Cảm phục chuyện tình 7 năm của cô gái suy thận và chàng trai kém 3 tuổi

Đó là câu chuyện tình yêu được ví như cổ tích giữa đời thường của anh Nguyễn Văn Vượng (34 tuổi, Phố Huế, Hà Nội) và chị Nguyễn Châu Loan (37 tuổi, Châu Sơn, Ba Vì). 
Sau 7 năm bên nhau, hai con người đầy nghị lực vượt lên số phận, sát cánh bên nhau chống lại căn bệnh suy thận giai đoạn cuối ấy đã có một đám cưới hạnh phúc trong mơ vào ngày 6-4-2014 trước sự chứng kiến đầy cảm phục và xúc động của hàng trăm người.
Cuộc gặp gỡ duyên phận của 2 con người nghị lực
Tốt nghiệp Đại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội, như mọi sinh viên ngoại tỉnh tự tin khác, dù sức khỏe yếu do bị bệnh huyết áp cao và sỏi thận, nhưng chị Nguyễn Châu Loan vẫn quyết bám trụ lại Hà Nội. Sau những ngày nỗ lực và năng nổ tìm việc, chị đã xin được vào làm kế toán cho một công ty thực phẩm tại Thủ đô. 
Chính những ngày tháng sức trẻ đang mải miết hăng say làm công việc ổn định này thì người phụ nữ 26 tuổi khi ấy bất ngờ nhận được tin dữ: bị suy thận giai đoạn cuối. 
2 năm nằm liệt giường với những tháng ngày điều trị bệnh suy thận, mọi dự định về bao hoài bão trước đó bỗng chốc đóng sập trước mặt chị nhưng nhờ có tình yêu của anh, chị lại yêu đời và vui tươi
“Đó là vào năm 2004, một hôm mình đang ở công ty làm việc bình thường thì cảm giác không thể thở được. Trước đó, nhiều ngày mình đã không ăn được, uống được vì cứ ăn vào là nôn ra và ho. Song mình chủ quan không đi khám. Hôm ấy vào viện cấp cứu, mình được chẩn đoán tràn dịch màng phổi và suy thận giai đoạn cấp rồi” - Chị Nguyễn Châu Loan nhớ lại ngày đầu phát hiện căn bệnh hiểm nghèo của mình.
Thời gian đầu, chị vẫn cố gắng vừa chạy thận vừa làm việc. Nhưng vì sức khỏe khi ấy quá yếu, chị gần như bị liệt không đi được nên cuối cùng chị đành phải xin nghỉ làm.
“Thời điểm này, mình bi quan lắm. Nhiều lúc đi lọc máu, đứng ở lan can bệnh viện, thực sự đã mấy lần mình muốn nhảy từ trên tầng xuống tự vẫn. Bởi vì mình biết, mình có thể ra đi bất cứ lúc nào. Gia đình mình thì ở tận Ba Vì. Nhà mình tuy có 5 anh chị em nhưng cũng nghèo lắm. Bố mẹ mình đều bị tai biến nên các anh chị ở trên nhà cũng bận rộn, rất ít khi xuống thăm mình được. Dù được bạn bè động viên, nhưng vì tủi thân và bệnh tật lại đã ở giai đoạn không thể cứu vãn được, nên đêm về, mình toàn khóc ướt gối. Nhiều lần mình muốn chết lắm. Nhưng rồi lại nghĩ, mình không phải sống vì mình mà phải sống vì những người thân trong gia đình” - Chị Loan nghẹn ngào kể về mấy năm đầu khi một mình chị phải chiến đấu với bệnh tật hiểm nghèo của bản thân.
Anh Nguyễn Văn Vượng (34 tuổi) và chị Nguyễn Châu Loan (37 tuổi). 
2 năm nằm liệt giường với những tháng ngày điều trị bệnh suy thận, mọi dự định về bao hoài bão trước đó bỗng chốc đóng sập trước mặt chị. Bất kể mùa đông hay mùa hè, trời giá rét hay mưa gió bão bùng, cứ 5 giờ sáng mỗi tuần 3 buổi chị một mình đi chạy thận: "Bi quan lắm, muốn chết lắm và vất vả nhọc nhằn lắm nhưng rồi mình vẫn phải sống và cố gắng không ngừng nghỉ".
Rồi khi bệnh tình đã ổn định và khỏe dần hơn, chị bắt đầu xin đi làm lại. Chị vào làm kế toán cho Trung tâm dạy nghề và đào tạo việc làm cho thanh thiếu niên khuyết tật Vì Ngày Mai (năm 2006) để kiếm sống và có tiền điều trị bệnh.
Chính tại nơi đây, 2 năm sau ngày chị vào Trung tâm dạy nghề này làm việc, chị đã gặp anh Vượng - một chàng trai Hà Nội bảnh trai và kém chị 3 tuổi. 
Cảm phục và thương người con gai một mình chạy chữa bệnh tật hiểm nghèo, anh Vương đã nguyện dành cả đời này chăm sóc chị Loan
“Những ngày đầu tiên gặp anh, dù 2 chị em khi ấy chỉ nói chuyện như những đồng nghiệp bình thường khác. Song mình luôn cảm giác rất quý chàng trai này. Mình nghĩ, một người đàn ông vừa đẹp trai, lại trai Hà Nội, lại nói chuyện hòa đồng như thế này chắc nhiều con gái theo lắm” - Chị Loan cười nhớ lại ngày đầu anh Vượng mới vào Trung tâm. 
Vì là đồng nghiệp của nhau, nên anh chị có nhiều thời gian và cơ hội tiếp xúc với nhau. Suốt mấy tháng liền, khi ở cơ quan, chị Loan vui với mọi người và công việc. Nhưng đêm về buồn, không có người thân bên cạnh, bạn bè thì đã lập gia đình hết nên người phụ nữ này chỉ biết nhắn tin cho “cu em” tâm sự. Cứ như vậy, qua những cuộc chuyện trò, chị Loan dần có tình cảm với anh Vượng. Nhưng chị chỉ dám thầm thương trộm nhớ mà không bao giờ dám thổ lộ với anh.
Còn với anh Vượng, ban đầu tình cảm của anh với chị cũng chỉ là tình chị em, đồng nghiệp bình thường. Nhưng hàng ngày ở bên chị, trò chuyện với chị, anh đã nhận ra mình yêu và thương người người phụ nữ bị bệnh hiểm nghèo này thật lòng.
“Mình khâm phục một phụ nữ một mình vừa đi làm vừa chạy thận như thế. Chưa kể, dù bệnh tật, nhưng Loan luôn cố gắng hoàn thành công việc đang làm. Đặc biệt, mình thấy Loan là người rất thẳng thắn, hòa đồng. Thế là chẳng hiểu tự bao giờ, mình tìm hiểu về căn bệnh này nên càng muốn quan tâm tới Loan nhiều hơn. Mình quyết tâm dành cuộc đời còn lại của mình cho Loan” - anh Vương thổ lộ.
Vì cảm mến người phụ nữ đầy nghị lực hơn mình 3 tuổi ấy mà đêm rằm Trung thu năm 2008, anh Vượng quyết định ngỏ lời cầu hôn với chị: “Hôm ấy đang vui Trung thu ở bên trong Trung tâm thì mình nhận được tin nhắn của anh. Anh bảo có chuyện muốn nói nên hẹn gặp mình ở bên ngoài chiếc hồ gần đó. Mình nhắn lại bảo không ra thì anh nói nếu không đến, anh sẽ chờ ở đó suốt đêm. Và cuối cùng mình phải ra hồ với anh. Gặp nhau, anh đã bảo muốn là người đàn ông ở bên cạnh để chăm sóc suốt đời cho mình. Thế rồi cả hai đứa mình đều ôm nhau khóc” - chị Loan kể.
Như mọi chiều, hôm nay anh Vương lại đi chợ nấu cơm
Khi biết anh chị yêu nhau, mẹ anh Vượng đã luôn phản đối mối tình này: “Nhà mình có 3 anh chị em và mình là con út. Song nhà chỉ có mỗi mình là con trai. Vì thế biết mình yêu chị, mẹ mình đã nhiều lần phản đối kịch liệt. Bà nói rằng, hai đứa chỉ được làm bạn với nhau thôi, không cho tiến tới hôn nhân” - Anh Vượng kể.
Gần 1 năm bị gia đình phải đối chuyện tình cảm, song anh Vượng vẫn không mảy may suy chuyển ý định gắn kết với người phụ nữ này. Anh càng chứng minh cho mẹ thấy anh muốn yêu người và ở bên chăm sóc cho chị suốt đời thế nào. Sau gần 1 năm, mẹ anh đã hiểu ra tình cảm của con trai mà đã không còn cấm cản tình yêu của anh chị nữa.
Sau đó, cuối năm 2008, anh chị đã dọn về sống chung với nhau. Hàng ngày, anh luôn tới chăm sóc và đưa chị đi viện. Lúc này dù muốn đăng ký kết hôn nhưng anh chị không thể làm điều này. Vì chị là hộ độc thân thì mới xin được bảo hiểm người nghèo ở địa phương mới có thể đi chữa bệnh.
Cùng bên nhau chống chọi căn bệnh hiểm nghèo suốt 7 năm
Suốt 7 năm bên nhau (từ năm 2008 đến nay), dù chưa đăng ký kết hôn nhưng không ngày nào là anh Vượng không ở bên chị. “Ngày nào anh cũng từ nhà anh ở phố Huế đến chỗ mình trọ ở Mỹ Đình để chăm sóc mình. Rồi tuần 3 buổi, anh đưa mình vào viện lọc máu. Sau đó, anh lại đi xe buýt về đi làm. Sau 4 năm một mình đối mặt với bệnh tật, giờ có thêm anh giúp sức, mình hạnh phúc vô cùng. Mình cũng rất thương anh nữa” - chị Loan thừa nhận.
Chị tâm sự thêm: “Mấy năm nay, căn bệnh quái ác suy thận giai đoạn cuối đã làm đôi chân mình không thể đứng vững và đã lấy đi hết sức lực của mình. Vì thế, anh chính là đôi chân đã đưa mình hàng ngày đi làm, chạy thận suốt gần chục năm nay”.



Rồi về nhà sơ chế và nấu nướng cho chị
Đặc biệt, do ảnh hưởng của quá trình điều trị bệnh thận, chị Loan còn bị  thoái hóa đốt sống cổ, sẹp đốt sống lưng vì thiếu can xi trầm trọng. Do đó, mọi sinh hoạt trong nhà, chị cũng phải trông chờ và dựa hết vào đôi bàn tay anh: “Mình không đi được, lại không được làm mạnh do xương rất giòn. Vì thế mọi sinh hoạt cá nhân hàng ngày, mình cũng rất ít khi lo nổi. Hầu hết, việc nấu ăn, dọn dẹp nhà cửa đến vệ sinh cá nhân, tắm giặt cho mình, anh đều làm tất”. 
“Sáng sáng, anh đưa mình đến chỗ làm việc rồi anh lại về đi làm. Chiều, anh lại đến đón mình về nhà và nấu cơm nước cho mình. Những ngày mình phải vào viện lọc máu, anh lại đưa mình đi. Cứ thế suốt 7 năm nay, anh đã gắn bó và ở bên mình như thế” - Chị Loan xúc động hạnh phúc kể.
Những vật dụng và tài sản có giá trị trong gian phòng nhỏ đang thuê trọ của cặp đôi này
Chia sẻ về đám cưới trong mơ của 2 người mới được tổ chức 3 ngày trước đây, chị Loan nói: “7 năm gắn bó với nhau, nhiều lúc mình cũng nói với anh mong một ngày được mặc áo cô dâu trong lễ cưới của mình. Song mình biết, điều này không thể thực hiện được. Mình không nghĩ rằng, có lúc ước nguyện lớn nhất trong đời mình lại trở thành hiện thực và đám cưới lại được tổ chức long trọng thế. Cho đến lúc này, mình vẫn phải thành thật cám ơn tình yêu của anh dành cho mình. Cám ơn anh đã thầm lặng hy sinh và chăm sóc cho mình”.
Hiện tại, dù cuộc sống phía trước còn rất nhiều khó khăn và thử thách, nhưng với cặp đôi đầy nghị lực này, mong ước của họ rất giản đơn. Cả hai vợ chồng anh chị Vượng - Loan đều luôn mong có thêm nhiều sức khỏe để có thể chăm sóc tốt nửa kia của mình.


Đám cưới đẹp như cổ tích của anh chị vừa được tổ chức tại Hà Nội
“Hiện, mình chỉ mong bản thân khỏe hơn, có thể đi lại được dù chỉ ở trong nhà để có thể làm việc kiếm tiền lo tiền thuốc thang. Hơn nữa, mình muốn giúp anh làm việc nhà, đi chợ, nấu cơm - điều mà những phụ nữ bình thường khác làm được nhưng mình lại đang không làm được. Hoặc mình muốn chí ít cũng có thể tự chăm sóc được bản thân và vệ sinh cá nhân được mà không cần phải nhờ anh để anh có thời gian nghỉ ngơi cho đỡ vất vả” - chị Loan nói.
Còn với người đàn ông 35 tuổi này thì: “Mình chẳng mong gì hơn ngoài mong có sức khỏe thật tốt để phục vụ được bà xã nhà mình cũng như chạy đi chạy lại chăm nom được cho mẹ đẻ mình cũng đang bị bệnh tiểu đường ở nhà”.
Theo afamily

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới