Ý tưởng cấm bán rượu bia từ sau 22 giờ đang thu hút nhiều ý kiến tranh luận. Điều khiến mọi người băn khoăn nhất là phải làm gì để quy định này khả thi và đơn vị nào sẽ kiểm tra, xử phạt…
Quản chặt giấy phép bán rượu
Hiện nay, các siêu thị, nhà hàng, dịch vụ ăn uống muốn bán rượu đều phải xin giấy phép. Nghị định 94/2012 về sản xuất, kinh doanh rượu quy định: Phòng Công Thương các quận, huyện sẽ cấp giấy phép bán lẻ rượu theo quy hoạch do các sở Công Thương công bố. Một trong các tiêu chí cấp phép là một giấy phép trên 1.000 dân. Hiểu nôm na TP.HCM có khoảng 8 triệu dân thì chỉ tối đa có 8.000 giấy phép được cấp.
Quy định là vậy nhưng một cán bộ quản lý trong lĩnh vực kinh doanh rượu cho biết việc cấp phép kinh doanh rượu hiện còn nhiều vướng mắc. Chẳng hạn quận 1 có khoảng 200.000 dân, lẽ ra chỉ được cấp 200 giấy phép bán lẻ rượu nhưng quận này đã cấp trên 500 giấy phép từ trước khi có Nghị định 94/2012. Một số quận nội thành khác cũng đã đủ hoặc dư giấy phép so với số lượng dân. Các giấy cũ đã cấp thì không thể hủy bỏ. Vì vậy, việc quy hoạch một mạng lưới bán lẻ rượu cho phù hợp quy định (Sở Công Thương TP đang thực hiện) cũng gặp khó khăn.
Việc đặt ra quy định về thời gian bán bia rượu còn nhiều ý kiến tranh luận. Ảnh: HTD
Lập quy hoạch đã khó khăn, xử lý thực tiễn các điểm bán lẻ rượu không giấy phép còn khó hơn. Hầu hết cửa hàng dịch vụ ăn uống có đăng ký kinh doanh đến gánh hột vịt lộn vỉa hè hiện đều có bán rượu. Gánh hột vịt lộn vỉa hè đâu có giấy phép bán lẻ rượu, thế nhưng cơ quan quản lý xử phạt còn không xong.
“Vì thế, trước tiên phải quản chặt giấy phép bán lẻ rượu. Ai không có giấy phép thì không được bán rượu, vi phạm sẽ bị chế tài thật nặng. Nếu chưa quản lý ổn thỏa giấy phép này thì chưa nên đặt thêm các điều kiện kinh doanh rượu, giới hạn đối tượng, thời gian mua bán rượu… Bởi điều đó sẽ mang nặng tính hình thức chứ không khả thi” - vị cán bộ trên nói.
Ai xử phạt ngoài giờ?
TP.HCM hiện có đoàn kiểm tra liên ngành thực hiện việc kiểm tra, xử lý vi phạm trong các lĩnh vực nhạy cảm như nhà hàng, karaoke, bar… Việc kiểm tra, xử lý này khá đặc thù và đoàn thường xuyên phải làm việc từ đêm đến sáng với cường độ rất căng thẳng.
Theo một cán bộ quản lý văn hóa, hiện có một số điểm chỉ đăng ký kinh doanh dịch vụ ăn uống nhưng có dựng thêm sân khấu tự hát với nhau, thu hút rất đông khách sau 24 giờ (do không thuộc diện phải đóng cửa sau 24 giờ như karaoke hay vũ trường). Các điểm kinh doanh này ngụy trang việc kinh doanh rượu rất khéo, thậm chí có cả hầm hai lớp cửa để giấu rượu nhằm tránh bị kiểm tra.
“Do luôn phải đối đầu với những điểm kinh doanh nhạy cảm như vậy nên các thành viên của đoàn liên ngành thường bị đe dọa hành hung. Nay nếu giao thêm việc kiểm soát giờ giấc bán rượu bia thì chúng tôi làm không xuể và cũng không đủ lực lượng. Vì thế, nếu quy định cấm bán rượu từ 22 giờ đến 6 giờ sáng thì nhất thiết phải thành lập thêm lực lượng làm việc ngoài giờ, hoạt động tương tự như đoàn kiểm tra liên ngành” - một thành viên đoàn kiểm tra liên ngành của TP cho hay.
Cũng theo vị này, việc mỗi tỉnh, TP phải lập thêm đoàn kiểm tra liên ngành cần phải tính toán thật kỹ vì sẽ kéo theo nhiều vấn đề về kinh phí, nhân sự… “Còn sử dụng lực lượng dân phòng, cán bộ phường, xã cũng không ổn bởi nhân sự mỏng, không có chuyên môn, chưa kể có thể nảy sinh tiêu cực trong khi thi hành” - vị này cho hay.
QUỲNH NHƯ
Có căn cứ để cấm bán rượu theo thời gian Theo Nghị định 59/2006, có bảy loại hàng hóa bị hạn chế kinh doanh là súng đạn, chất phóng xạ, vật liệu nổ, hóa chất, động thực vật hoang dã, thuốc lá và rượu. Dịch vụ bị hạn chế có karaoke và vũ trường. Có 15 loại hàng hóa thuộc diện kinh doanh có điều kiện như vàng, phân bón, vật liệu xây dựng… và 46 dịch vụ kinh doanh có điều kiện. Việc kinh doanh hàng hóa, dịch vụ “có điều kiện” có thể bị ràng buộc bởi quy hoạch của ngành, của địa phương. Ngặt nghèo hơn, nhóm “hạn chế kinh doanh” còn bị ràng buộc bởi quy hoạch lẫn “phạm vi, quy mô, thời gian, địa điểm kinh doanh, số lượng” và còn phải phù hợp “yêu cầu quản lý đặc thù”. Như vậy, việc đặt ra quy định hạn chế kinh doanh rượu về thời gian, lượng rượu bán ra có căn cứ pháp lý. Vấn đề là cơ quan quản lý sẽ làm như thế nào mà thôi. __________________________________ Suýt ở tù vì một can rượu Có nhiều ý kiến cho rằng việc cấm bán rượu bia từ sau 22 giờ sẽ rất khó khả thi. Tuy nhiên, thực tế cho thấy rất nhiều nước trên thế giới đã làm tốt điều này. Vấn đề cốt yếu là chúng ta có kiên quyết thực hiện hay không thôi. Tôi xin kể câu chuyện xảy ra trên đất nước Iraq mà tôi là người trong cuộc. Hai năm sống và làm việc tại Iraq, đến giờ tôi vẫn nhẩm được mình đã uống bao nhiêu chai bia Tigits. Nước bạn quản lý rượu bia cực kỳ chặt chẽ và anh em lao động Việt Nam luôn phải vất vả tìm cách “bẻ chìa” trong những ngày lễ lớn. Và khốn khổ là tôi thường được anh em giao thực hiện “sứ mệnh” khó khăn đó. Đầu năm 1989, tôi từ Misiraq xách một can “dầu ăn” lên xe về làng Badush (nơi có nhiều lao động Việt Nam ở). Dù tôi đã hòa phẩm màu vào rượu trắng để có màu như dầu ăn nhưng không qua được mắt người tài xế xe buýt. Và chỉ mấy phút trước khi xe lăn bánh, một chiếc xe cảnh sát trờ tới “đón” tôi về đồn. Ở đây, viên cảnh sát chỉ hỏi tôi một câu duy nhất: “Ông mua rượu này ở đâu? Khai rõ thì được thả, nếu không trong vòng 48 giờ sẽ bị trục xuất!”. Khi tôi nói không hề mua mà tự nấu, cảnh sát nhất định không tin vì trên đất nước Iraq cực khó để tìm ra men và các thành phần khác để ủ rượu. Tôi phải nêu ra công thức: 5 kg đường, 5 kg cà chua tươi, 100 g bột làm nở bột mì của Pháp hòa với nhau vào nước ấm, ủ trong năm ngày sẽ nấu được từng ấy rượu. Mẫu rượu tức thì được cảnh sát đem đi xét nghiệm và phải đến xế chiều tôi mới được thả ra sau khi đã ký biên bản nếu tái phạm sẽ bị ngồi tù theo luật định. Nếu bạn rơi vào tình cảnh đó, liệu lần sau bạn còn dám mua hay nấu rượu để uống không. Qua câu chuyện trên, tôi muốn nhấn mạnh tới trách nhiệm tuân thủ luật pháp của người dân Iraq. Khi lệnh cấm uống rượu được ban hành, cả người dân lẫn chính quyền đều thực thi triệt để. Đó là điều chúng ta cần suy ngẫm. KIÊM HẠ |