Mới đây, các hộ kinh doanh dịch vụ du lịch tại khu vực bãi biển Dinh Cô, thị trấn Long Hải, huyện Long Điền, Bà Rịa-Vũng Tàu nhận được thông tin: UBND huyện cấm kinh doanh thuê phao, dù, ghế bố, hàng rong trên bãi biển, khu vực bãi bồi. Trong tháng 9, các hộ sẽ phải tháo dỡ, di dời toàn bộ đồ đang để trên bãi biển, nếu không sẽ bị cưỡng chế.
Chỉ còn một doanh nghiệp tồn tại?
Theo báo cáo của UBND huyện Long Điền, khu vực từ Dinh Cô đến Mộ Cô có một số công ty và cơ sở tư nhân đang kinh doanh dịch vụ du lịch. Trong đó, một số đơn vị và cá nhân kinh doanh rạp, bàn ghế, phao, dù trên bãi biển, đất bãi bồi do Nhà nước quản lý.
Thời gian qua, các ngành chức năng của huyện và thị trấn Long Hải thường xuyên làm việc với các hộ kinh doanh bàn, ghế, phao, dù dọc bãi biển. Đồng thời yêu cầu các hộ thực hiện theo đúng cam kết đã ký, không được tổ chức nấu nướng, ăn uống, xả rác trên bãi biển. Tuy vậy, tình trạng này vẫn liên tục diễn ra.
Do vậy, huyện Long Điền có kế hoạch không cho tổ chức kinh doanh thuê phao, dù, ghế bố, hàng rong trên bãi biển, khu vực bãi bồi để đảm bảo tình hình trật tự, vệ sinh môi trường…
Bà Nguyễn Thị Hạnh, Công ty TNHH Hạnh Thương - Long Hải, cho biết gia đình bà bắt đầu kinh doanh dịch vụ tại bãi biển này từ năm 1986. Năm 2002-2004, huyện thu hồi đất để xây bờ kè biển và nói tạo điều kiện cho gia đình kinh doanh lâu dài phía bãi bồi.
“Để việc kinh doanh được lâu dài, bài bản, tôi lập công ty và xin lập dự án khu du lịch (KDL), thuê đất bãi bồi. Tháng 6-2019, UBND tỉnh có văn bản về việc này. Theo đó, tỉnh ủng hộ về chủ trương chúng tôi được đầu tư các dịch vụ tiện ích cho du khách, người dân tắm biển” - bà Hạnh nói.
Theo bà Hạnh, trong thời gian bà chờ hoàn tất thủ tục đầu tư thì nhận được thông tin huyện sẽ giải tỏa, không cho kinh doanh, không cho thuê đất bãi bồi, cũng không bố trí điểm kinh doanh mới.
Phần xây dựng trên bãi bồi của khu du lịch An Bình. Ảnh: HUY PHONG
Theo ghi nhận của PV trong tuần qua, hầu hết hộ kinh doanh đã di dời gần hết phần phao, dù, nhà bạt tại khu vực bãi bồi. Trên dọc tuyến biển này, chỉ còn phần kinh doanh của KDL An Bình vẫn tồn tại.
Do vậy, các hộ kinh doanh khác đều cho rằng có sự bất hợp lý khi người dân phải di dời, giải tỏa, còn riêng KDL An Bình của gia đình ông Lê Văn Sâm, nguyên Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu (nghỉ hưu năm 2015 - PV) thì không di dời. Đất này đã được Nhà nước cho gia đình ông Sâm thuê 50 năm (kể từ năm 2014).
Đại diện bãi tắm Biển Nhớ cho hay: “Chúng tôi kinh doanh ở đây từ rất lâu đời. Hiện chấp hành chủ trương của huyện, di dời phần dù, ghế ngoài bãi bồi. Tuy nhiên, KDL An Bình di dời đến đâu, chúng tôi sẽ di dời tới đó…”.
Đất được giao nên không thể giải tỏa
Trao đổi với PV, ông Trần Kim Phúc, Phó Chủ tịch UBND huyện Long Điền, cho hay: Trước đây việc kinh doanh dịch vụ tại bãi biển Long Hải, đoạn từ Mộ Cô đến Dinh Cô khá lộn xộn, gây mất mỹ quan. Do đó, từ năm 2016 huyện đã lên kế hoạch để chấn chỉnh nhưng được một thời gian ngắn, các hộ lại kinh doanh như cũ. “Nay huyện quyết tâm làm, tạo bộ mặt biển Long Hải thông thoáng, sạch đẹp như TP Vũng Tàu đã làm” - ông Phúc nói.
Theo ông Phúc, trường hợp của Doanh nghiệp Hạnh Thương huyện đã trả lời không đồng ý cho công ty này kinh doanh dưới bãi bồi để làm bãi tắm công cộng. Huyện sẽ cấm hẳn dịch vụ phao dù, ghế bố, rạp, ăn uống dưới biển. Để thay thế, huyện giao các phòng chuyên môn xây dựng kế hoạch tổ chức hình thức vui chơi, giải trí phù hợp. Huyện dự kiến xây dựng những chòi lớn để du khách ngồi nghỉ sau khi tắm biển, không phải dùng dịch vụ ghế, dù…
Ông Phúc thông tin: Sau khi có mặt bằng sạch, huyện tăng cường lực lượng kiểm tra, ngăn chặn hành vi tái lấn chiếm, thuê đơn vị dọn dẹp rác bãi biển…
Lý giải việc KDL An Bình không di dời, ông Phúc cho hay: “KDL An Bình đã được tỉnh cho thuê đất 50 năm để làm cơ sở lưu trú và bãi tắm công cộng. Nguồn gốc là đất bãi bồi, do Nhà nước quản lý. Hiện nay doanh nghiệp đã được cấp sổ đỏ. Họ kinh doanh, xây dựng trên phần đất được giao nên không thể giải tỏa”.
Ông Phúc cũng cho hay huyện có nhận được phản ánh của các hộ là KDL An Bình kinh doanh lấn ra ngoài so với ranh đất được giao và cho phòng chức năng đo vẽ lại để xử lý.
Trao đổi qua điện thoại với Pháp Luật TP.HCM, quản lý KDL An Bình khẳng định KDL kinh doanh trong phạm vi đất do Nhà nước cấp. “Để làm sáng tỏ thì có thể đề nghị cán bộ địa chính đo vẽ lại” - vị quản lý này nói.
Theo tìm hiểu, trước khi nghỉ hưu khoảng tám tháng (tháng 7-2015), ông Lê Văn Sâm khi đó là giám đốc Sở TN&MT tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã có tờ trình đề xuất UBND tỉnh thu hồi hơn 4.400 m2 (đợt 1) đất bãi bồi ven biển do thị trấn Long Hải quản lý, rồi giao cho DNTN Xăng dầu Bình Minh thuê để làm bãi tắm công cộng và cơ sở lưu trú nghỉ dưỡng An Bình. Thời gian thuê là 50 năm. Có được mặt bằng, người nhà ông Sâm đã xây dựng chuỗi nhà hàng, homestay, chòi nghỉ với các tiểu cảnh, có chỗ đổ bê tông, đá trên khu vực bãi bồi. Phần kinh doanh dịch vụ nhô hẳn ra mấy chục mét so với khu vực bờ kè biển… Đây là khu vực riêng của bãi tắm An Bình, không mang tính chất bãi tắm công cộng. Mới đây, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã có văn bản để chủ KDL trả tiền một lần cho suốt thời gian thuê còn lại. |