Cần chế tài người phát ngôn “né” báo chí

Sáng 2-3, các chuyên gia tham gia Hội thảo phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí tập trung thảo luận những vấn đề cần sửa đổi trong quy chế phát ngôn, trong đó nội dung người phát ngôn (NPN) có nhất thiết phải là người đứng đầu cơ quan, tổ chức thu hút nhiều ý kiến tranh luận. Các chuyên gia thuộc nhóm những NPN, cung cấp thông tin báo chí của các bộ, địa phương cho rằng NPN không cần phải là người đứng đầu. Tuy nhiên, nhóm các nhà báo và cán bộ quản lý báo chí lại cho rằng cần có quy định rõ NPN phải là thủ trưởng cơ quan. Nếu là cấp bộ phải là bộ trưởng, địa phương phải là chủ tịch UBND tỉnh.

Hiện nay nhiều cơ quan lạm dụng việc ủy quyền phát ngôn dài hạn cho cấp dưới, gây khó khăn cho việc tiếp cận thông tin của báo chí. “Trường hợp ủy quyền dài hạn thì NPN ít nhất cũng phải là lãnh đạo cấp phó, ở bộ là thứ trưởng, ở tỉnh là phó chủ tịch UBND tỉnh bởi họ mới là người có đủ thẩm quyền giải quyết các công việc” - nhà báo Phan Lợi, Trưởng Văn phòng đại diện báo Pháp Luật TP.HCM tại Hà Nội, nói. Theo nhà báo Phan Lợi, với trường hợp ủy quyền cho cấp thấp hơn thì chỉ ủy quyền theo vụ việc cụ thể, thời hạn ngắn. Ở cấp huyện, xã thì không cần đặt ra NPN mà người cung cấp thông tin phải quy định rõ là chủ tịch huyện, xã.

Các chuyên gia thống nhất kiến nghị Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) đề xuất xây dựng chế tài trách nhiệm của NPN một cách cụ thể. Đồng thời, cần phân định rõ chủ thể có trách nhiệm áp dụng chế tài, phân rõ cấp bộ xử lý mức độ nào, cấp sở xử lý mức độ nào…

Ông Hoàng Hữu Lượng, Cục trưởng Cục Báo chí, đánh giá quy chế phát ngôn cần sửa theo hướng quy định người đứng đầu chịu trách nhiệm về phát ngôn, đồng thời phải làm rõ trách nhiệm và quyền hạn của NPN. Bên cạnh đó, phải xây dựng cơ chế cung cấp thông tin cho NPN một cách rõ ràng. Ví như NPN đại diện cho tỉnh thì các sở phải có trách nhiệm cung cấp thông tin và NPN có quyền yêu cầu các cơ quan này cung cấp. Mặt khác, cần phải có chế tài xử lý khi NPN không thực hiện nhiệm vụ của mình hoặc không kịp thời cung cấp thông tin. “Tất nhiên vấn đề nóng thì chưa thể có thông tin ngay nhưng cũng chỉ 1-2 ngày thôi chứ không thể kéo dài hết ngày này đến ngày khác được” - ông Lượng nói.

Theo ông Lượng, các cơ quan, tổ chức cần xây dựng quy chế phát ngôn cho mình nhưng không được trái với quy chế của thủ tướng, đồng thời phải xử lý NPN khi họ có hành vi né tránh, không cung cấp thông tin cho báo chí. Ông Lượng cho biết tới đây Bộ TT&TT sẽ tổ chức hội nghị tổng kết thực hiện quy chế phát ngôn, đánh giá cái gì tốt, cái gì chưa tốt, cơ quan nào làm tốt, cơ quan nào không, căn cứ vào đó sẽ thực hiện sửa đổi quy chế. Ông cũng cho rằng phóng viên cần hiểu rõ quy chế, xác định rõ quyền của mình như thế nào, có thái độ thân thiện khi yêu cầu cung cấp thông tin.

H.HOÀNG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm