CỰU THỦ LĨNH BIỆT ĐỘNG SÀI GÒN NGUYỄN ĐỨC HÙNG (TƯ CHU):

Cảm thấy mắc nợ với đồng đội

Tin Đại tá Nguyễn Đức Hùng, tức ông Tư Chu, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, nguyên Chỉ huy trưởng các lực lượng biệt động Quân khu Sài Gòn-Gia Định, đã ra đi khiến nhiều người quen biết ông, đặc biệt là những cựu binh biệt động thành năm xưa không khỏi ngậm ngùi, thương tiếc.

Luôn cảm thấy mình có lỗi

Năm 2007, tôi được giới thiệu đến gặp ông Tư Chu, cựu thủ lĩnh biệt động Sài Gòn, trong quá trình thực hiện bộ phim tài liệu “Mậu Thân - những câu chuyện đi vào lịch sử”. Ông cùng với đồng đội - những người đã sống sót một cách kỳ lạ trong các đợt tấn công vào năm mục tiêu quan trọng của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân 1968 - chính là những nhân chứng quan trọng của sự kiện này, những người nắm giữ khoảnh khắc lịch sử để làm nên chiến thắng.

Trong câu chuyện họ kể, cứ ngỡ như đó là những huyền thoại đầy chất bi hùng của người đã ngã xuống nhưng cũng thấm đẫm nước mắt người ở lại. Và ở đó luôn có nỗi day dứt, ám ảnh của vị thủ lĩnh Tư Chu suốt mấy chục năm qua, như lời ông đã nói với tôi: “Chính tôi đã đưa anh em vào chỗ chết. Nay người còn, người mất. Thân nhân gia đình, anh em con cháu của họ ở lại. Tôi đã làm được gì cho họ? Tôi luôn cảm thấy mình có lỗi”.

Sự kiện Mậu Thân năm ấy, theo kế hoạch lực lượng biệt động sẽ là những đơn vị tiên phong mở đường, chiếm và giữ trận địa. Sau đó sẽ có đại quân tiếp ứng. Nhưng kết quả hiệp đồng đã không như mong đợi và các chiến sĩ biệt động đã phải đơn độc chiến đấu ngoan cường giữa vòng vây của kẻ thù đông gấp trăm lần. Sự hy sinh của họ gần như là tất yếu. Nhưng ông Tư Chu lại cho rằng mình là người phải chịu một phần trách nhiệm của “sự tất yếu” đó.

Cảm thấy mắc nợ với đồng đội ảnh 1

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang chia buồn cùng gia quyến ông Tư Chu. Ảnh: VnExpress.net.

Những cuộc nói chuyện giữa tôi và cựu thủ lĩnh biệt động năm xưa luôn bị đứt quãng. Những chuyến đi viếng nơi đồng đội ông đã ngã xuống trong mùa xuân năm ấy cũng luôn bị gián đoạn. Vì tại thời điểm đó, căn bệnh ung thư vòm họng của ông đã bắt đầu chuyển nặng. Rồi thêm tâm tư nặng trĩu của một người luôn cảm thấy mình mắc nợ với đồng đội, cả với người đã ngã xuống lẫn với người còn sống đã vắt kiệt sức lực ông. Nhưng ông bảo ông phải nói hết, nói rõ cho tường tận những cống hiến to lớn cũng như những thiệt thòi của anh em.

Rồi khi ông và đồng đội cùng với đoàn làm phim chúng tôi lần lượt đi qua năm “địa chỉ đỏ” mà ở đó có đến 80% lực lượng biệt động tinh nhuệ của ông đã vĩnh viễn không trở về trong xuân Mậu Thân 1968, ông Tư Chu lại càng thêm day dứt và ưu tư. Ông bảo: “Những nơi tôi đến (đi với đoàn làm phim - tác giả) đều làm cho tôi thất vọng như dinh Độc Lập, tòa đại sứ, Bộ Tư lệnh Hải quân, Bộ Tổng tham mưu đều không có bia tưởng niệm cho xứng đáng với sự hy sinh của anh em… Đau lòng nhất là ngôi miếu nhỏ ở đường Nguyễn Du (dinh Độc Lập) mà nhân dân đã lập để thờ các chiến sĩ biệt động hy sinh tại đây từ năm 1969 vẫn vậy. Chỉ có nhân dân là thắp hương anh em và nhớ đến anh em… (Ông khóc). Chỉ có ở khu vực đài phát thanh là tươm tất nhất. Nó tương xứng với sự hy sinh của anh em đổ ra cho TP này, cho đất nước này. Đó là nhờ tấm lòng của anh Thanh Nho, giám đốc đài hồi mới giải phóng”.

Ước nguyện cuối đời của người thủ lĩnh

Ông Tư Chu có lần nói với tôi rằng: “Tôi tập trung anh em tại đây, nhà tôi, vào ngày mồng 6 tết mỗi năm, làm một cái lễ giỗ biệt động đơn sơ để tưởng nhớ đến số anh em đã hy sinh và đồng thời cũng cốt là để an ủi những anh em còn sống đây”.

Và tại một lễ giỗ như thế tôi đã được chứng kiến khoảnh khắc xúc động khi ông Tư Chu lần lượt điểm danh từng người một, những cựu biệt động thành năm xưa, xem ai còn, ai mất, giống như ông đã từng điểm quân trước giờ ra trận. Câu chuyện của những cựu binh, của gia đình thân nhân các liệt sĩ biệt động đã chia sẻ với tôi trong lễ giỗ đó khiến tôi thêm hiểu nhiều hơn về những day dứt và ám ảnh của ông Tư Chu. Quả thật, chính sách đền ơn đáp nghĩa với lực lượng biệt động chúng ta đã làm chưa thật tốt.

Cảm thấy mắc nợ với đồng đội ảnh 2

Đại tá, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Đức Hùng, tức ông Tư Chu. Ảnh tư liệu

Trong những lúc cao trào xúc động giữa cuộc nói chuyện, ông Tư Chu cay đắng: “Tôi đã phản bội anh em”. Sự phản bội mà ông Tư Chu nói ở đây chính là phản bội về niềm tin. Rằng trước giờ xung trận, số anh em năm xưa đã đặt trọn sự tin tưởng vào ông - người chỉ huy của mình dù họ biết rằng phía trước phải hy sinh. “Bây giờ họ vẫn tìm đến tôi, nhờ tôi giải quyết việc này, việc nọ nhưng tôi làm sao giải quyết được. Tôi bất lực”.

Ông lại khóc.

Ông bảo ngay sau giải phóng, lực lượng biệt động giải thể và cũng vì thế mà không còn danh nghĩa tổ chức nào để đứng ra làm công tác chính sách, đền ơn đáp nghĩa cho lực lượng biệt động, mà có lần ông đã đau đớn thốt lên rằng “anh em phải chịu cảnh cù bơ cù bất”.

Vậy nên ước nguyện cuối đời của ông Tư Chu chính là việc có được một sự tưởng niệm, ghi công xứng đáng với lực lượng biệt động và làm tốt công tác chính sách, đền ơn đáp nghĩa đối với lực lượng này.

Theo ông, thắng lợi của sự kiện Mậu Thân là rất to lớn, ai cũng thấy rõ. Nhưng tại sao lại không có một sự tưởng niệm, một tượng đài, bia đá nào xứng đáng để ghi nhớ, tri ân công lao của họ - những người đã góp phần làm nên thắng lợi đó.

Ông chia sẻ với tôi rằng ông mong muốn làm một bộ phim tài liệu chân thực về lực lượng biệt động Sài Gòn để tưởng nhớ và đánh giá công bằng, ghi công cho anh em, đồng thời để lại một bài học cho hậu thế. Nhưng chúng tôi chưa kịp làm thì nay ông đã ra đi. Và tôi thấy mình như còn nợ ông một lời hứa, lời hứa về những thước phim tưởng thưởng, ghi công xứng đáng về lực lượng biệt động Sài Gòn, trong đó có ông, người thủ lĩnh tài ba, đến lúc ra đi vẫn đau đáu hoài một nỗi day dứt rằng: “Tôi đã không làm gì được cho anh em”.

Tiễn biệt ông Tư Chu

Đại tá Nguyễn Đức Hùng (bí danh Tư Chu) sinh năm 1928 tại xã Hậu Lộc (Can Lộc, Hà Tĩnh). Năm 12 tuổi ông đã tham gia cách mạng. Cuối năm 1946, sau khi tham gia lớp học quân chính, ông được phân công vào hoạt động bí mật tại nội thành Sài Gòn-Gia Định. Trong chiến dịch Mậu Thân 1968, ông cùng đồng đội lập được nhiều chiến công khiến Mỹ và chính quyền Sài Gòn hoảng sợ phải treo giải thưởng tới 2 triệu USD cho ai bắt được “Thủ lĩnh F100” Tư Chu. Ông nguyên là Thành ủy viên dự khuyết, nguyên Chỉ huy trưởng Lực lượng biệt động Quân khu Sài Gòn-Gia Định, nguyên Phó Tư lệnh Quân khu Sài Gòn-Gia Định.

Ông được Đảng, Nhà nước khen thưởng huân chương Độc lập hạng Nhất, huân chương Quân công hạng Nhất, huy hiệu 65 năm tuổi Đảng và nhiều huân chương cao quý khác. Ngày 3-1-2012, ông được Đảng và Nhà nước trao tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.

Ông Tư Chu mất lúc 9 giờ 30 ngày 16-5 sau một thời gian dài lâm bệnh nặng, thọ 86 tuổi. Thành ủy TP.HCM đã tổ chức tang lễ cho ông tại Nhà tang lễ TP.HCM. Lễ động quan lúc 6 giờ sáng nay (19-5).

TB

Đạo diễn LÊ PHONG LAN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm