Một vấn đề được các đại biểu quan tâm nhiều là dự án luật cần có chương riêng quy định chế độ đặc thù về định biên số lượng, chế độ đãi ngộ, tiêu chuẩn, trách nhiệm… cho các TP trực thuộc trung ương, trong đó có TP.HCM.
Thượng tá Trần Đức Thắng, Phó Công an huyện Bình Chánh, đề nghị cần bổ sung nội dung: “Khung số lượng phó trưởng công an xã và công an viên các xã trọng điểm, phức tạp về an ninh trật tự tại các TP trực thuộc trung ương thực hiện theo cơ chế đặc thù; được bố trí thêm phó trưởng công an xã và công an viên theo quy mô dân số, việc bố trí công an viên tại mỗi thôn tương ứng với số lượng hộ hoặc nhân khẩu như bố trí cảnh sát khu vực” vào khoản 2 Điều 22 của dự thảo luật.
Thượng tá Thắng cho rằng địa bàn các xã ở huyện Bình Chánh không thể giống như các xã ở các tỉnh, thành khác được. Hiện nay huyện Bình Chánh có trên 627.000 dân, có những ấp trên 12.000 dân, có 130 khách sạn, nhà hàng, kéo theo đó là sự phức tạp về tệ nạn, tội phạm. Mỗi ấp như thế nếu chỉ bố trí tối đa hai công an viên như quy định thì không thể quán xuyến hết công việc. Mỗi công an viên phải quản lý trên 6.000 dân là quá tải, trong khi đó Điều lệ Cảnh sát khu vực cho phép công an phường là lực lượng chính quy được đào tạo cơ bản cũng chỉ quản lý 400-500 hộ dân. “Chính vì thế mà qua thực tế công tác tôi thấy có rất nhiều bất cập. Do đó tôi đề nghị địa bàn như ở TP.HCM về khung số lượng cần phải bố trí công an viên theo quy mô dân số” - ông Thắng nói.
Ông Lê Minh Đức, Phó ban Pháp chế HĐND TP.HCM, cũng đề nghị địa bàn TP.HCM, Hà Nội, Hải Phòng, Cần Thơ, Đà Nẵng… cần có chương riêng quy định về công an xã khác với nông thôn các tỉnh, thành khác, không thể nông thôn tỉnh, thành nào cũng giống nhau hết.
Theo ông Đức, trăm dâu đổ đầu công an xã. Công an xã không trụ sở, chỉ hưởng phụ cấp bằng năm ngày phụ hồ, phương tiện, trang thiết bị thiếu thốn, bao nhiêu hy sinh mất mát. Cho nên cần xem công an xã đúng nghĩa như là một ngành nghề đặc thù, trong đó chế độ, tiền lương, phụ cấp cần được quy định rõ ràng chính quy hóa trong luật như sĩ quan công an. “Công an xã cái gì cũng làm, làm ngày làm đêm nhưng cuối cùng không được gì, trong khi nguy hiểm rình rập trùng trùng, luôn đối mặt với sự trả thù của tội phạm, cả người thân cũng bị, vậy mà có thấy được gì ngoài vấn đề phục vụ nhân dân” - ông Đức nói.
Ông Đức cũng đề nghị trong dự án Luật Công an xã cần quy định trình độ trưởng công an xã phải có bằng chuyên môn ĐH cảnh sát hoặc ĐH luật trở lên; công an viên trình độ chuyên môn từ trung cấp công an, trung cấp pháp lý trở lên; phải đảm bảo sức khỏe theo quy định của ngành công an.
Việc trang bị vũ khí, các đại biểu đề nghị công cụ hỗ trợ cho công an xã phải cụ thể hơn chứ không thể nói chung chung là “phù hợp với nhiệm vụ được giao” như trong Điều 32 ở dự thảo luật. “Trang bị vũ khí phải thật sự mạnh để đủ lực trấn áp tội phạm, không thể trang bị có cái dùi cui nhựa mà bắt đi trấn áp tội phạm hình sự có súng, có dao, có kiếm… chẳng khác gì đưa lưng, đưa tay ra cho tội phạm đâm chém” - ông Đức nói.