Lo ngại công an xã quá nhiều quyền

Chiều 15-8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Công an xã. Nhiều ý kiến cho rằng trình độ công an xã hiện nay còn hạn chế, nhất là tại vùng sâu, vùng xa nhưng lại được giao quá nhiều quyền, dễ dẫn đến lạm quyền…

Trưởng công an xã chỉ xong tiểu học

Theo dự thảo luật (từ Điều 10 đến Điều 21), công an xã được trao các quyền và nhiệm vụ như nắm tình hình an ninh, trật tự; thẩm tra, xác minh, phân loại, lập hồ sơ tin tức, vụ việc về an ninh, trật tự; quản lý cư trú, căn cước công dân; quản lý vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ; quản lý về an ninh, trật tự đối với ngành, nghề kinh doanh có điều kiện về an ninh, trật tự. Công an xã được quyền bắt người phạm tội quả tang, người có quyết định truy nã, truy tìm người đang lẩn trốn trên địa bàn xã; tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm, lập biên bản tiếp nhận, lấy lời khai ban đầu. Công an xã còn được giao thi hành án hình sự, thi hành biện pháp xử lý hành chính; huy động phương tiện và người sử dụng, điều khiển phương tiện…

Nhiều ý kiến cho rằng việc trao quá nhiều quyền cho công an xã là không khả thi, dễ dẫn đến lạm quyền, vi phạm pháp luật trong quá trình thực thi nhiệm vụ.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho rằng công an xã là lực lượng tiếp xúc với người dân nhiều nhất. Thẩm quyền lại liên quan đến nhiều luật, trong đó có hoạt động liên quan đến công tác điều tra ban đầu, tuần tra kiểm soát giao thông… đều là thẩm quyền quan trọng. Hiện Pháp lệnh Công an xã có nhiều quy định vượt so với BLTTHS trong khi trình độ đầu vào lại thấp nhất. “Hiện quy định trình độ đầu vào của trưởng công an xã là người học xong THCS trở lên, còn ở vùng sâu, vùng xa, vùng ít người thì chỉ tốt nghiệp tiểu học trở lên. Với chức năng, quyền hạn rất lớn, có những quyền liên quan đến quyền con người mà để trình độ đầu vào như thế khó mà đảm bảo chất lượng được” - bà Nga nói.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân kết luận tại phiên làm việc Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng 15-8. Ảnh: TP

Cân nhắc về quyền hạn công an xã

Lo ngại về 11 nhiệm vụ của công an xã mà dự luật nêu, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa-Giáo dục Thanh thiếu niên và Nhi đồng Phan Thanh Bình cho là quá nặng trong khi trình độ còn hạn chế. “Người ta lo là ở nông thôn có tình trạng cứ có tí chức là xảy ra quan liêu, có tí quyền là bắt đầu không công bằng với dân… Lập biên bản lấy lời khai ban đầu mà trình độ chỉ mới tốt nghiệp tiểu học, liệu có làm được không?” - ông Bình bày tỏ.

Để hạn chế việc vi phạm, xâm phạm quyền con người, quyền công dân, có ý kiến đề nghị chính quy hóa lực lượng công an xã. Tuy nhiên, đa số ý kiến cho rằng giữ nguyên quy định công an xã là lực lượng vũ trang bán chuyên trách như hiện nay là phù hợp. “Cả nước có hơn 11.000 xã, nếu đưa lên chính quy, bộ máy sẽ phình ra như thế nào?” - Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nói.

Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý cần cân nhắc thêm về nhiệm vụ, quyền hạn của công an xã. Đây là lực lượng vũ trang bán chuyên trách nên cần quy định nhiệm vụ cho phù hợp.

Các ý kiến cũng đề nghị dự thảo luật cần thể hiện rõ tính chất “vũ trang bán chuyên trách” của lực lượng công an xã để thể hiện rõ địa vị pháp lý, chức năng, nhiệm vụ… phù hợp với quy định của Luật Công an nhân dân và các luật liên quan khác.

Cần liệt kê khi nào cảnh vệ được nổ súng

“Việc quy định các chiến sĩ cảnh vệ được nổ súng để thực hiện nhiệm vụ phải được liệt kê chi tiết. Lực lượng này phải được huấn luyện chặt chẽ để trong từng tình huống cân nhắc mức độ nguy hiểm mà sử dụng vũ khí, nổ súng theo trình tự cảnh cáo, gây thương tích và tiêu diệt” - Chủ tịch Quốc hội kết luận tại phiên làm việc sáng 15-8 khi bàn thảo về dự án Luật Cảnh vệ.

Theo dự thảo, các trường hợp cảnh vệ được nổ súng: Để cảnh cáo đối tượng đang đột nhập vào khu vực, mục tiêu cảnh vệ; để gây thương tích sau khi đã ra hiệu lệnh dừng lại và bắn cảnh cáo nhưng không hiệu quả; để tiêu diệt đối tượng đang sử dụng vũ khí, chất nổ, chất cháy… tấn công trực tiếp đối tượng cảnh vệ hoặc sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ cảnh vệ đang làm nhiệm vụ. Các trường hợp nổ súng khác được thực hiện theo quy định của pháp luật.

Đối tượng được lực lượng cảnh vệ bảo vệ gồm: Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội. Ngoài ra còn có nguyên Tổng Bí thư, nguyên Chủ tịch nước, nguyên Thủ tướng Chính phủ, nguyên Chủ tịch Quốc hội; các ủy viên Bộ Chính trị; bí thư Trung ương Đảng; chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, phó chủ tịch nước, phó thủ tướng Chính phủ, phó chủ tịch Quốc hội.

_______________________________

Tôi đồng ý xác định công an xã là lực lượng vũ trang bán chuyên trách vì mang tính chất quản lý xã hội nhiều hơn nhưng phải đảm bảo mang tính chuyên nghiệp.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách NGUYỄN ĐỨC HẢI

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm