Theo các nhà virus học và dịch tễ học, biến thể Delta là biến thể có khả năng lây lan nhanh nhất, khỏe nhất và đáng gờm nhất của virus SARS-CoV-2 gây ra đại dịch toàn cầu COVID-19 mà thế giới đã hứng chịu, hãng Reuters đưa tin.
Người đã tiêm chủng có thể khiến lây lan virus
Theo họ, biến thể Delta đã lật ngược hoàn toàn mọi giả định về căn bệnh này ngay cả khi các quốc gia đang nới lỏng các hạn chế và mở cửa lại nền kinh tế.
Theo các cuộc phỏng vấn với 10 chuyên gia hàng đầu về COVID-19, khả năng bảo vệ của vaccine vẫn rất mạnh mẽ đối với các ca bệnh nặng do bất kỳ biến thể nào của virus gây ra. Những người có nguy cơ lây nhiễm cao nhất vẫn là những người chưa được tiêm ngừa.
Mô hình virus SARS-CoV-2. Ảnh: SHUTTERSTOCK
Tuy nhiên, ngày càng có nhiều bằng chứng chứng minh rằng biến thể Delta, được phát hiện lần đầu tiên ở Ấn Độ với tên cũ là B.1.617.2, có khả năng lây nhiễm cho cả những người được tiêm chủng đầy đủ với tỷ lệ lây nhiễm cao hơn nhiều so với các biến thể trước đó, làm dấy lên lo ngại rằng những người đã tiêm chủng thậm chí có thể khiến lây lan virus.
Theo họ, việc sử dụng khẩu trang, thực hiện giãn cách xã hội và các biện pháp phòng ngừa khác lại rất cần thiết ngay cả ở các quốc gia có chiến dịch tiêm chủng rộng rãi.
Israel gần đây đã khôi phục yêu cầu đeo khẩu trang trong nhà và yêu cầu khách du lịch phải cách ly khi đến nơi.
Các quan chức Mỹ đang xem xét liệu có nên sửa đổi hướng dẫn về việc đeo khẩu trang cho đối tượng được tiêm chủng hay không. Chính quyền TP Los Angeles, bang California, một lần nữa yêu cầu đeo khẩu trang trong các không gian sinh hoạt chung trong nhà ngay cả ở những người đã được tiêm ngừa.
Nhà vi sinh vật học người Anh Sharon Peacock - người phụ trách công tác giải trình tự gen của các biến thể virus SARS-CoV-2 - nhận định “rủi ro lớn nhất đối với thế giới lúc này chỉ đơn giản là biến thể Delta", đồng thời gọi nó là "biến thể mạnh và lây lan nhanh nhất".
Nhóm chưa tiêm chủng có nguy cơ nhiễm bệnh cao
Virus liên tục phát triển thông qua quá trình đột biến khiến phát sinh thêm nhiều biến thể mới phát sinh. Đôi khi những biến thể mới lại nguy hiểm hơn ban đầu.
Lo lắng chính về biến thể Delta không phải là vì nó làm cho tình trạng bệnh trở nên nặng hơn, mà là nó lây lan dễ dàng hơn từ người này sang người khác, khiến số lượng ca nhiễm ở nhóm chưa được tiêm chủng tăng cao.
Ngày 23-7, Trung tâm Y tế Công cộng Anh cho biết trong tổng số 3.692 người nhập viện ở Anh do biến thể Delta gây ra, có đến 58,3% trong số họ chưa được tiêm chủng và khoảng 22,8% đã được tiêm chủng đầy đủ.
Tại Singapore, các quan chức chính phủ đã ghi nhận hôm 23-7 rằng 3/4 ca nhiễm ở nước này là ở nhóm người được tiêm chủng, mặc dù không có trường hợp nào bị bệnh nặng.
Tại Mỹ, khoảng 83% các ca nhiễm mới là do biến thể Delta gây ra. Theo Reuters, trong số những ca mắc COVID-19 nặng ở Mỹ, có đến 97% thuộc nhóm chưa tiêm chủng.
Tiến sĩ Monica Gandhi - một bác sĩ về bệnh truyền nhiễm tại Đại học California - cho biết nhiều người được tiêm chủng đã "rất thất vọng" vì họ không được bảo vệ 100% khỏi virus. Tuy nhiên, theo Tiến sĩ, gần như tất cả các ca nhập viện vì COVID-19 đều là những người không được tiêm chủng, nói rằng hiệu quả của vaccine rõ ràng là “rất đáng kinh ngạc".
“Virus SARS-CoV-2 đang dạy chúng ta một bài học”
Ông Nadav Davidovitch - Giám đốc Trường Y tế Công cộng thuộc Đại học Ben Gurion ở Israel - cho biết: "Người ta luôn ảo tưởng rằng có một liều thuốc tiên để giải quyết mọi vấn đề hiện tại. Virus SARS-CoV-2 đang dạy chúng ta một bài học".
Theo dữ liệu của chính phủ Israel, vaccine của hãng dược Pfizer/BioNTech - một trong những loại vaccine hiệu quả nhất để chống lại COVID-19 cho đến nay - chỉ có 41% hiệu quả trong việc ngăn ngừa ca bệnh có triệu chứng ở Israel trong tháng qua khi biến thể Delta lây lan. Tuy nhiên, các chuyên gia Israel cho biết thông tin này cần phải phân tích thêm trước khi đưa ra kết luận.
Ông Davidovitch cho biết khả năng vaccine bảo vệ cho người tiêm là rất mạnh, song để tránh lây nhiễm cho người khác thì thấp hơn đáng kể.
Một nghiên cứu ở Trung Quốc cho thấy những người bị nhiễm biến thể Delta mang lượng virus trong mũi nhiều hơn 1.000 lần so với phiên bản gốc được xác định lần đầu ở Vũ Hán vào hồi 2019.
Nhà virus học Shane Crotty thuộc Viện Miễn dịch học La Jolla ở California lưu ý rằng biến thể Delta có khả năng lây nhiễm cao hơn 50% so với biến thể Alpha. Trong khi đó, chuyên gia về gen Eric Topol - Giám đốc Viện Nghiên cứu Dịch thuật Scripps, California - lưu ý rằng thời gian ủ bệnh của biến thể Delta ngắn hơn và có số lượng hạt virus cao hơn nhiều.