Thông tin từ cổng thông tin điện tử tỉnh Cà Mau cho biết đến 14 giờ chiều 23-12, Cà Mau tiếp tục kêu gọi các tàu đang hoạt động trên biển nhanh chóng vào bở, chủ động thoát khỏi khu vực nguy hiểm do bão Tembin (bão số 16) gây ra trên khu vực biển Đông.
Theo Bộ Chỉ huy Biên phòng tỉnh Cà Mau, trên địa bàn tỉnh hiện có 2.522 tàu neo đậu tại bến, còn 943tàu/7.813 lao động đang hoạt động trên biển. Trong đó, hoạt động xa bờ 394 tàu/4.452 lao động. Bộ đội Biên phòng tỉnh đã liên lạc với các tàu trên biển, tiếp tục kêu gọi các tàu vào bờ, chủ động thoát khỏi khu vực nguy hiểm.
Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Cà Mau yêu cầu chính quyền, Ban chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các huyện và TP Cà Mau vận động nhân dân chằng chống nhà ở và có kế hoạch di dời dân ở vùng nguy hiểm nhất là cửa biển, cửa sông lớn đến nơi trú, tránh bão an toàn; tiếp tục duy trì các công việc đã triển khai ứng phó với bão…
Tại Bạc Liêu, đến thời điểm chiều 23-12 có 291 tàu thuyền hoạt động xa bờ với 2.265 người còn hoạt động trên biển. Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu chỉ đạo Ban chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn phối hợp với các ngành chức năng, các địa phương có các phương án ứng phó với bão. Cùng với đó là thông báo tình hình bão để nhân dân chủ động ứng phó và có phương án di dân, chằng chống nhà cửa, nâng cấp bờ bao bảo vệ sản xuất, nhất là đối với các vùng ven biển.
- Chiều 23-12, ông Trần Trung Hiền, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Trà Vinh cho biết sáng cùng ngày Ban chỉ huy Phòng, chống lụt bão tỉnh Trà Vinh đã họp yêu cầu các địa phương nhanh chóng bắt tay vào công tác ứng phó với bão số 16.
Trà Vinh đã cho kiểm đếm, hướng dẫn tổng cộng 1.216 phương tiện vào nơi trú ẩn an toàn. Còn 16 tàu đang đánh bắt gần bờ và địa phương cũng đang liên lạc kêu gọi các phương tiện nhanh chóng trở vào bờ.
Tỉnh giao các địa phương rà soát lại những nơi phải di dời dân khẩn cấp, ở những vùng không an toàn. Trong chiều nay các địa phương phải báo cáo số lượng cụ thể bao nhiêu dân phải di dời và di dời về địa điểm nào cụ thể chứ không nói chung chung nữa.
ĐBSCL chưa có nhiều kinh nghiệm ứng phó với bão nên dân chủ quan. Vì thế địa phương sẽ tích cực tuyên truyền hướng dẫn người dân chằng chống nhà cửa, chủ động ứng phó với bão. Bên cạnh đó, diện tích lúa thu đông của tỉnh hiện tại đã được thu hoạch gần hết, không còn nhiều, tỉnh cũng sẽ tập trung hướng dẫn, hỗ trợ dân thu hoạch, tránh thiệt hại. Còn đối với các hồ thủy sản ở những nơi không an toàn cũng phải hướng dẫn dân sẵn sàng ứng phó. Nếu được thì thu hoạch ngay, nếu không thì phải gia cố chắc chắn.
“Trên cơ bản các địa phương chiều nay sẽ đồng loạt triển khai, bung lực lượng, chủ động thực hiện đến chiều mai phải hoàn tất hết các bước chuẩn bị ứng phó” - ông Hiền nói.