý kiến góp ý của các chuyên gia cho dự thảo Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi) trước khi trình Quốc hội góp ý, ban hành trong thời gian sắp tới.
Cai nghiện tư nhân than thiếu sự hỗ trợ
Hiện nay, ngoài các cơ sở cai nghiện của Nhà nước, cơ sở y tế tư nhân cũng được khuyến khích tham gia để góp phần trả người nghiện về với cuộc sống bình thường trong bối cảnh tình hình nghiện ma túy ngày càng tăng. Tuy nhiên, tại hội thảo, nhiều đại diện các cơ sở cai nghiện tư nhân cho biết gặp không ít khó khăn và nhận được sự hỗ trợ của Nhà nước còn hạn chế.
Hoạt động 21 năm, Cơ sở cai nghiện ma túy Thanh Đa đã tiếp nhận cai nghiện cho hơn 22.000 lượt học viên. BS Nguyễn Hữu Khánh Duy, Giám đốc cơ sở này, cho hay nhiều gia đình có hoàn cảnh khó khăn, trung tâm có kế hoạch miễn, giảm chi phí nhưng cũng chỉ đến một giới hạn nhất định. Bên cạnh đó, cơ sở thường xuyên phập phồng khi nhà, đất phục vụ cai nghiện phải đi thuê mướn, chủ đất đòi lại phải di dời, xây lại gần như mới nên rất tốn kém.
BS Võ Cảnh Sinh, đại diện Cơ sở cai nghiện ma túy Tấn Hưng (Cần Thơ), cho hay: “Hiện nay các cơ sở cai nghiện do tổ chức, cá nhân thành lập chưa nhận được sự hỗ trợ từ ngân sách nhà nước, trong khi đây là lĩnh vực lợi nhuận không cao, không thu hút được các nhà đầu tư, cơ sở vật chất còn thiếu nên ảnh hưởng công tác chuyên môn”.
Bên cạnh đó, công tác cai nghiện đặc thù, phải làm việc tất cả ngày trong tuần, thường xuyên phải tiếp xúc với những người nghiện, có thể kích động gây nguy hiểm nên khó thu hút tuyển nhân viên. “Hiện các chính sách của Nhà nước chưa có quy định cụ thể về đãi ngộ đối với các cán bộ, nhân viên công tác tại các cơ sở cai nghiện tư nhân dẫn đến khó tuyển cán bộ, nhân viên vào làm việc” - đại diện Cơ sở cai nghiện Đức Thanh Tâm (TP.HCM) lên tiếng.
Các đơn vị này kiến nghị được có chế độ hỗ trợ cho vay, cho thuê mặt bằng dài hạn, theo giá nhà nước, cấp phép xây dựng trên phần quỹ đất đơn vị có, có chính sách ưu đãi cho cán bộ, nhân viên làm công tác cai nghiện tại cơ sở tư nhân…
Các học viên đang cai nghiện tại Cơ sở cai nghiện ma túy số 2 Hà Nội được học nghề, lao động trị liệu để sau này hòa nhập cuộc sống. Ảnh: TTXVN
Không nên xem nghiện ma túy là tệ nạn
BS Trần Thanh Liêm, phụ trách chuyên môn kỹ thuật BV Tâm thần trung ương 2, cho hay trong quá trình tập huấn về công tác cai nghiện cho nhiều địa phương, ông nhận thấy nhân lực và kiến thức về vấn đề này của cán bộ còn thiếu và yếu, trong khi thị trường các loại ma túy luôn biến động, liên tục xuất hiện các loại ma túy mới gây ảo giác, loạn thần.
Theo BS Liêm, hiện vẫn chưa có mô hình chuẩn cho việc cai nghiện ma túy tại cộng đồng, vấn đề chuyên môn trong cai nghiện vẫn chưa được chú trọng đúng mức. Cũng theo BS Liêm, có nhiều con đường để một người đi đến nghiện ma túy, những người nghiện họ cũng có những nỗi dằn vặt, đau khổ không thể thoát ra được. Trong khi đó, gia đình vẫn có tâm lý không coi họ là bệnh mà là tệ nạn, có thái độ cưỡng bức càng khiến cho người nghiện cảm thấy mặc cảm, không hợp tác, dễ tái nghiện. “Một bệnh nhân nghiện ma túy đá có thể vào cơ sở cai nghiện cắt cơn là hai tuần sau đã hết nghiện rồi, tuy nhiên vấn đề quan trọng là họ có tái nghiện không” - BS Liêm băn khoăn và cho rằng không cần thiết quy định thời hạn cai nghiện đối với người nghiện trong dự thảo luật.
Người nghiện đóng cửa “chịu trận” do ngại bị kỳ thị Có những bạn tâm sự với tôi các bạn chỉ dám đi uống methadone (thuốc điều trị nghiện thay thế) rồi về đóng cửa lại do ngại bị kỳ thị. Gia đình cũng chưa thấu hiểu, chỉ nghĩ giải quyết nhu cầu ăn uống của họ là xong, miễn không “chơi” lại là được. Chị ĐINH HOÀNG CHÂU BẢO, thành viên tổ chức Liên minh |
Đồng quan điểm, ông Mai Như Sơn, Doanh nghiệp xã hội và phát triển cộng đồng Xuân Hợp (Đồng Nai), nhận xét tâm lý phần lớn người nghiện ngại vào cơ sở nhà nước. Ông đề xuất đổi tên cơ sở cai nghiện thành cơ sở điều trị nghiện ma túy. “Bởi nghiện ma túy là bệnh mạn tính, tái phát, nếu gọi là cơ sở cai nghiện và vẫn giữ quan điểm cai là phải bỏ nghiện ma túy hoàn toàn là không khoa học, không thực tế” - ông Sơn nói.
Bổ sung, BS Khuất Thị Hải Oanh, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ phát triển sáng kiến cộng đồng SCDI, cho rằng điểm vướng lớn nhất của việc cai nghiện hiện nay nằm ở chỗ nhận thức quan điểm khi chưa thực sự ứng xử với người nghiện như người bệnh. “Phần lớn coi nghiện ma túy là tệ nạn có thể xử lý được bằng các biện pháp hành chính như áp dụng thời hạn cai nghiện, bắt buộc sau thời hạn này họ không còn sử dụng ma túy trong khi đây là việc không tưởng… Trong khi đó, cai nghiện bắt buộc nhiều tốn kém, ngay sự bắt buộc đã tạo ra tâm thế chống đối” - BS Oanh nêu quan điểm. Bên cạnh đó, cán bộ theo dõi người nghiện đều phải kiêm nhiệm nhiều đầu việc, không được đào tạo bài bản về chuyên môn nên việc giúp đỡ người nghiện hòa nhập còn gặp nhiều khó khăn.
Tích cực giúp đỡ người nghiện ma túy hòa nhập cộng đồng, chị Đinh Hoàng Châu Bảo, tổ chức Liên minh Nhân ái Bến Tre, chia sẻ chị tiếp nhận khá nhiều trường hợp bị trầm cảm, lún sâu vào con đường nghiện ngập sau khi cai nghiện do cảm thấy bị cô lập, đẩy ra ngoài xã hội. Theo chị Bảo, người nghiện cũng có những mong muốn bình thường như đi làm, đóng góp cho xã hội, nhiều trường hợp cai nghiện xong được chị hỗ trợ việc làm, không tái nghiện và đang hòa nhập tốt.
Những góp ý quan trọng để hoàn thiện chính sách Phát biểu tại hội nghị, ông Đặng Thuần Phong, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội, cho biết theo Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2020 của Quốc hội, dự án Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi) sẽ được Quốc hội cho ý kiến vào kỳ họp thứ X (tháng 10 năm nay) và dự kiến thông qua vào kỳ họp thứ XI của Quốc hội khóa XIV. Ông Phong cho biết ông tiếp thu ý kiến của các đại biểu và sẽ tiếp tục thảo luận. Theo ông Phong, những ý kiến góp ý của toàn thể đại biểu tham dự hội nghị sẽ làm cơ sở quan trọng để giúp Ủy ban Về các vấn đề xã hội có thêm thông tin để thẩm tra dự án luật nêu trên, tiến tới hoàn thiện chính sách, pháp luật trong lĩnh vực này. |