Tình hình Trung Đông thêm "sôi sục" sau vụ lãnh đạo chính trị của Phong trào vũ trang Hồi giáo Hamas (kiểm soát Dải Gaza, thuộc Palestine) - ông Ismail Haniyeh bị ám sát hôm 31-7 tại thủ đô Tehran (Iran).
Phía Iran và Hamas cáo buộc Israel đứng sau vụ việc. Israel không nhận trách nhiệm ám sát ông Haniyeh, nhưng tuyên bố sẽ đáp trả thích đáng nếu bị tấn công.
Vụ việc khiến tình hình an ninh Trung Đông, vốn đã bất ổn, trở nên thù địch hơn, làm gia tăng nỗi lo về một cuộc chiến toàn diện giữa những "cường quốc quân sự hàng đầu" khu vực, theo đài DW.
Iran và Israel: Ai mạnh hơn ai?
DW dẫn nhận định giới quan sát rằng khó có thể so sánh sức mạnh quân sự của Israel và Iran, vì mỗi bên đều có những thế mạnh riêng. Iran sở hữu nhiều khí tài tiên tiến, nhân lực chất lượng và kinh nghiệm chiến đấu dày dặn. Trong khi đó, Israel nổi bật với năng lực tình báo tinh nhuệ bậc nhất và nhiều vũ khí tinh vi.
Trong bảng xếp hạng ‘Chỉ số sức mạnh quân sự toàn cầu năm 2024’ do chuyên trang quân sự GlobalFirepower (Mỹ) công bố, thì sức mạnh quân sự của Iran xếp hạng 14, và Israel xếp sau với hạng 17.
Theo đó, nếu xét về mặt quân số, Iran có phần vượt trội hơn khi sở hữu hơn 580.000 binh sĩ thường trực và hơn 200.000 binh sĩ dự bị được huấn luyện tốt. Israel có gần 170.000 quân thường trực và 465.000 quân dự bị.
Về phương tiện chiến đấu trên bộ, dù quân đội Iran sở hữu nhiều xe tăng chiến đấu và xe bọc thép hơn so với Israel (Iran có gần 2.000 chiếc, Israel có gần 1.400 chiếc), nhưng quân đội Israel lại có dòng xe tăng chiến đấu chủ lực Merkava - được đánh giá là dòng xe tăng toàn diện nhất thế giới, với lớp giáp dày và sức công phá lớn hơn so với các xe tăng hiện đại của các nước phương Tây như M1 Abrams (Mỹ), Leopard 2 (Đức) và Challenger 2 (Anh).
Theo GlobalFirepower, dù có phần yếu thế hơn về sức mạnh trên bộ, nhưng không quân Israel lại vượt trội hơn so với phía Iran.
GlobalFirepower ước tính quân đội Israel được trang bị gần 650 máy bay chiến đấu hạng nặng, trong đó có những chiến đấu cơ tiên tiến bậc nhất thế giới như F-15, F-16, và tiêm kích tàng hình F-35.
Trong khi đó số máy bay chiến đấu của quân đội Iran là khoảng 550 chiếc, đa số là những dòng tiêm kích cũ (HESA Saeqeh/Kowsar), hoặc mua từ những đối tác (MiG-29, Su-24).
Về khả năng răn đe hạt nhân, dù chưa bao giờ chính thức xác nhận hay phủ nhận, song phía Israel được cho là sở hữu khoảng 90 đầu đạn hạt nhân. Trong khi đó, với những tiến bộ vượt bậc trong các chương trình thử nghiệm tên lửa, DW nhận định rằng Iran hoàn toàn có khả năng tự chế tạo bom hạt nhân trong tương lai nếu nước này muốn.
Thế mạnh mỗi bên ra sao?
Các chuyên gia quân sự nhận định rằng trong trường hợp xảy ra xung đột trực tiếp, Israel sẽ có ưu thế về mặt phòng thủ, còn Iran sẽ có ưu thế về mặt tấn công.
Theo hãng tin Bloomberg, trong thời gian qua Israel đã không ngừng nâng cấp năng lực phòng không của mình bằng cách bổ sung những hệ thống mới có khả năng chặn tên lửa đạn đạo ở khoảng cách xa (có thể lên tới hơn 2.400 km).
Hệ thống phòng không hoạt động nhiều nhất và nổi tiếng nhất của Israel là Iron Dome (Vòm Sắt), với thiết kế tiên tiến, có thể ngăn chặn các mối hiểm họa từ máy bay không người lái (UAV) và tên lửa ở tầm ngắn. Hồi đầu năm, Lực lượng phòng vệ Israel từng tuyên bố rằng Iron Dome có tỉ lệ đánh chặn các mối hiểm họa trên không lên đến hơn 90%.
Theo hãng tin AFP, ngoài Iron Dome, Israel còn có các tổ hợp phòng thủ tên lửa tiên tiến khác như David's Sling và Arrow. David's Sling có tầm hoạt động từ 241 đến 321 km, dùng để đối phó các mối đe dọa tầm trung, trong khi Arrow có thể chống lại tên lửa đạn đạo ở khoảng cách lên tới 2.400 km.
Khác với Israel, phía Iran lại tập trung vào phát triển UAV và chế tạo tên lửa.
Theo hãng thông tấn nhà nước Iran ISNA, quân đội Iran sở hữu nhiều dòng UAV 'sát thủ' tiên tiến như Ababil, Mohajer, Saegheh, Shahed, H-110 Sarir, Fotros, Karrar, Kaman-22, Kian, và Meraj-521, với tầm hoạt động lên tới hơn 2.500 km.
Ngoài ra, quân đội Iran cũng được trang bị 9 loại tên lửa tầm xa gồm Sejjin, Kheibar, Emad, Shahab-3, Ghadr, Paveh, Fattah-2, Kheibar Shekan và Haj Quasem, với sức công phá lớn và có thể tấn công các mục tiêu ở khoảng cách lên tới hơn 2.400 km.
“Có thể nói Iran là nước sở hữu kho tên lửa và UAV lớn nhất tại Trung Đông. Quân đội nước này không chỉ sở hữu nhiều dòng UAV tiên tiến, mà còn có nhiều tên lửa hành trình, tên lửa chống hạm, cũng như tên lửa đạn đạo, có khả năng tấn công các mục tiêu ở xa, thậm chí là bên trong lãnh thổ Israel. Ngược lại, kho tên lửa của phía Israel phần lớn là tên lửa phòng không và tên lửa tầm xa” - ông Fabian Hinz, chuyên gia nghiên cứu Chính trị-Quân sự Trung Đông tại Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS, Anh), nhận định.
Ông John Krzyzaniak, nhà nghiên cứu Chiến lược quốc tế tại Viện Công nghệ Georgia (Mỹ) nhận định rằng Israel và Iran đã tránh xung đột trực tiếp trong nhiều năm, và ông chưa thể tưởng tượng một cuộc xung đột giữa Israel và Iran sẽ diễn ra như thế nào, nhưng chắc chắn sẽ rất ác liệt.
"Tên lửa của Iran chắc chắn sẽ gây khó khăn cho Israel, nhưng mạng lưới phòng không vững chắc của Israel cũng sẽ không để lãnh thổ của mình chịu thiệt hại" - ông Krzyzaniak nói.