Ông Nguyễn Lập, Chủ tịch UBND TP Vũng Tàu, cho biết: "TP đã lên phương án, kế hoạch dự kiến di dời khoảng 16.500 hộ dân tại các khu vực trọng yếu nếu bão có khả năng ảnh hưởng lớn đến riêng địa bàn TP.
Đối với các nhà dân mái không đảm bảo, hoàn cảnh khó khăn, lực lượng của phường sẽ xuống hỗ trợ trực tiếp để chằng chống. UBND thành phố yêu cầu các hộ dân nằm trong diện di dời phải tuân thủ lệnh di dời. Nếu hộ nào không thực hiện di dời sẽ phải cưỡng chế, đặc biệt là các hộ dân làm nghề đăng đáy trên biển."
Kiểm tra phòng chống, bão số 16 tại TP. Vũng Tàu-ảnh: TK
Lực lượng các phòng ban, phường huy động tham gia phòng, chống bão của TP Vũng Tàu là 17.265 người cùng 64 loại phương tiện… Riêng tại các khu vực có biển, khách du lịch tập trung đông như Bãi Trước, Bãi Sau, phường và TP, Ban quản lý các KDL đã xuống trực tiếp kiểm tra, nhắc nhở và triển khai công tác phòng, chống bão.
Từ ngày 24-12 đến 26-12 các cơ sở kinh doanh lưu trú, KDL trên địa bàn không nhận thêm khách nghỉ lại vui chơi, tắm biển. Đối với các cơ sở kinh doanh lưu trú đã nhận khách không thể trả khách do đặt trước thì có phương án đảm bảo an toàn cho khách. TP Vũng Tàu sẽ thực hiện lệnh cấm du khách xuống tắm biển từ sáng 25-12, hạn chế đi tập thể dục sáng và tập trung vui chơi đông người. Các cơ sở kinh doanh dịch vụ phao dù, ghế bố, ăn uống sát biển cũng đã được lệnh chuyển đồ đạc lên bờ, chằng chống lại mái…
Sáng 24-12 vẫn có du khách tắm biển Vũng Tàu nhưng sẽ bị cấm từ sáng 25-12
Số lượng tàu thuyền đang neo đậu tại kênh Bến Đình là 1.390 tàu. Do lượng tàu thuyền tập trung quá đông ở đây trong khi khu neo đậu tránh trú bão sông Dinh lại quá vắng nên TP Vũng Tàu kiến nghị tỉnh cử lực lượng hướng dẫn, vận động cho ghe, tàu vào neo đậu ở khu vực sông Dinh.
Riêng huyện Côn Đảo được dự kiến bão số 16 sẽ gây ảnh hưởng trực tiếp, ngay từ chiều 23-12, huyện đã tiến hành kế hoạch di dời dân, đưa tàu thuyền vào nơi trú tránh an toàn. Sáng 24-12, UBND huyện Côn Đảo đã có công văn hoả tốc gửi các phòng, ban chỉ đạo việc ứng phó khẩn với cơn bão số 16 tại huyện Côn Đảo.
Theo đó, huyện giao Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn huyện chủ động phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan, trưởng 10 khu dân cư tổ chức di dời dân cư tại những khu vực nguy hiểm, vùng trũng thấp, những người dân đang ở trên các lồng bè nuôi trồng thuỷ sản và trong các khu rừng đến nơi an toàn.
Từ 8 giờ sáng 25-12, chợ Côn Đảo sẽ tạm ngừng họp chợ; các trường học trên địa bàn sẽ cho học sinh nghỉ học cho đến khi cơn bão đi qua và có thông báo đi học trở lại. Đồn Biên phòng Côn Đảo cùng Ban Quản lý cảng Bến Đầm sắp xếp các tàu neo đậu an toàn, đảm bảo ANTT tại bến neo đậu, thông báo cho các tàu thuyền vào tránh trú bão tại Côn Đảo, tuyệt đối không để người dân ở lại trên tàu.
Ban Quản lý KDL Vườn quốc gia Côn Đảo cũng đã thông báo cho các cơ sở du lịch và khách du lịch đang ở Côn Đảo biết thông tin diễn biến của bão, có biện pháp chủ động phòng tránh, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho du khách. Di dời những hộ dân đang sinh sống trong những lán trại, nhà ở trong Vườn quốc gia đến nơi an toàn.
Ngoài các địa phương, các đơn vị quốc phòng cũng đã có phương án trực chiến và phòng chống bão số 16 tại đơn vị, sẵn sàng tham gia cứu hộ cứu nạn trên biển. Các kỹ sư đang hoạt động trên các công trình dầu khí ngoài biển cũng đã được trực thăng đón về tránh bão trong điều kiện thời tiết rất xấu. Nhiều hoạt động thăm dò, khai thác, vận chuyển, bảo dưỡng… mỏ cũng đã được tạm dừng để đảm bảo an toàn. Riêng tại khu vực nhà giàn DK1 thời tiết xấu, sóng, gió cấp 8. Các tàu trực cũng đã được lệnh vào nơi tránh trú bão an toàn.