Bộ Y tế nêu lý do thuyết phục việc cấm bán rượu sau 22 giờ

Dự thảo Luật Phòng, chống lạm dụng đồ uống có cồn là vấn đề được quan tâm nhiều nhất tại buổi gặp mặt báo chí chiều 23-7 do Bộ Y tế tổ chức.

Theo Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế, thực tiễn các nước cho thấy việc cấm bán rượu bia từ 22 giờ không làm giảm lượng khách du lịch. Ảnh: HTD 

Không ảnh hưởng du lịch

. Nhiều PV: Bộ Y tế có nghĩ đến tính khả thi khi xây dựng dự thảo luật này?

+ Bà Trần Thị Trang, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế: Bất kỳ quy định nào đưa ra từ giai đoạn soạn thảo luôn tính đến tính khả thi. Đối với nhóm quy định điều chỉnh những thói quen, hành vi xã hội đã ăn sâu vào tiềm thức của người dân thì đúng là không dễ thực hiện. Đây là nhóm quan hệ xã hội pháp luật khó điều chỉnh nhất, vì vậy cần thời gian tương đối dài hơn so với các nhóm quy phạm khác.

. Pháp Luật TP.HCM: Nghị định 94/2012 có quy định cứ 1.000 dân mới được cấp một giấy phép bán rượu. Nếu không siết chặt việc cấp giấy phép này thì việc cấm bán rượu bia theo giờ chỉ mới giải quyết phần ngọn của vấn đề…

+ Quy định do Bộ Y tế đề xuất chỉ là một trong những biện pháp nhằm phòng, chống lạm dụng rượu bia. Đây không phải là biện pháp duy nhất nên chưa thể đánh giá ngay là hiệu quả hay không hiệu quả. Chúng ta phải tổng hòa nhiều biện pháp thì mới có thể đạt được mục tiêu.

. Điện tử Tổ Quốc: Khi đưa ra dự thảo này, Bộ Y tế có lo ngại sẽ ảnh hưởng tới lượng khách quốc tế đến Việt Nam?

+ Chúng tôi chưa nhận được thông tin từ bất kỳ quốc gia nào tham gia chính sách kiểm soát đồ uống có cồn của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) nói rằng cấm bán rượu làm giảm lượng khách du lịch.

Thực tiễn từ các nước cũng cho thấy việc cấm bán rượu bia từ 22 giờ đến 6 giờ sáng hôm sau không làm giảm lượng khách du lịch đến quốc gia đó. Kinh nghiệm của Thái Lan hay Singapore (những quốc gia kinh doanh du lịch nổi tiếng) là ví dụ cụ thể.

Thời gian tới chúng tôi sẽ có khảo sát tại một số địa điểm du lịch, xem thói quen của du khách ở những địa điểm này như thế nào để đánh giá tác động của dự thảo trước khi trình Chính phủ.

Sẽ không xử phạt dàn trải

. Pháp Luật TP.HCM: Nếu cấm bán rượu bia sau 22 giờ thì nhất thiết phải có lực lượng xử phạt làm việc ngoài giờ. Bộ Y tế có tính tới điều này?

+ Bất cứ quy định nào khi đưa ra đều có hình thức xử phạt kèm theo. Tuy nhiên, các cơ quan chức năng không phải cứ nhăm nhe tìm cơ sở vi phạm để xử phạt. Khâu quan trọng nhất vẫn là tuyên truyền để các cơ sở sản xuất, kinh doanh tự giác thực hiện.

Theo dự kiến, lực lượng chức năng sẽ tiến hành kiểm tra định kỳ, kiểm tra theo kế hoạch hoặc kiểm tra đột xuất các cơ sở kinh doanh rượu bia. Trong sáu tháng đến một năm đầu, cơ quan chức năng sẽ kết hợp vừa thanh tra vừa phổ biến, nhắc nhở các hàng quán. Khi đã tuyên truyền mà họ vẫn vi phạm thì mới xử phạt nghiêm.

Tôi cũng xin nói thêm là việc kiểm tra, xử phạt sẽ không làm dàn trải. Thay vào đó, lực lượng chức năng chỉ tập trung xử phạt thật nặng một vài cơ sở vi phạm nghiêm trọng, thậm chí rút giấy phép và đưa thông tin lên báo để làm gương cho các cơ sở khác. Vấn đề khó khăn ở đây là cần thời gian để người dân, cơ sở kinh doanh chuẩn bị thực hiện.

. Những trường hợp người mua rượu bia trước 22 giờ sau đó uống tới khuya thì có bị xử lý không?

+ Về địa điểm cấm uống rượu bia thì mỗi nước quy định khác nhau. Có nước cấm uống tại khu vực công cộng như công viên, bến tàu, xe; có nước cấm tại nhà hàng, bar, karaoke... Bộ Y tế sẽ nghiên cứu cụ thể vấn đề này để khi đề xuất có tính khả thi nhất.

Tại những điểm cấm bán rượu bia sau 22 giờ, người mua cũng sẽ không được tiếp tục uống. Nếu khách hàng vẫn tiếp tục được uống thì vô hình trung quy định này chỉ nửa vời.

. Tuổi Trẻ: Làm thế nào để kiểm soát được tình trạng các hàng quán bán rượu bia cho người dưới 18 tuổi?

+ Hầu hết các quốc gia đều có quy định cấm bán rượu bia cho người dưới 18 tuổi để bảo vệ sức khỏe, sự phát triển toàn diện của trẻ. Khách hàng khi mua sẽ phải trình căn cước hay chứng minh nhân dân, trẻ đi một mình không bao giờ được mua rượu bia.

Áp dụng vào thực tế nước ta thì đúng là quy định này khó triển khai. Bởi nếu là trẻ nhỏ thì còn dễ chứ những người 16-17 tuổi thì hơi khó nhận biết. Điều này trông chờ vào ý thức trách nhiệm của người kinh doanh.

 

168 quốc gia quy định thời gian cấm bán rượu

Hiện có 168 quốc gia, trong đó có chín quốc gia ASEAN có quy định thời gian cấm bán rượu bia. Đa số là từ 20 giờ (hoặc 22 giờ) đến 8 giờ (hoặc 18 giờ) ngày hôm sau. Khảo sát cho thấy sau một thời gian thực hiện thì hầu hết người dân đều dần chấp hành quy định; tỉ lệ sử dụng rượu bia có xu hướng giảm xuống.

***

Họ đã nói

Mọi thông tin, phản ánh của cơ quan báo chí, bình luận của người dân… trong thời gian qua đều được chúng tôi tiếp thu, nghiên cứu. Chúng tôi sẽ có phân tích đánh giá ở từng góc độ, phù hợp ở điểm nào, chưa phù hợp ở điểm nào. Việc đưa dự thảo ra lấy ý kiến là nhằm đảm bảo tính khách quan, thể hiện thiện chí của Bộ Y tế.

Bà TRẦN THỊ TRANG, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế

HUY HÀ

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm