Cần chính sách hỗ trợ việc tái chế rác thải để làm nguyên liệu sản xuất

(PLO)- Đề xuất Bộ TN&MT sớm ban hành hướng dẫn hướng dẫn phân loại rác để địa phương ban hành kế hoạch, chỉ đạo thực hiện và xử phạt với những trường hợp không phân loại.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 26-10, liên minh tái chế bao bì Việt Nam tổ chức hội thảo hướng tới triển khai thành công quy định EPR (trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất) tại Việt Nam.

Phân loại rác tại nguồn chưa hiệu quả

Liên quan đến việc phân loại rác tại nguồn, Ông Nguyễn Hữu Tiến, Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hà Nội đánh giá hiện nay người dân vẫn chưa tuân thủ phân loại rác tại nguồn, chỉ phân loại những loại chất thải có giá trị cao, lực lượng thu gom ve chai cũng chỉ thu gom những sản phẩm có giá trị.

tai che rac.jpg
Các đại biểu trao đổi tại hội thảo. Ảnh: NGUYỄN CHÂU

Cạnh đó, hiện nay các chính sách liên quan đến công tác phân loại rác cũng chỉ dừng ở mức khuyến khích, các dự án thí điểm. Vai trò của chính quyền địa phương cũng chưa rõ, chỉ thực hiện phân loại theo mô hình thí điểm, làm theo phong trào.

Tại TP.HCM, bà Nguyễn Thị Quế Lâm, Phó phòng công nghệ môi trường và kiểm tra chất lượng, công ty TNHH MTV Môi trường đô thị TP.HCM (CITENCO) cũng đánh giá, có khoảng 20-25% phường, xã, thị trấn triển khai thực hiện phân loại rác sinh hoạt tại nguồn. Kết quả chưa đạt theo mục tiêu đề ra do hoạt động thu gom, vận chuyển, xử lý rác sinh hoạt hiện nay còn dàn trải, chưa tập trung; phương tiện, thiết bị, công nghệ thu gom, vận chuyển và xử lý chưa đồng bộ, hiện đại; tỉ trọng rác do lực lượng dân lập thu gom cao.

que lam.jpg
Bà Nguyễn Thị Quế Lâm, Phó phòng công nghệ môi trường và kiểm tra chất lượng, công ty TNHH MTV Môi trường đô thị TP.HCM chia sẻ tại hội thảo. Ảnh: NGUYỄN CHÂU

Trong khi việc phân loại rác mang lại nhiều hiệu quả, có thể giúp mang lại hiệu quả kinh tế. Việc phân loại rác tại nguồn góp phần giảm thiểu tổng lượng rác thải trong cộng đồng thải ra môi trường do việc này giúp tăng tỉ lệ thu hồi và tái chế.

Luật Bảo vệ môi trường 2020 quy định rác thải sinh hoạt phát sinh từ hộ gia đình, cá nhân được phân theo ba loại sau: Chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế; chất thải thực phẩm; chất thải rắn sinh hoạt khác. Hiện nay các địa phương vẫn đang chờ hướng dẫn kỹ thuật phân loại rác thải sinh hoạt từ bộ TN&MT để thực hiện.

Bà Nguyễn Thị Thanh Mỹ, Phó Giám đốc sở TN&MT TP thông tin: TP.HCM đang thực hiện phân loại rác tại nguồn thành hai loại theo Quyết định 09/2021/QĐ-UBND. TP cũng đang chuẩn bị lộ trình để thực hiện thêm việc phân loại rác thứ ba là rác thực phẩm.

"Chúng tôi phải chờ hướng dẫn của Bộ TN&MT để thực hiện. Thời gian sắp tới Sở sẽ tổ chức trao đổi chuyên đề về việc triển khai phân loại"- bà Mỹ nói.

Để thực hiện hiệu quả công tác phân loại rác tại nguồn, Ông Nguyễn Hữu Tiến đề xuất Bộ TN&MT sớm ban hành hướng dẫn hướng dẫn phân loại rác. Sau khi có hướng dẫn, chính quyền địa phương ban hành kế hoạch phân loại, chỉ đạo thực hiện và xử phạt với những trường hợp không phân loại. Đồng thời cần thúc đẩy đầu tư tái chế rác.

Việt Nam là một trong những quốc gia đầu tiên tại Đông Nam Á áp dụng công cụ EPR như một quy định bắt buộc của Luật Bảo vệ Môi trường.

Việc triển khai EPR hiệu quả sẽ giúp chúng ta đạt được các kỳ vọng về môi trường tốt đẹp hơn. Đồng thời, thúc đẩy sự chuyển đổi mô hình kinh tế thiếu bền vững sang sang nền kinh tế tuần hoàn và bền vững hơn.

Ông Phạm Phú Ngọc Trai, Chủ tịch Liên minh Tái chế bao bì Việt Nam (PRO Vietnam)

Đề xuất xây dựng trạm thu hồi, tái chế

Để nâng cao tỉ lệ thu hồi và tái chế, bà Nguyễn Thị Quế Lâm cho biết CITENCO đã xây dựng mạng lưới thu gom chất thải tái chế. Đồng thời xây dựng trạm thu mua chất thải tái chế từ chương trình phân loại rác sinh hoạt. Công ty còn xây dựng trạm thu hồi chất thải tái chế, trạm sẽ thu mua chất thải được phân thành loại riêng và phân loại phế liệu hỗn hợp có tỉ lệ nhựa cao.

z4819693350038_1997e85dd9ef866c81c037929a8120c5.jpg
Ông Phạm Phú Ngọc Trai, Chủ tịch Liên minh Tái chế bao bì Việt Nam phát biểu. Ảnh: PRO Vietnam

"Nếu chúng ta làm bài toán tái chế riêng lẽ thì chúng ta sẽ không đạt hiệu quả kinh tế cao bằng việc chúng ta xây dựng một trung tâm xử lý và tái chế chất thải riêng cho TP.HCM, đây là một trong những dự án mà công ty đã đề xuất TP.HCM thực hiện"- bà Lâm nói.

Ông Hoàng Trung Sơn, Tổng giám đốc công ty TNHH Giấy Đồng Tiến chia sẻ: Theo số liệu ước tính, hiện tổng sản lượng vỏ hộp đồ uống giấy các thương hiệu đưa ra thị trường Việt nam tiêu thụ là khoảng 100.000 tấn/năm và có tỉ lệ thu gom tái chế chưa đến 5%, rất thấp nếu so với tỉ lệ thu gom các loại giấy nói chung là gần 48%.

Thách thức trong việc tái chế hiện nay mà ông Sơn đưa ra là việc tái chế gây hao mòn thiết bị nhanh, chi phí bảo trì, bảo dưỡng cao. Ngoài ra tỉ lệ thu hồi sơ sợi thấp hơn so với tái chế giấy thông thường (tối đa chỉ đạt 65%). Cạnh đó, để thu hồi được sơ sợi chất lượng tốt cần dây chuyền tái chế hiện đại và đội ngũ vận hành có kỹ năng, được đào tạo chuyên nghiệp và sản lượng vỏ hộp giấy thu gom không đủ lớn, hiện chưa tới 5.000 tấn/năm.

"Cần ưu tiên đầu tư xây dựng hệ thống phân loại tại nguồn, cơ sở hạ tầng thu gom và các trung tâm phân loại. Đồng thời sớm ban hành Luật tái chế và tiết kiệm tài nguyên như ở một số quốc gia. Quản lý và phân bổ ngân sách thu được từ doanh nghiệp theo quy định EPR; Có chính sách không thu thuế và hỗ trợ với các hoạt động thu gom, phân loại, xử lý chất thải làm nguyên liệu sản xuất..."ông Sơn đề xuất.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm