Chỉ nhìn vào con số hơn 13.700 văn bản (không kể văn bản mật) mà Văn phòng Chính phủ đã tham mưu, trình Chính phủ, Thủ tướng ban hành trong tám tháng đầu năm nay đã thấy vai trò đặc biệt quan trọng của cơ quan này trong việc “gác cổng” các công việc của Chính phủ.
Đá bóng trách nhiệm
Trưởng đoàn công tác - Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Trọng Thừa đặt câu hỏi: “Thủ tướng, Chính phủ giao việc có đúng, có sát và khả thi không, vai trò tham mưu của Văn phòng Chính phủ rất quan trọng. Vậy đánh giá việc này thế nào?”.
Báo cáo bổ sung vấn đề này, Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết ông đặt trọng tâm cải cách công tác tham mưu.
Đầu tiên là phải tham mưu đúng về thẩm quyền. Căn bệnh kinh niên là nhiều bộ, ngành, địa phương và cả doanh nghiệp cứ có việc là gửi thẳng văn bản lên Thủ tướng. Lẽ ra việc thuộc thẩm quyền của tỉnh hoặc của bộ khác giải quyết nhưng cứ đẩy văn bản “báo cáo”, “xin ý kiến” Chính phủ. “Chặn được số này sẽ giảm được 20%-25% văn bản lên Thủ tướng” - ông nói.
Ủng hộ tinh thần quyết liệt của Văn phòng Chính phủ, ông Tống Quốc Đạt, Chánh Văn phòng Bộ KH&ĐT, cho rằng phải mạnh tay loại những văn bản kiểu “đá bóng”, đẩy trách nhiệm.
Từng làm công tác văn phòng phục vụ ba đời bộ trưởng, ông Đạt cho biết luật đã quy định rất rõ thẩm quyền của chủ tịch tỉnh trong đấu thầu, chỉ định thầu. Nhưng để kiếm “ô trách nhiệm”, tỉnh nhiều khi vẫn gửi văn bản lên “xin ý kiến” Thủ tướng.
Ông Đạt còn kiến nghị kiểm soát chặt hơn việc đóng dấu mật vào các văn bản. Bởi mật thì không sao chép, khó tham mưu và không đảm bảo công khai, minh bạch khi ra quyết định. Ông Dũng đồng tình với nhận định này: “Tôi cũng thấy mật nhiều quá. Việc không đến mức độ mật mà vẫn đóng dấu mật là có vấn đề. Doanh nghiệp cũng lạm dụng mật. Mật để mình anh biết thôi…”.
Quang cảnh buổi làm việc sáng 22-9 giữa tổ công tác của Thủ tướng với Văn phòng Chính phủ.
Tự nhận khuyết điểm để làm tốt hơn
Dù đã nỗ lực đổi mới, nhất là tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý cơ sở dữ liệu văn bản, cơ quan gác cổng của Chính phủ tự đánh giá vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế. Chẳng hạn trong một số việc, khi tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng giao nhiệm vụ cho các bộ, ngành, địa phương, Văn phòng Chính phủ chưa dự báo hết được khó khăn, các điều kiện cần thiết về nguồn lực, tính phức tạp của nhiệm vụ. Có việc giao đúng thì lại yêu cầu thời hạn quá gấp gáp, thiếu khả thi. Có lúc tham mưu rõ về trách nhiệm của cơ quan chủ trì, cơ quan phối hợp…
Khắc phục những vấn đề này, ngoài yếu tố con người, tới đây Văn phòng Chính phủ sẽ nâng cấp hệ thống quản lý cơ sở dữ liệu. Làm sao để giữa chuyên viên Văn phòng Chính phủ có thể thông suốt với chuyên viên ở các bộ, ngành, đánh giá, cập nhật kịp thời về kết quả thực hiện các chỉ đạo của cấp trên. Đây cũng là kinh nghiệm, cách làm hay mà đại diện Bộ Tư pháp, Thanh tra Chính phủ tham gia buổi làm việc, mong được chia sẻ để thực hiện tốt hơn các nhiệm vụ mà Chính phủ, Thủ tướng giao cho các ngành này.