Thực hiện chủ trương xã hội hóa một số hoạt động trong công tác thi hành án dân sự (THADS), chế định thừa phát lại (TPL) đã được thực hiện thí điểm tại TP.HCM từ năm 2009. Tháng 11-2012, Quốc hội thông qua Nghị quyết 36, tiếp tục thực hiện thí điểm chế định này tại TP.HCM và 12 tỉnh, thành như Hà Nội, Hải Phòng, Đồng Nai, Bình Dương…
Hoàn thiện pháp luật đối với TPL
Riêng ở TP.HCM, hiện đang có 11 văn phòng TPL hoạt động. Các văn phòng thực hiện tống đạt văn bản giấy tờ theo yêu cầu của tòa và cơ quan THADS, lập vi bằng, xác minh điều kiện THA theo yêu cầu, tổ chức THA. Tổng doanh thu của các văn phòng đạt hơn 68 tỉ đồng nhưng doanh thu chủ yếu vẫn đến từ việc lập vi bằng.
Theo bà Phan Thị Bình Thuận (Phó Giám đốc Sở Tư pháp TP.HCM), việc thí điểm chế định TPL là chủ trương đúng đắn, quá trình triển khai thực hiện rất quyết tâm và đúng hướng. Tuy nhiên, do là thí điểm nên văn bản quy phạm pháp luật trực tiếp điều chỉnh hoạt động TPL chưa hoàn thiện, quy định pháp luật một số lĩnh vực chưa thống nhất với chế định TPL, việc đào tạo TPL cũng chưa bài bản…
Để hoạt động TPL ngày càng ổn định và phát triển, bà Thuận đề xuất cần hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật liên quan; thống nhất quy định pháp luật trong một số lĩnh vực cho phù hợp với chế định TPL. Bên cạnh đó cần có sự chỉ đạo để các cơ quan liên quan tăng cường công tác tuyên truyền, phối hợp, hỗ trợ hoạt động của TPL. Cần đẩy mạnh tuyên truyền vì đối với người dân, khái niệm TPL vẫn còn xa lạ nên người dân có tâm lý chưa tin tưởng đối với một số việc do TPL thực hiện, trong khi một số cơ quan nhà nước cũng nhận thức chưa đầy đủ, rõ ràng...
Thừa phát lại đang làm nhiệm vụ một vụ cưỡng chế bàn giao nhà. Ảnh: CTV
Cần cơ chế rõ ràng
Ông Phan Hồng Sơn (Giám đốc Sở Tư pháp TP Hà Nội) cũng cho rằng cần tiếp tục thí điểm TPL nhưng “cần nghiên cứu thêm thể chế sao cho phù hợp”. Ông Lê Quang Tiến (Cục trưởng Cục THADS TP Hà Nội) đề nghị: “Tiếp tục thì phải có cơ chế là nên mở rộng và giao việc mạnh cho TPL. Chấp hành viên hiện quá tải, TPL sẽ chia sẻ được với cơ quan THA và giảm lượng án tồn. Để tổ chức thực hiện tốt TPL chỉ cần cơ chế chứ như hiện nay thì khó vì cơ chế chưa có. TP.HCM năm năm nay xong chưa được 100 vụ THA. Đội ngũ TPL hiện hành chưa qua trường lớp, nghiệp vụ không có. Nhiều vụ việc quy trình chưa đảm bảo…”.
Ông Đào Văn Cường (Phó Viện trưởng VKSND TP Hà Nội) cũng ủng hộ chế định TPL: “TPL cung cấp cho người dân một loại hình pháp lý để lựa chọn, vừa cạnh tranh tránh độc quyền, vừa giảm tải cho Nhà nước. Tôi ủng hộ mô hình TPL nhưng tiếp tục thí điểm hay chuyển đổi chính thức thì còn phải tính. Chúng tôi vừa sơ kết sáu tháng đầu năm công tác THA ở Hà Nội thì lượng tiền TPL làm được mới được 19%, lượng việc thì hơn 40%”.
Từ góc độ người trực tiếp thực hiện, ông Nguyễn Văn Lạng (Trưởng Văn phòng TPL Ba Đình, Hà Nội) chia sẻ: “TPL chưa làm được nhiều với mục đích đặt ra trong hoạt động THADS vì chưa có cơ chế rõ ràng. Chúng tôi hoạt động chỉ dựa vào nghị định, trong khi luật chưa chính thức ghi nhận. Nếu có hành lang pháp lý chính thức thì chúng tôi sẽ làm không kém cơ quan THADS. Cái chính vẫn là phải xã hội hóa hoạt động THADS”.
Theo ông Tất Thành Cang (Phó Chủ tịch UBND TP.HCM), sắp tới TP.HCM sẽ đánh giá kỹ lại để có những kiến nghị về hoạt động TPL cho phù hợp với tình hình chung.
Ông Tất Thành Cang, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM: Đề nghị mở rộng mô hình TPL Hiện hoạt động TPL còn gặp khó khăn vì nhiều cơ quan chưa thấm, nhiều lãnh đạo quận, huyện không biết chế định TPL, không biết văn phòng TPL ở đâu, hoạt động ra sao thì làm sao hỗ trợ. Trong việc lập vi bằng, người dân chọn TPL nhưng THA thì chắc chắn có tâm lý chọn cơ quan THA... Ở TP.HCM, số lượng vụ việc THA rất lớn, nếu chỉ dựa vào đội ngũ THA như hiện nay thì sẽ làm không xuể. Hiện tại, cơ quan THA và Sở Tư pháp thì quá tải trong khi TPL phải chờ việc. Theo tôi, THA phải là cơ quan thực hiện chức năng quản lý chứ không phải thực hiện chức năng thi hành, tức không đi vào vụ việc cụ thể. Nếu đẩy mạnh việc xã hội hóa hoạt động và đội ngũ THA thì sẽ tiết kiệm được bộ máy biên chế cùng kinh phí từ ngân sách: Sở Tư pháp được giảm tải, cơ quan THADS thu gọn bộ máy, thực hiện chức năng quản lý, còn TPL là nơi tổ chức thực hiện. Do đó, TP.HCM thống nhất đề nghị mở rộng mô hình TPL. Ông Lê Hồng Sơn, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội: Cần có quy định rõ Ở Hà Nội, tâm lý e ngại của người dân đối với TPL còn hơn cả TP.HCM. Xưa nay họ chưa quen với việc sử dụng dịch vụ trả tiền ngoài nhà nước. Đây là cản trở lớn nhất đối với TPL do lượng khách hàng ít, chủ yếu là khách hàng nhà nước. Trong khi đó, ngành tòa án ở Hà Nội còn nợ tiền TPL nhiều, TPL phải ứng trước chi phí. Ngoài ra, TPL chưa nhận được sự hợp tác xác minh về điều kiện THA, tài khoản ngân hàng… của khách hàng từ phía các cơ quan liên quan. Tôi đề nghị xác định TPL là một dịch vụ tư pháp như luật sư, công chứng, đấu giá. Pháp luật phải dẫn đường về thu chi, cơ chế quản lý phù hợp tính chất công việc chứ như hiện nay cứ nửa nhà nước, nửa tư nhân. Phân định rõ phạm vi hoạt động của TPL là được làm gì, không được làm gì. Nếu quá trình thí điểm TPL còn nhiều khó khăn thì chia làm lộ trình, ban đầu có sự hỗ trợ nhưng nới dần. Phải quy định rõ trình tự, thủ tục, quyền, nghĩa vụ và đạo đức nghề nghiệp của đội ngũ TPL để người làm và người thụ hưởng yên tâm. |