'Cấm sóng' với nghệ sĩ, KOL vi phạm: Cần tiêu chí rõ ràng

(PLO)- Để quy trình xử lý vi phạm đối với nghệ sỹ, KOLs được khả thi, cần có các tiêu chí rõ ràng cho việc hạn chế phát sóng, biểu diễn, quảng cáo.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Theo kế hoạch của Bộ Thông tin và Truyền thông vừa ban hành thì Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử sẽ chủ trì xây dựng Quy trình xử lý nhằm hạn chế phát sóng, biểu diễn, quảng cáo đối với nghệ sỹ, người có ảnh hưởng trên mạng xã hội (KOLs) có hành vi vi phạm pháp luật, trái thuần phong mỹ tục.

Quy trình quản lý người nổi tiếng trên mạng này dự kiến hoàn thành trong tháng 10-2023. Đây là một trong những nội dung quan trọng trong Quyết định 512 về việc cập nhật Kế hoạch triển khai thực hiện Chiến lược phát triển lĩnh vực phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử giai đoạn 2021 – 2025 của Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành. Đây là một tin vui!

Quy tắc ứng xử chưa đủ răn đe, cần chế tài mạnh hơn

Một ngày, đứa con trai 14 tuổi của tôi đặt câu hỏi: “Sao cô nghệ sĩ B kia mỗi lần livestream là cứ toàn lấy bộ phận sinh dục ra chửi tục những ai mà cổ thấy không vừa lòng vậy ba?. Con đã không muốn xem mà mấy bạn con vào tài khoản Facebook của cổ bình luận là nó lại hiện lên. Mấy đứa bạn con lại thích nghe cổ livestream chửi, tụi nó nó vậy mới sống thật”...

Tìm hiểu ra, tôi mới biết ở trường con tôi rất nhiều học trò chửi tục. Thậm chí có những học sinh coi việc nói chuyện mà có chửi tục mới là sành điệu. Chửi tục, nói bậy chỉ là một trong rất nhiều những hành vi không chuẩn mực của nghệ sĩ.

Thời gian quan, nhiều nghệ sĩ quảng cáo sai sự thật suốt một thời gian dài gây phản ứng trong dư luận. Vậy nhưng theo quy định hiện hành thì hành vi tung tin giả; xúc phạm danh dự, nhân phẩm; quảng cáo sai sự thật,… hiện chỉ dừng lại ở mức xử phạt hành chỉ từ 5 - 10 triệu đồng hoặc 10 - 15 triệu đồng tùy hành vi.

Không chỉ một số nghệ sĩ mà cả những người có ảnh hưởng trên mạng xã hội (KOLs) cũng từng mắc những sai phạm có hệ thống, lặp đi lặp lại nhiều lần gây bức xúc trong dư luận, gây mệt mỏi cho xã hội suốt một thời gian dài.

Năm 2021, Bộ VH-TT&DL đã ban hành Quy tắc ứng xử của người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật. Tuy nhiên, quy tắc nhấn mạnh trách nhiệm, danh dự của người hoạt động nghệ thuật; không lạm dụng danh hiệu, hình ảnh để tư lợi…

Quy tắc ứng xử mang tính định hướng để những người hoạt động trong ngành nghệ thuật nhìn vào đó mà điều chỉnh hành vi. Thế nhưng thực tế vẫn có những nghệ sĩ không chuẩn mực, góp phần làm lệch chuẩn các giá trị xã hội. Do vậy, quy tắc ứng xử trên mạng xã hội là chưa đủ, mà cần phải có những hướng dẫn, chế tài nghiêm khắc hơn.

Cần tiêu chí rõ ràng

Để kế hoạch này được khả thi, thiết nghĩ cần có các tiêu chí rõ ràng cho việc hạn chế phát sóng, biểu diễn, quảng cáo. Không thể bất cứ sai phạm nào của nghệ sĩ, KOLs cũng đều buộc hạn chế phát sóng, biểu diễn, quảng cáo. Bởi thực tế cho thấy có những sai phạm của nghệ sĩ, KOLs là nhất thời do thiếu kiểm chứng (chẳng hạn như chia sẻ thông tin giả về dịch COVID-19, bị xử phạt hành chính), nhưng cũng có những sai phạm mang tính hệ thống gây ảnh hưởng xấu đến xã hội.

Quy định cụ thể các tiêu chí còn là để tránh việc nghệ sĩ bị "cấm sóng" oan. Đã từng có những trường hợp dư luận ồn ào đòi tẩy chay một vài nghệ sĩ sau khi bị tố cáo ăn chặn từ thiện, tuy nhiên, kết quả xác minh của cơ quan điều tra sau đó là hoàn toàn không có chuyện ăn chặn.

Quy định rõ các tiêu chí để còn để tránh việc KOLs bị hạn chế xuất hiện một cách oan uổng. Khái niệm KOLs cũng cần được làm rõ, người có tầm ảnh hưởng ở mức độ nào thì được xem là KOLs?...

Là một công dân có ba người con đang tuổi trưởng thành sử dụng mạng xã hội, tôi có niềm tin rằng Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ xây dựng Quy trình quản lý người nổi tiếng trên mạng với những tiêu chí rõ ràng, cụ thể như thế. Nếu quy trình được hoàn thành đúng tiến độ thì sau tháng 10 của năm nay, chúng ta có quyền hy vọng không gian mạng sẽ lành mạnh hơn, sẽ bớt đi phần nhiều tình trạng bát nháo hiện nay.

Với nghệ sĩ, KOLs, chỉ một hành động của họ mà bị sai lệch đều ảnh hưởng đến công chúng, tới xã hội. Vì vậy, trách nhiệm công dân của họ cần phải được đặt lên hàng đầu.

Đa phần những người làm nghệ thuật, KOLs đều hiểu vai trò, trách nhiệm của mình, hướng đến những giá trị tốt đẹp trong cuộc sống. Tuy nhiên, vẫn có những người đem lại giá trị lệch chuẩn nhưng lại gây sự chú ý, ồn ào rất đáng báo động. Quy định hạn chế phát sóng, biểu diễn, quảng cáo với những ai vi phạm ở mức nghiêm trọng, có tiêu chí cụ thể rõ ràng cũng là một cách công bằng trước pháp luật cho những người trong giới này.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm