Nghị định (NĐ) 47/2022 sửa đổi, bổ sung một số điều NĐ 10/2020 quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải (KDVT) bằng ô tô có hiệu lực từ ngày 1-9.
Quy định mới cho sử dụng ô tô cải tạo
Đáng chú ý, NĐ 47 quy định các mẫu xe từ 10 chỗ trở lên không được phép cải tạo thành các mẫu ô tô dưới 10 chỗ (bao gồm cả ghế của tài xế) để KDVT hành khách. Không sử dụng ô tô kiểu dáng tương tự xe từ chín chỗ (kể cả ghế của tài xế) trở lên để KDVT hành khách bằng taxi.
|
Nghị định 47 cũng đã có quy định không hồi tố đối với các xe đã cải tạo trước đó. |
Trước đây, NĐ 10/2020 quy định taxi phải có sức chứa dưới chín chỗ (kể cả ghế người lái) và có niên hạn sử dụng không quá 12 năm (tính từ năm sản xuất); không sử dụng xe cải tạo từ xe có sức chứa từ chín chỗ trở lên thành ô tô dưới chín chỗ (kể cả ghế người lái) hoặc xe có kích thước, kiểu dáng tương tự xe từ chín chỗ trở lên để KDVT hành khách bằng taxi.
Do đó theo NĐ 47, từ ngày 1-9, cơ sở KDVT không được sử dụng xe cải tạo từ xe có sức chứa từ chín chỗ trở lên thành ô tô dưới chín chỗ làm taxi. Riêng đối với ô tô cải tạo từ xe có sức chứa từ 10 chỗ trở lên thành ô tô dưới 10 chỗ (kể cả ghế người lái) đã được cấp phù hiệu, biển hiệu trước ngày NĐ này có hiệu lực thì tiếp tục được sử dụng để KDVT hành khách đến hết niên hạn sử dụng theo quy định tại NĐ này.
Hiểu đúng việc cấm cải tạo xe từ 10 chỗ trở lên
Liên quan đến việc người dân hiểu nhầm cấm xe limousine hoạt động được quy định tại NĐ 47, đại diện Bộ GTVT cho biết Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể vừa báo cáo Thủ tướng.
Theo đó, Bộ GTVT khẳng định nội dung quy định cấm cải tạo xe từ 10 chỗ trở lên thành xe từ 10 chỗ trở xuống để KDVT tại NĐ 47 không ảnh hưởng đến hoạt động KDVT (kể cả các loại xe limousine, dcar) do các xe này đều có sức chứa từ 10 chỗ trở lên. Hơn nữa, NĐ 47 cũng đã có quy định không hồi tố đối với các xe đã cải tạo trước đó. Cạnh đó, NĐ không cấm việc cải tạo xe có sức chứa từ 10 chỗ trở lên thành ô tô dưới 10 chỗ để phục vụ vận chuyển nội bộ hoặc phục vụ nhu cầu cá nhân.
Bộ GTVT cho rằng quy định này nhằm ngăn ngừa việc cải tạo xe từ xe có sức chứa 16 chỗ thành xe dưới chín chỗ để kinh doanh taxi.
Tuy nhiên, Bộ GTVT cho rằng quy định này nhằm ngăn ngừa việc cải tạo xe từ xe có sức chứa 16 chỗ thành xe dưới chín chỗ để kinh doanh taxi. Trong khi đó “xác” xe này có chiều rộng cơ sở lớn, dẫn đến chiếm dụng diện tích mặt đường, nhất là tại nội thành các TP lớn, làm tăng ùn tắc giao thông.
Trên cơ sở ý kiến của các bộ Công an, Tư pháp và tình hình thực tế, cũng như đánh giá tác động, Bộ GTVT kiến nghị Thủ tướng cho phép thực hiện quy định trên để thực hiện trong vòng sáu tháng đến một năm. Sau thời gian này sẽ sơ kết, đánh giá lại. “Nếu chính sách có tác động tốt cho công tác tổ chức giao thông tại đô thị lớn, mà ảnh hưởng ít đến hoạt động kinh doanh của đơn vị vận tải thì tiếp tục cho thực hiện. Nếu tác động lớn và không tốt đến đơn vị KDVT và người dân thì cho sửa đổi, điều chỉnh” - Bộ GTVT kiến nghị.
Theo tìm hiểu của PV, thực tế đa số xe limousine đều 16 chỗ và nếu cải tạo xe này về dưới 10 chỗ sẽ không được cơ quan đăng kiểm chấp thuận. Vì trái với Thông tư 85/2014 của Bộ GTVT là xe khách có từ 10 chỗ trở lên không được hoán cải về xe con.
Ngoài những nguyên nhân Bộ GTVT đưa ra, một chuyên gia giao thông cũng khẳng định quy định trên được đưa ra vì thời gian qua một số xe khách hoán cải thành xe con để dễ tuyển tài xế bởi xe dưới 10 chỗ chỉ cần bằng B2. Như vậy là rủi ro cho hành khách, vì số ghế thay đổi nhưng “xác xe” vẫn không đổi.•
Doanh nghiệp tuân thủ quy định
Trao đổi với PV, một doanh nghiệp chuyên cải tạo xe tại TP.HCM cho biết đối với các dòng xe hoán cải đại trà tại Việt Nam, chủ yếu là Ford Transit và Hyundai Solita, từ 16 chỗ hoán cải thành chín, 12 chỗ. Xét về tính năng an toàn, vị này cũng cho biết khi đăng ký cải tạo thì tất cả dòng xe đều phải qua khâu kiểm tra của Cục Đăng kiểm Việt Nam, nếu đạt chuẩn mới cho phép lưu thông, lưu hành trên thị trường và tham gia giao thông.
Ông Lê Trung Tính, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô TP.HCM, cho biết loại hình vận chuyển mới xe limousine đã cung ứng cho người dân một loại hình vận tải mới và cao cấp để chọn lựa, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người dân trong việc đi lại. Đặc điểm nổi bật nhất của các mẫu xe limousine đưa vào phục vụ hành khách không chỉ là những xe có kích thước kéo dài hơn những loại xe du lịch thông thường, mà còn được thiết kế sang trọng với chất lượng được nâng cao và trang thiết bị nội thất nổi bật.
“Số ghế được rút xuống còn khá ít, như loại 40-50 chỗ cải tạo chỉ còn chừng 20-30 chỗ hoặc loại 12-16 chỗ chỉ còn 9-10 chỗ… tạo một không gian rộng, thoáng mát cho hành khách nghỉ ngơi. Xe còn có các chế độ massage cho hành khách” - ông Tính cho hay.
Cũng theo vị chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô, chỉ riêng TP.HCM đi Vũng Tàu hằng ngày đã có năm hãng với thời gian phục vụ liên tục. Hoặc trên tuyến TP.HCM - Đà Lạt hiện nay cũng đã có đến 10 thương hiệu limousine chuyên phục vụ hành khách. “Khách quan mà nhận xét, loại hình vận chuyển mới xe limousine đã cung ứng cho người dân một loại hình vận tải mới và cao cấp để chọn lựa, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người dân trong việc đi lại. Tuy nhiên, nếu NĐ 47 đã quy định thì các DN cũng sẽ thực hiện theo đúng luật định” - ông Tính cho hay.