Cấm lợi dụng hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo để trục lợi

Báo cáo giải trình tại Quốc hội về Luật Tín ngưỡng, tôn giáo, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình cho hay nhiều đại biểu cho rằng các hành vi bị nghiêm cấm như dự thảo luật nêu còn chung chung và đề nghị ban soạn thảo tiếp tục nghiên cứu bổ sung các quy định cụ thể hơn, phù hợp với các trường hợp, lý do hạn chế quyền con người theo quy định của Hiến pháp.

Tiếp thu ý kiến đại biểu, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo bổ sung một số hành vi bị nghiêm cấm đặc thù trong lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo như: kỳ thị vì lý do tín ngưỡng, tôn giáo; lợi dụng hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo để trục lợi…

Ông Phan Thanh Bình, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội. Ảnh: CHÂN LUẬN

“Về cơ bản, các hành vi bị nghiêm cấm được quy định tại Điều 5 dự thảo luật đã bao quát nhiều nội dung, thống nhất với quy định của Hiến pháp 2013 về nguyên tắc hạn chế quyền con người, quyền công dân” - ông Bình báo cáo trước Quốc hội.

Nhiều đại biểu đề nghị dự thảo luật quy định cụ thể hơn về việc các tổ chức, cá nhân tôn giáo được tham gia vào các hoạt động giáo dục, y tế, bảo trợ xã hội, từ thiện nhân đạo để bảo đảm tính khả thi khi thực hiện.

Ông Bình cho biết: “Thực tế các tổ chức tôn giáo đã và đang tham gia nhiều hoạt động xã hội, có nhiều đóng góp cho cộng đồng, xã hội, nhất là trong các lĩnh vực giáo dục, y tế, bảo trợ xã hội, từ thiện nhân đạo”.

Tuy vậy, để bảo đảm sự đồng bộ của hệ thống pháp luật, Luật Tín ngưỡng, tôn giáo chỉ quy định cụ thể về quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo; tổ chức, hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo.

“Đối với các hoạt động giáo dục, y tế, bảo trợ xã hội, từ thiện nhân đạo…, luật này chỉ quy định mang tính nguyên tắc; những vấn đề cụ thể về điều kiện, trình tự, thủ tục thực hiện được điều chỉnh bởi pháp luật chuyên ngành” - ông Bình nói.

Về quy định công nhận tư cách pháp nhân của tổ chức tôn giáo, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp thu ý kiến của các đại biểu, đã bổ sung và điều chỉnh một số quy định liên quan đến điều kiện công nhận tổ chức tôn giáo, điều lệ, tên gọi và trụ sở của tổ chức tôn giáo để phù hợp với tổ chức của một pháp nhân nhằm đảm bảo tính khả thi và thống nhất với BLDS.

Đây là vấn đề mới và dự luật giao Chính phủ quy định chi tiết về trình tự, thủ tục đăng ký pháp nhân đối với tổ chức tôn giáo trực thuộc.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới