Thực trạng người dân nhận các cuộc gọi lừa đảo khiến họ có nguy cơ mất tiền, thậm chí số lượng lớn đã xảy ra và tồn tại lâu nay. Từ năm ngoái, tại Đông Nam Á đã có thông tin người dân nhiều nước bị lừa đi xuất khẩu lao động nhưng thực chất bị buộc phải tham gia các đường dây gọi điện lừa đảo này. Thực tế này nóng thêm những ngày gần đây với hàng loạt vụ truy quét và giải cứu từ cảnh sát ở Campuchia.
Một địa điểm truy quét tại tỉnh Preah Sihanouk (Campuchia) trong chiến dịch phối hợp giữa cảnh sát Campuchia và cảnh sát Thái Lan hồi tháng 3, dẫn tới việc bắt 61 người. Ảnh: BANGKOK POST |
Bị lừa phải đi lừa người khác
Mới nhất, trong tuần này, cảnh sát Thái Lan và cảnh sát Campuchia đã có chiến dịch phối hợp xuyên biên giới và giải cứu được 66 công dân Thái Lan bị giữ ở Campuchia và bị ép buộc phải gọi cuộc gọi điện thoại lừa đảo, hãng tin Reuters dẫn thông tin từ nhà chức trách Campuchia ngày 12-4.
Theo ông Surachate Hakparn - trợ lý ủy viên cảnh sát quốc gia Thái Lan nói với Reuters thì các nạn nhân bị dụ đến Campuchia đa phần thông qua các quảng cáo trên mạng xã hội hứa hẹn việc làm lương cao nhưng sau đó bị ép buộc phải thực hiện các cuộc gọi lừa đảo bằng tiếng mẹ đẻ đến các nạn nhân cùng đất nước. Ai không chịu làm theo phải chịu nhiều hình thức hành hung như đánh đòn, cho điện giật, nhốt trong phòng tối, không cho ăn…
Tuần trước, cảnh sát Malaysia cho biết 16 công dân nước này đã được nhà chức trách Campuchia giải cứu khỏi các trung tâm lừa đảo tương tự.
Cục trưởng Cục Điều tra hình sự Bukit Aman Abd Jalil Hassan cho biết các nạn nhân ở độ tuổi 19-43 đã bị lừa qua Facebook và bị một nhóm ở tỉnh Preah Sihanouk ép làm công việc gọi điện thoại lừa đảo.
Hãy thận trọng với các quảng cáo tuyển dụng đưa ra mức lương hấp dẫn ở nước ngoài.
Luật sư đại diện cho 16 người này cho biết họ sang Campuchia từ tháng 9-2021 khi được hứa trả mức lương 7.000 RM (1.650 USD)/tháng để làm nhân viên dịch vụ khách hàng. Ngay sau khi đến Campuchia, họ bị tịch thu giấy thông hành và bị kiểm soát chặt việc di chuyển. Sau khi biết mình bị lừa, tháng 1-2022, họ bắt đầu liên hệ với Hiệp hội người Hoa Malaysia (MCA) và thông tin chuyển tiếp đến Hiệp hội Cảnh sát các nước ASEAN (ASEANAPOL) và Tổ chức Cảnh sát hình sự Quốc tế (Interpol).
Theo lời Thứ trưởng Ngoại giao Amran Mohamed Zin thì phía Campuchia đã vào cuộc giải cứu 16 người này, sau đó trao trả cho phía Malaysia. 12 người trong số này đã được đưa về nước vào sáng 12-4, theo báo Bernama. Bốn người còn lại chưa được về nước vì bị vướng kiểm dịch do bị nhiễm COVID-19.
Campuchia quyết tâm truy quét
Trước đó, ngày 20-3, cảnh sát Thái Lan và Campuchia đã bắt 61 người (59 người Thái Lan và hai người Trung Quốc) trong các cuộc truy quét băng nhóm lừa đảo qua điện thoại hoạt động ở tỉnh Preah Sihanouk (Campuchia), báo Bangkok Post và báo Khmer Times cùng đưa tin.
Các đội cảnh sát Thái Lan và Campuchia đã đột kích vào hai cơ sở được sử dụng làm văn phòng của băng đảng ở tỉnh Preah Sihanouk. Một là một nhà máy bỏ hoang trên đường Santepheap và cơ sở khác là tòa nhà TP giải trí Diwei. Tại các nơi này, họ phải gọi các cuộc gọi lừa đảo với nội dung người nghe có những bưu kiện mà DHL hoặc FedEx gửi nhưng bị các quan chức hải quan thu giữ và cần tiền làm chi phí lấy ra. Cảnh sát đã thu giữ một lượng lớn điện thoại, radio liên lạc, máy tính xách tay…
Trong 61 người này có 28 người đang bị coi là nghi phạm, năm người được xác định bị lừa, số còn lại đang bị điều tra, Giám đốc lực lượng cảnh sát mạng của Thái Lan - tướng Damrongsak Kittiprapas cho biết. Theo Khmer Times, dự kiến các nghi phạm sẽ bị truy tố và bị kết án ở Campuchia trước khi bị trục xuất để đối mặt với việc bị truy tố và kết án ở Thái Lan.
Theo Khmer Times, với sự hỗ trợ thông tin và tình báo từ các đồng nghiệp nước ngoài, cảnh sát Campuchia đang truy bắt, giải cứu công dân các nước không chỉ ở Sihanoukville mà còn dọc theo các tỉnh biên giới Campuchia - Thái Lan cũng như các tỉnh khác nằm xa biên giới.
Reuters cho biết đã liên lạc với ông Chhay Kim Khoeun - Phó Cảnh sát trưởng quốc gia Campuchia nhưng ông từ chối bình luận với lý do chiến dịch truy quét của cảnh sát vẫn đang diễn ra.
Theo thông tin Reuters thì nhà chức trách Campuchia cho rằng đây là một phần của chiến dịch tội phạm xuyên quốc gia rộng lớn hơn do Trung Quốc điều hành, vốn đã lừa hàng ngàn người từ khắp châu Á trong những năm gần đây. Quy mô đầy đủ của mạng lưới này vẫn chưa rõ ràng.•
Kể từ tháng 10 năm ngoái, hơn 800 đàn ông và phụ nữ Thái Lan, trong đó có 300 người bị coi là nạn nhân của nạn buôn người, đã được giải cứu khỏi các trung tâm lừa đảo ở Campuchia, cảnh sát Thái Lan cho biết. Hiện còn hơn 1.000 người Thái Lan đang phải làm việc trong các trung tâm gọi điện lừa đảo ở Phnom Penh, Sihanoukville và Poipet.
Đại sứ quán nhiều nước đã cảnh báo
Hồi tháng 3, nhiều tổ chức phi chính phủ Campuchia từng lên tiếng rằng các trung tâm gọi điện thoại lừa đảo này là các “khu phức hợp nô lệ”, nơi cầm giữ hàng ngàn công dân nước ngoài. Trong khi đó, đại sứ quán nhiều nước, trong đó có Trung Quốc, Pakistan, Việt Nam và Indonesia cảnh báo người dân không phản hồi các quảng cáo việc làm đáng ngờ trên mạng.
Ông Jeremy Douglas, Giám đốc khu vực châu Á - Thái Bình Dương của Cơ quan Phòng chống tội phạm và ma túy Liên Hợp Quốc, cho rằng sự việc là một “lời cảnh tỉnh lớn cho khu vực”. Theo ông, hành vi phạm tội này không phải là điều bất ngờ nhưng để thực hiện với hàng ngàn chiếc điện thoại đang hoạt động thì cần phải có sự tinh vi, đòi hỏi đầu tư và khó có thể che giấu được hoạt động với quy mô như vậy.