Đây là điểm mới, đáng chú ý trong công tác tập huấn cán bộ cốt cán về nghiệp vụ thanh tra, kiểm tra thi tốt nghiệp THPT năm 2020.
Theo kế hoạch, kì thi năm nay diễn ra trong hai ngày 9 và 10-8 với 5 bài thi. Cả nước có hơn 900.000 thí sinh dự thi, trong đó khoảng 2/3 thí sinh dự thi vừa để xét công nhận tốt nghiệp THPT vừa để xét tuyển vào ĐH-CĐ.
Báo cáo từ Bộ GD&ĐT cho biết, năm nay kì thi được giao về cho các địa phương chủ trì tổ chức. Tuy nhiên, sẽ có gần 6.000 cán bộ, giảng viên ĐH được huy động từ hơn 130 trường ĐH tham gia công tác thanh tra, kiểm tra kỳ thi tốt nghiệp THPT.
Theo Bộ GD&ĐT, những cán bộ tham gia công tác thanh tra, kiểm tra phải được sàng lọc, lựa chọn kỹ lưỡng; có chuyên môn và phẩm chất đạo đức tốt, tinh thần trách nhiệm cao. Các giảng viên tham gia phải có đạo đức, kinh nghiệm về công tác thi. Hiệu trưởng phải chịu trách nhiệm về cán bộ được cử đi.
Trước khi bắt đầu công việc, các cán bộ, giảng viên sẽ được phổ biến nội dung và tập huấn kỹ lưỡng, được đánh giá đạt trong bài thi đánh giá sau tập huấn. Nếu đạt yêu cầu (trả lời đúng 100% câu hỏi trong thời gian quy định của đề kiểm tra) mới được bố trí tham gia đoàn thanh tra, kiểm tra.
Bộ GD&ĐT cũng lưu ý, trường hợp kiểm tra chưa đạt yêu cầu phải tổ chức học lại quy chế, tập huấn lại nghiệp vụ để kiểm tra lại đến khi đạt yêu cầu.
Năm nay Bộ sẽ tăng cường thanh tra, kiểm tra các khâu của kỳ thi. Trong đó, khâu in sao đề thi có 68 cán bộ, giảng viên đại học; khâu coi thi có 5.796 cán bộ, giảng viên và khâu chấm thi là 130 cán bộ, giảng viên.
Về công tác tổ chức thi, tuyển sinh, Thanh tra Bộ GD&ĐT sẽ tổ chức 10 đoàn kiểm tra, mỗi đoàn đi 2-3 sở, chưa kể còn có các đoàn kiểm tra, buổi làm việc khác từ Ban chỉ đạo cấp quốc gia, của lãnh đạo Bộ.
Về coi thi, Bộ sẽ thành lập 63 đoàn kiểm tra tại 63 Sở để phân công cán bộ kiểm tra tại các điểm thi.
Về chấm thi, Bộ GD&ĐT sẽ thành lập 63 đoàn thanh tra, mỗi đoàn từ 4-6 người để thanh tra trực tiếp tại Sở trong thời gian chấm thi.