Theo đó, để tránh tình trạng ùn tắc giao thông khu vực các trạm thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ trên các quốc lộ và đảm bảo điều kiện lưu thông thông suốt của người dân, đặc biệt trong dịp trước, trong và sau Tết nguyên đán Mậu Tuất 2018, Tổng cục Đường bộ Việt Nam giao các đơn vị trên rà soát hiện trạng biển báo tại các cửa trạm thu giá để tổ chức giao thông theo hướng lắp đặt biển số P.131 “Cấm đỗ xe” phía trước trạm thu giá khoảng 100-200 m (tùy theo điều kiện cụ thể để xác định khoảng cách đặt cho phù hợp).
Lắp đặt biển “Cấm dừng xe quá 5 phút” (biển viết bằng chữ, nền biển màu đỏ, chữ viết màu trắng) cách cabin thu giá khoảng 50 m. Biển được lắp đặt trên dải phân cách giữa và trên cột cần vươn phía bên phải chiều xe chạy. Lắp biển báo hết lệnh cấm phía sau trạm thu giá khoảng 100-200 m.
Căn cứ điều kiện thực tiễn và theo các quy định hiện hành, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đề nghị các nhà đầu tư BOT, VEC và VIDIFI chủ trì, phối hợp với các Cục Quản lý đường bộ và các cơ quan, đơn vị liên quan để chủ động, kịp thời điều chỉnh cho phù hợp đảm bảo giao thông qua trạm thu phí an toàn, thông suốt.
Trước đó, trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, lãnh đạo Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết: “Đối với những xe trả tiền lẻ lâu quá 5 phút sẽ được chủ đầu tư mời ra vị trí khác để thu phí. Xe nào cố tình tắt máy hoặc hư hỏng sẽ được lực lượng chức năng cẩu đi… Những biển cấm này này đều phù hợp với Luật Giao thông đường bộ…”.
Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho rằng nếu người dân thắc mắc và bức xúc về mức phí thì nên gửi văn bản đến cơ quan chức năng có thẩm quyền. “Chúng tôi hứa những kiến nghị của người dân sẽ được giải quyết kịp thời. Tài xế không nên phản ứng bằng cách đưa xe ra để cản trở gây khó khăn cho các phương tiện khác, hành động này là khó chấp nhận”.
Theo tìm hiểu của Tổng cục Đường bộ Việt Nam, lưu lượng xe qua lại rất lớn nhưng số lượng tài xế phản ứng rất nhỏ. “Các trạm như BOT Đồng Nai, Cần Thơ… chỉ có 3-4 xe phản ứng. Ví dụ, trạm BOT Cai Lậy có 14 xe phản ứng, trên 26.000 xe/ngay/đêm thì không thể nói những ý kiến của họ là đại diện cho người dân được…” - vị lãnh đạo Tổng cục Đường bộ Việt Nam khẳng định.
Vị này cho biết việc đầu tư BOT được triển khai trong điều kiện hạ tầng kỹ thuật giao thông xuống cấp, ngân sách eo hẹp, phải siết giảm chi đầu tư công để ổn định kinh tế vĩ mô. Trước tình hình cấp bách ấy, Ban Chấp hành Trung ương Đảng ra Nghị quyết 13, rồi Chính phủ ban hành Nghị định 108 cho phép mở rộng, nâng cấp quốc lộ 1, đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên bằng hình thức kết hợp cả đầu tư bằng ngân sách và BOT. Đây chính là cơ sở chính trị, pháp lý cho việc triển khai các dự án BOT. “Nên cần tuyên truyền cho người dân hiểu và chia sẻ” - vị này khẳng định.