Trong nhiều ngày gần đây, số ca nhiễm COVID-19 nhập cảnh tại Campuchia gia tăng đều ở mức báo động dù tổng số bệnh nhân (BN) mới mỗi ngày có giảm so với trước. Tờ The Khmer Times dẫn thống kê ngày 28-7 của Bộ Y tế Campuchia số BN mới trong 24 giờ là 766, nâng tổng số BN ở nước này lên hơn 75.000 trường hợp với khoảng 1.300 người thiệt mạng. Trong số hơn 700 ca nhiễm mới này, ca ngoại nhập chiếm khoảng 35%.
Nhân viên y tế tại khu cách ly tạm thời thiết lập trong khuôn viên
một ngôi chùa ở thủ đô Phnom Penh ngày 21-7. Ảnh: AP
Campuchia chật vật đối mặt biến thể Alpha
The Khmer Times cho biết phần lớn các ca từ nước ngoài về là lao động Campuchia trở về từ nước láng giềng Thái Lan, nơi đang hứng chịu đợt bùng phát thứ ba nghiêm trọng. Nguy cơ dịch bệnh thâm nhập từ nước ngoài lúc này khá cao do nhiều người tìm cách vượt biên vào Campuchia trái phép.
Dù chính quyền Campuchia đã tăng cường lực lượng an ninh tiến hành tuần tra, kiểm soát biên giới nhưng việc ngăn chặn, bắt giữ số người nhập cảnh trái phép rất khó khăn do có đường biên giới chung trải dài với Thái Lan, nhiều khu vực có địa hình phức tạp. Nước này vẫn đang mở cửa đường bay quốc tế chứ không có biện pháp hạn chế tối đa như một số nước trong khu vực đang làm, càng khiến cho dịch bệnh có thể có cửa ngõ để xâm nhập.
Hiện tại, hầu hết ca nhiễm ở Campuchia đều liên quan tới biến thể Alpha, vốn được phát hiện lần đầu tại Anh vào năm ngoái. Đây là một biến thể có khả năng lây nhiễm cao và làm tăng nguy cơ nhập viện. Hồi năm ngoái, Campuchia ghi nhận chưa tới 500 ca nhiễm và không có trường hợp tử vong vì COVID-19. Tuy nhiên, đợt bùng phát của biến thể Alpha ngay khi quốc gia này bắt đầu triển khai chiến dịch tiêm chủng đã khiến ca nhiễm tăng lên hơn 73.000, trong đó hơn 1.300 ca tử vong chỉ trong năm tháng.
TS Michael Thigpen (thuộc Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Campuchia) cho biết đợt dịch này bùng phát do những vi phạm trong quá trình cách ly, khiến hàng trăm người nhiễm virus đã đi khắp thủ đô và các tỉnh, thành khác. Tờ Khmer Times hồi tháng 4 đưa tin đợt bùng phát ca nhiễm biến thể Alpha hồi tháng 2 xảy ra sau khi bốn người Trung Quốc bị cáo buộc hối lộ nhân viên an ninh để rời khỏi khu cách ly tại khách sạn trước thời hạn 14 ngày.
Ít nhất hai trong bốn người này đã từng tới TP Dubai của Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE) và sau đó tham gia một câu lạc bộ đêm đông người ở thủ đô Phnom Penh sau khi nhiễm virus dẫn tới bùng phát ổ dịch. “Với khả năng dễ lây nhiễm, biến thể Alpha đã nhanh chân hơn nỗ lực kiểm soát của chính phủ Campuchia” - ông Thigpen nhận xét.
Chính quyền Campuchia đã áp đặt lệnh phong tỏa nghiêm ngặt trong nhiều tuần trước khi kết thúc vào tháng 5, đồng thời tăng cường các hình phạt đối với người vi phạm quy định giãn cách và hạn chế đi lại, cũng như tăng tốc tiêm chủng. Quốc gia này cũng tăng cường năng lực xét nghiệm với 10 phòng thí nghiệm có thể tiến hành hơn 10.000 lượt xét nghiệm mỗi ngày.
Lo ngại biến thể Delta xâm nhập
Ngoài đợt bùng phát của biến thể Alpha, Campuchia cũng lo ngại về Delta, một biến thể khác được phát hiện lần đầu tiên ở Ấn Độ và nay đang hoành hành khắp Đông Nam Á. Đơn cử, Thái Lan ngày 26-7 đã ghi nhận ca COVID-19 trong ngày cao kỷ lục với hơn 15.000 trường hợp, trong khi Malaysia vượt ngưỡng 1 triệu ca nhiễm vào ngày 25-7. Philippines đã cấm toàn bộ chuyến bay từ Malaysia và Thái Lan do lo ngại biến thể Delta lây lan. Delta được cho là có thể lây nhiễm cho cả những người đã tiêm đủ liều vaccine, dù không có khả năng cao gây triệu chứng nặng và tử vong.
Tính tới đầu tuần này, Campuchia hiện đã phát hiện hơn 110 ca nhiễm Delta. Thông tin đáng lo ngại nhất là việc Bộ Y tế nước này thông báo mới tìm ra 39 ca nhiễm Delta mới, trong đó có 18 ca lây nhiễm cộng đồng. Điều này có nghĩa là mầm bệnh nguy hiểm đã bắt đầu lây lan trong dân số Campuchia.
Ông Thigpen cho biết chính phủ Campuchia lúc này đã gấp rút triển khai các biện pháp quyết liệt như xét nghiệm liên tục và cách ly để hạn chế nguy cơ lây lan của Delta. Tuy nhiên, TS Ailan Li, đại diện của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ở Campuchia, bày tỏ lo ngại rằng Delta rồi sẽ sớm bùng phát ở quốc gia này, tức thay thế hoàn toàn Alpha để trở thành biến thể lây lan chủ đạo.
“Ở nhiều quốc gia, Delta đã thế chỗ các chủng virus khác. Chúng ta cần phải lường trước những kịch bản như vậy trong tương lai. Việc biến thể này xuất hiện ở Campuchia chỉ là vấn đề thời gian. Delta có thể lây lan nhanh và khiến số ca nhiễm tăng mạnh, đồng nghĩa số ca nhập viện cũng có thể nhiều hơn” - bà Li nói.•
Campuchia triển khai chiến dịch tiêm chủng từ tháng 2 và đến nay đã có hơn 60% trong tổng số 10 triệu người trưởng thành của quốc gia này đã tiêm ít nhất một liều vaccine. Hầu hết 17 triệu liều vaccine của Campuchia có được nhờ mua trực tiếp hoặc được hỗ trợ từ hai hãng dược Trung Quốc Sinovac và Sinopharm, trong khi số còn lại đến từ sáng kiến chia sẻ vaccine COVAX của WHO. |
Người dân cần chia sẻ khó khăn với chính quyền The Khmer Times cho hay giới chức Campuchia thời gian qua đã tăng cường thêm các biện pháp tuyên truyền nhằm kêu gọi người dân tuân thủ quy tắc chống COVID-19 như đeo khẩu trang, không gặp mặt theo nhóm lớn hoặc chạm vào tay người khác dù người đó đã được tiêm chủng. Tuy nhiên, một quan chức cấp cao Bộ Y tế nước này là Or Vandine cảnh báo vẫn còn rất nhiều người không tuân thủ các quy tắc đặt ra, điều này có thể làm bùng nổ lây lan và gây ra “thảm họa sức khỏe cộng đồng”. Ngoài ra, chuyên gia Li của WHO cảnh giác Campuchia cần phải theo dõi các ca bệnh ẩn vì không phải ai mắc COVID-19 cũng có triệu chứng. “Tại Campuchia, số ca bệnh mới trong ngày và ca tử vong vẫn rất cao, cho thấy virus dường như chưa bị kiểm soát hoàn toàn và lây nhiễm cộng đồng vẫn đang diễn ra” - bà Li cho biết. |