Có hai phương án xung quanh việc có nên mở rộng cơ quan có thẩm quyền tiến hành một số hoạt động điều tra hay không: Thứ nhất là giữ nguyên như quy định hiện hành, thứ hai là bổ sung thêm các cơ quan kiểm ngư, thuế, Ủy ban Chứng khoán nhà nước. Dự luật thể hiện cả hai phương án để xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Kiểm ngư, thuế, Ủy ban Chứng khoán được điều tra?
Đại diện Ủy ban Chứng khoán nhà nước thiết tha: “Đã hội nhập thì phải đi theo thông lệ quốc tế”. Theo vị này, thế giới đã có 80 nước quy định Ủy ban Chứng khoán có thẩm quyền điều tra ban đầu, 20 nước quy định Ủy ban Chứng khoán có thẩm quyền điều tra đầy đủ. Chứng khoán là lĩnh vực mà vi phạm có thể mang tính xuyên suốt cả nước và quốc tế. Nếu không trao cho cơ quan này có thẩm quyền điều tra thì Việt Nam có thể bị đưa vào “danh sách đen”, ảnh hưởng đến môi trường đầu tư…
Đại diện Tổng cục Thuế sau đó cũng có đề nghị tương tự.
Tuy nhiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Công Hồng băn khoăn: “Qua giám sát, chúng tôi thấy một số lực lượng có thẩm quyền nhưng chưa sử dụng thẩm quyền bao giờ cả. Bảo là cần thiết thì phải chứng minh sự cần thiết ở chỗ nào. Nếu bây giờ tính trên đặc thù công tác của từng lĩnh vực thì lĩnh vực nào cũng đều có đặc thù cả”.
Công an xã được khám người và lấy lời khai? Ảnh: ĐL
Ông Hồng cũng cho rằng tham khảo kinh nghiệm nước ngoài là tốt nhưng cần phải xem mô hình tố tụng của nước ngoài cũng như hệ thống các cơ quan tư pháp của họ ra sao. “Không phải cái gì nước ngoài có ta cũng phải có. Các đồng chí cứ nghĩ sẽ làm được nhưng nếu vụ án phức tạp, các đồng chí chỉ có bảy ngày thu thập tài liệu, chứng cứ kể từ ngày khởi tố vụ án để chuyển giao cho cơ quan điều tra chuyên trách thì liệu các đồng chí có làm được không? Nếu mô hình tổ chức như hiện tại thì tôi nghĩ không làm được” - ông Hồng nói thêm.
“Tôi đã dự rất nhiều phiên họp, cứ liên quan đến hoạt động điều tra là các cơ quan đề nghị mở rộng thẩm quyền nhưng khi tổng kết hằng năm thì hầu như trong các báo cáo của Chính phủ đề cập đến hoạt động này cực kỳ ít, không rõ. Ủy ban Tư pháp vừa qua đã giám sát về việc này và thấy dấu hiệu bỏ lọt tội phạm ở các cơ quan này khá nhiều” - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga nói.
Bà Nga dẫn chứng: Theo báo cáo của Bộ Công an, trong tám năm rưỡi, cơ quan hải quan chỉ khởi tố, điều tra được… 26 vụ buôn lậu và vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới. Chưa kể, một số cơ quan làm không đúng quy định của pháp luật. Cụ thể, các cơ quan này có thẩm quyền cho đến khi kết thúc điều tra nhưng thực tế họ chỉ khởi tố vụ án, tiến hành điều tra ban đầu sau đó chuyển cơ quan điều tra chuyên trách.
“Quan điểm của tôi là không nên mở rộng. Điều tra cơ bản là phải chuyên trách. Lâu nay giao việc điều tra cho hải quan, biên phòng, kiểm lâm, cảnh sát biển là có lý của nó, còn không nên càng ngày càng mở rộng ra” - bà Nga kết luận.
Công an xã điều tra tới đâu?
Một vấn đề gây nhiều tranh luận khác là quy định về thẩm quyền của công an xã khi tiến hành một số hoạt động điều tra.
Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quý Vương khẳng định: “Công an xã không nằm trong cơ quan điều tra nhưng được làm một số việc phục vụ hoạt động điều tra”. Theo ông Vương, quy định trong dự luật đã “bám sát” Pháp lệnh công an xã - đây là nhiệm vụ quy định tại pháp lệnh được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua.
Theo ông Vương, hằng ngày các việc phạm pháp hình sự 40%-50% là phạm tội quả tang, khi đưa đến công an xã thì lực lượng này phải tiến hành giải quyết. “Nếu xảy ra tai nạn, đánh nhau, trộm cắp thì phải có biên bản ghi nhận hiện trường. Người dân đến trình báo thì phải ghi lời khai. Nếu công an xã phát hiện đúng đối tượng thì có quyền báo cáo cấp trên, tổ chức lực lượng truy bắt để ngăn chặn hoạt động gây án...” - ông Vương giải thích.
Giám đốc Công an TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung thừa nhận công an xã là lực lượng bán chuyên trách nhưng trên thực tế họ đã làm những việc quy định trong dự thảo, giờ chỉ là “cụ thể hóa” trong luật. “Nên cho họ được quyền thực hiện một số hoạt động điều tra nhưng cần quy định cụ thể những việc họ được làm, mức độ đến đâu, đồng thời quy định cụ thể quyền và trách nhiệm của họ” - ông Chung đề nghị.
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện bày tỏ quan điểm: “Đa số ý kiến nói không nên giao cho công an xã, phường thực hiện hoạt động điều tra. Nói thật với các anh, đã giao quyền thì nhiều chuyện lắm, không cẩn thận là khổ dân. Những việc họ đang làm như bảo vệ hiện trường, vẫn thu thập một vài chứng cứ thì vẫn cứ để họ làm, theo quy định của Luật Công an nhân dân, Pháp lệnh Công an xã. Nhưng đó không phải là hoạt động tố tụng”.
Ông Hiện cho hay: “Kinh nghiệm trong cuộc đời làm tố tụng của tôi, những vụ việc rắc rối, kéo dài, khó khăn, khổ sở nhất là sai ngay từ việc điều tra, thu thập chứng cứ ban đầu. Anh công an xã, phường, thậm chí cả trưởng thôn cũng vào phá hiện trường lung tung cả, tới lúc anh chuyên nghiệp xuống thì không làm được nữa”.
Thẩm quyền dự kiến của công an xã Công an phường, thị trấn, đồn công an, trạm công an có trách nhiệm tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm, tiến hành kiểm tra, xác minh sơ bộ và chuyển ngay tố giác, tin báo về tội phạm xác định có dấu hiệu tội phạm kèm theo các đồ vật, tài liệu có liên quan cho cơ quan điều tra có thẩm quyền trong thời hạn năm ngày, kể từ ngày tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm. Công an xã có trách nhiệm tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm, lập biên bản tiếp nhận, lấy lời khai và chuyển ngay tố giác, tin báo về tội phạm kèm theo các tài liệu, đồ vật liên quan cho cơ quan điều tra có thẩm quyền. Trường hợp công an xã, phường, thị trấn, đồn công an, trạm công an trong khi thực hiện nhiệm vụ bảo đảm an ninh, trật tự mà phát hiện bắt giữ hoặc tiếp nhận người phạm tội quả tang thì lập biên bản bắt giữ người phạm tội quả tang, lấy lời khai, vẽ sơ đồ hoặc bảo vệ hiện trường, khám người, thu giữ, tạm giữ và bảo quản vật chứng, tài liệu có liên quan theo quy định của pháp luật, dẫn giải người bị bắt lên cơ quan công an cấp trên trực tiếp hoặc báo ngay cho cơ quan điều tra có thẩm quyền… (Trích dự thảo Luật Tổ chức |